Vinh danh hai tiếng Việt Nam

01:01, 31/01/2014

Dương Tấn Nhựt đoạt giải thưởng Nhà khoa học trẻ xuất sắc năm 2000 tại Hội nghị quốc tế về cây ăn trái nhiệt đới và á nhiệt đới (Cairns - Australia); giải Nhà khoa trẻ xuất sắc 2001 tại Hội nghị quốc tế lần thứ II về công nghệ sinh học cây trồng nhiệt đới và á nhiệt đới (Đài Bắc, Đài Loan) và giải Báo cáo ấn tượng nhất tại Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc lần thứ II (2003 - Hà Nội)...

Dương Tấn Nhựt đoạt giải thưởng Nhà khoa học trẻ xuất sắc năm 2000 tại Hội nghị quốc tế về cây ăn trái nhiệt đới và á nhiệt đới (Cairns - Australia); giải Nhà khoa trẻ xuất sắc 2001 tại Hội nghị quốc tế lần thứ II về công nghệ sinh học cây trồng nhiệt đới và á nhiệt đới (Đài Bắc, Đài Loan) và giải Báo cáo ấn tượng nhất tại Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc lần thứ II (2003 - Hà Nội). Năm 2006, TS. Dương Tấn Nhựt được Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge (Anh) đề xuất đưa vào danh sách 2.000 nhà khoa học xuất sắc của thế kỷ XXI. Anh cũng được ghi tên vào kỷ yếu 2006-2007 của Who’s Who vì những đóng góp xuất sắc cho khoa học. Anh là điển hình cho những nhà khoa học có tố chất tốt, có nhiệt huyết cống hiến, tác phong nghiên cứu chuyên nghiệp…
 
PGS, TS. Dương Tấn Nhựt trò chuyện về cây sâm Ngọc Linh 4 năm tuổi với ông A Hình (người chăm sóc  vườn sâm Ngọc Linh của VSHTN) trên đỉnh núi Ngọc Linh.
PGS, TS. Dương Tấn Nhựt trò chuyện về cây sâm Ngọc Linh 4 năm tuổi với ông A Hình (người chăm sóc vườn sâm Ngọc Linh của VSHTN) trên đỉnh núi Ngọc Linh
 
Nhà khoa học yêu quê hương
 
Hơn 45 tuổi đời với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS.) Dương Tấn Nhựt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (trước đây là Viện Sinh học Tây Nguyên) có gần 200 công trình được giới thiệu, công bố bởi các nhà xuất bản, các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật về lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật... Bên cạnh đó, anh là chủ biên và tham gia viết 15 cuốn sách chuyên khảo trong và ngoài nước; tham gia phản biện và đọc bài cho hơn 10 tạp chí quốc tế chuyên ngành. Từ năm 1998 - 2005, anh là người có nhiều công trình khoa học đạt “Nghiên cứu ấn tượng” của Mỹ. Năm 2004, anh được xác lập kỷ lục về “Người Việt Nam đầu tiên nhân giống vô tính cây lan hài đặc hữu” và được Trường Đại học Kagawa (Nhật Bản) đưa vào danh sách những người có ảnh hưởng đến lịch sử 100 năm của nhà trường. 
 
“Cái tên Dương Tấn Nhựt đã đứng ngang hàng với tên của những nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Nhưng, anh làm những điều đó, vì “Tên của tôi một ngày nào đó cũng sẽ bị lãng quên, nhưng hai chữ Việt Nam hiện hữu bên tôi, trong địa chỉ làm việc in trên các tạp chí và sách quốc tế vẫn lưu giữ muôn đời. Nhiều nhà khoa học có thể chẳng thể nào đọc, hay nhớ được tên của tôi, nhưng với hai chữ Việt Nam thì họ có thể đọc và nhớ đến mà không thể nhầm lẫn được”. 
PGS. TS Dương Tấn Nhựt sinh ra và lớn lên ở Ninh Hòa (Khánh Hòa), nhưng Đà Lạt - Lâm Đồng và Viện Sinh học Tây Nguyên là nơi anh trưởng thành, đam mê khoa học và cống hiến những thành tựu nghiên cứu cho nước nhà. Anh tốt nghiệp Đại học Đà Lạt năm 1991, sau đó bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ sinh học năm 1996, và tiếp tục đi nghiên cứu sinh tại Nhật đến năm 2002… Anh có 6 năm được học tập, nghiên cứu, tham dự hội nghị… ở nhiều quốc gia, có điều kiện làm việc ở những nơi hiện đại nhất thế giới, được mời cộng tác với mức lương chỉ là giấc mơ ở Việt Nam… Nhưng TS Nhựt quyết định quay về quê hương, chấp nhận sống trong căn hộ tập thể 12m2, hưởng lương công chức và làm việc trong điều kiện trang thiết bị tối giản nhất…
 
TSKH. Trần Hà Anh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân (NCHN) Đà Lạt) chia sẻ: Chúng tôi có duyên may biết anh Nhựt từ lúc anh tốt nghiệp đại học và từ đấy có điều kiện theo dõi sự tiến bộ và trưởng thành của anh. Anh là một con người có uy tín và biết phấn đấu không ngừng trong học tập, rèn luyện và cống hiến. Anh có một cuộc sống khoa học sôi nổi, đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo. Những công trình nghiên cứu của anh đều hữu ích cho sự phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp và y tế. Tấm gương rèn luyện và cống hiến của anh đáng được thanh thiếu niên của nước ta noi theo. Tôi mong và tin rằng sự nghiệp khoa học của anh ngày càng thêm vững chắc và tham gia giải quyết ngày càng hiệu quả hơn những vấn đề đặt ra của đất nước”.
 
Người ta gọi anh là tiến sĩ “hoa” vì rất nhiều công trình nghiên cứu của anh liên quan đến các loài hoa, như: dendrobium, hoa cúc, hoa chuông, địa lan, hồ điệp, hài, layơn… bên cạnh những nghiên cứu về thực vật khác như: xà lách, dâu tây… đặc biệt, “nuôi cấy tế bào thông đỏ” và “nhân giống vô tính sâm ngọc linh”… TS. Trần Quý - Trưởng phòng Công nghệ sinh học (Viện NCHN Đà Lạt) đánh giá: “Anh là học trò xuất sắc của TS. Hà Ngọc Mai (phu nhân TSKH. Trần Hà Anh), là người nối tiếp và phát triển sự nghiệp của cô giáo mình trong lĩnh vực nuôi cấy mô. Trong những nghiên cứu của anh có 2 vấn đề khoa học đặc biệt quan trọng, là: ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy lớp mỏng (thin-layer) cho nghiên cứu loài thực vật và nuôi cấy invitro sâm Ngọc Linh. Trong điều kiện thoái trào về khoa học của kỹ thuật nuôi cấy mô, anh đã tạo ra những điểm nhấn, điểm mới cho những đề tài đào tạo, nghiên cứu hiện nay”. 
 
Hướng dẫn học trò trong phòng cấy mô
Hướng dẫn học trò trong phòng cấy mô
 
Làm rạng ngời hai tiếng Việt Nam
 
Anh Nhựt kể, hồi còn đi học trong nước, nhiều đề tài khoa học thuộc lĩnh vực sinh học cuốn hút anh, nhưng vì không có điều kiện, nên anh quyết tâm ra nước ngoài để học tập và nghiên cứu. Đó cũng là lý do, đến khi thành công, anh nghĩ phải trở về để đóng góp cho đất nước và giúp đỡ, tìm cơ hội cho những nhà khoa học trẻ có điều kiện phát triển ở những môi trường tốt, có khát vọng cống hiến cho khoa học… Từ các mối quan hệ, anh Nhựt đã tìm học bổng cho nhiều học trò của mình được ra nước ngoài học tập và nghiên cứu. “Tôi cố gắng hướng các bạn trẻ sự tự tin vào khả năng cống hiến và tâm huyết với đất nước. Tôi thích làm việc với các bạn sinh viên. Trong niềm đam mê của các em, tôi luôn nhìn thấy hình ảnh của mình nhiều năm về trước”. Có thể nói gần 20 năm qua, nhà khoa học Dương Tấn Nhựt đã mang lại lợi ích thiết thực cho quê hương, đất nước trong lĩnh vực khoa học và dìu dắt thế hệ kế cận cho khoa học. Anh đã thực hiện được khát vọng cháy bỏng của mình là khi xướng danh Việt Nam, người ta không chỉ nói về chiến tranh mà nói đến những đóng góp khoa học kỹ thuật cho sự phát triển của nhân loại. 
 
Anh tâm sự: “Với những sinh viên, những đồng nghiệp của mình, tôi luôn nói, khoa học là cái gì đó rất mênh mông và không có chỗ dừng. Cho nên dù có nhận bất cứ điều gì gọi là vinh danh, hay thành đạt, hay tài sản từ khoa học mang lại, cũng không quý bằng việc hàng năm tôi phải suy nghĩ để làm ra vài công trình khoa học. Chính những công trình khoa học đó níu giữ tôi, chứ không phải tôi ngồi đó và ngắm nhìn những điều mình đã làm được. Tôi cũng mong giới nghiên cứu Việt Nam có chế độ đãi ngộ thích đáng để còn đóng góp cho khoa học mãi...”. Anh đã vô cùng hạnh phúc khi lần đầu tiên có một nhà xuất bản hàng đầu thế giới mời viết sách chuyên khảo. Anh mất 3 năm để viết cuốn sách dày 530 trang cho Nhà xuất bản Kluwer Academic Publishers… 
 
GS, TS. CC Chinnappa (Chủ tịch Hội Thực vật học Canada) nói: “Tôi có nhiều bạn bè ở nhiều cơ sở nghiên cứu trên thế giới, nhưng TS Nhựt là người để lại ấn tượng rất sâu sắc và thú vị, bởi: anh ấy hướng dẫn rất nhiều sinh viên, viết nhiều sách; tôi thấy anh ấy hướng dẫn sinh viên viết báo cáo bằng tiếng Anh, viết các bài báo khoa học bằng tiếng Anh. Thường thì những người như anh ấy có trợ lý khoa học, nhưng TS. Nhựt đã làm tất cả mọi việc cho sinh viên của mình một cách hoàn hảo. Anh ấy có sinh viên ở khắp nơi trên thế giới. Anh ấy là người thầy đáng kính và nhà khoa học đáng khâm phục”.
 
LÊ HOA