Sau gần một năm mày mò làm thử nghiệm, em đã thành công phương pháp hoạt hóa chế phẩm vi sinh để đẩy nhanh quá trình ủ vỏ cà phê và tăng thêm lượng vi sinh vật trong phân...
Thấy bố mất rất nhiều thời gian và công sức để ủ vỏ cà phê làm phân bón, em Trần Thị Thúy Vy (học sinh lớp 11A2, Trường THPT Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) đã tìm cách giúp bố. Sau gần một năm mày mò làm thử nghiệm, em đã thành công phương pháp hoạt hóa chế phẩm vi sinh để đẩy nhanh quá trình ủ vỏ cà phê và tăng thêm lượng vi sinh vật trong phân.
|
Trần Thị Thúy Vy đang tiếp tục thử nghiệm phương pháp “Hoạt hóa chế phẩm vi sinh để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp” |
Nhà Thúy Vy trồng nhiều cà phê. Hàng năm, sau khi thu hoạch, lượng vỏ cà phê rất nhiều. Để tận dụng vỏ cà phê làm phân bón, bố của Vy đã ủ bằng phương pháp truyền thống. Phương pháp này được tiến hành theo cách mua men vi sinh về trộn với vỏ cà phê; sau đó, ủ lại bằng bạt. Sau thời gian 4 – 5 tháng, vỏ cà phê đã hoai thì đem trộn với phân chuồng và bón cho cây trồng. Thúy Vy chia sẻ: “Do mất nhiều thời gian ủ, nên vỏ cà phê bốc mùi rất khó chịu, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Vào năm học lớp 10, khi học môn Sinh học đến bài “Sinh trưởng của vi sinh vật”, em đã nảy ra ý tưởng đẩy nhanh quá trình sinh trưởng của vi sinh vật trong việc ủ vỏ cà phê, với hy vọng sẽ rút ngắn thời gian ủ. Sang năm học lớp 11, được sự khuyến khích của giáo viên môn Sinh, em bắt đầu triển khai đề tài “Hoạt hóa chế phẩm vi sinh để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp”. Sau 9 tháng làm thử nghiệm, kết quả thu được ngoài sức tưởng tượng của em”.
Thay vì trộn trực tiếp gói men vi sinh với vỏ cà phê rồi đem ủ, Thúy Vy đã hoạt hóa gói men vi sinh trước khi ủ với vỏ cà phê. Cách hoạt hóa của Vy rất đơn giản, bằng cách cho men vi sinh vào môi trường rỉ đường. Vì theo Vy, rỉ đường là môi trường tốt nhất cho vi sinh vật phát triển, nên em đã nghĩ ngay đến rỉ đường khi tiến hành đề tài của mình. Vy đã tiến hành ủ 3 đống vỏ cà phê với trọng lượng 250 kg/ đống, gồm đống ủ với rỉ đường, đống ủ với đường ăn và đống ủ theo cách thông thường để đối chứng. Men vi sinh mua về, Vy hòa với 0,02 g rỉ đường; sau đó, đem trộn với 250 kg vỏ cà phê rồi ủ. Đối với đường ăn, Vy cũng làm theo phương pháp tương tự. Kết quả thu được là lượng vi sinh vật đã tăng rất nhanh theo cấp số nhân, có loại tăng đến 107 lần so với ban đầu. Vy cho biết: “Trong môi trường rỉ đường, lượng vi sinh vật tăng gấp đôi so với môi trường đường ăn. Vì lượng vi sinh tăng nhiều nên quá trình phân hủy vỏ cà phê diễn ra nhanh hơn, rút xuống chỉ còn 2 tháng. Cũng nhờ phân hủy nhanh, hầu như vỏ cà phê không sinh ra mùi khó chịu và cũng không cần trộn thêm với phân chuồng như cách ủ thông thường”.
Sau khi làm các thử nghiệm hoạt hóa, Vy đã đem mẫu đi xét nghiệm tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng Lâm Đồng, kết quả cho thấy có rất nhiều vi sinh vật được sinh ra; trong đó, có 4 loại chính giúp chống bệnh thối rễ cho cây trồng và diệt các loại nấm hại trong đất. Ngoài việc hoạt hóa men vi sinh để ủ vỏ cà phê, Vy còn thử nghiệm cách hoạt hóa men vi sinh với rỉ đường rồi hòa với nước; sau đó, đem phun lên rau cải và cây chè thì rau xanh tốt hơn, chè cũng mau ra đọt hơn.Tuy nhiên, theo Vy, hạn chế của đề tài là chưa xác định được đầy đủ các loại vi sinh vật được sinh ra trong quá trình hoạt hóa, do trang thiết bị tại các nơi xét nghiệm chưa thể thực hiện được. Ngoài ra, việc phun xịt hoạt chất cho rau và chè mới chỉ được đánh giá bằng cảm tính, chưa làm các xét nghiệm cụ thể.Vì vậy, hiện em vẫn tiếp tục hoàn thiện thử nghiệm và làm các xét nghiệm cần thiết để đề tài hoàn thiện hơn. Thầy Võ Nhật Trí, Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Thành, cho biết: “Hiện nhà trường đang hỗ trợ Vy hoàn thiện đề tài rồi gởi mẫu vật về TP Hồ Chí Minh để làm xét nghiệm, xác định các chủng vi sinh vật được sinh ra để đánh giá hiệu quả chính xác hơn. Đề tài này của Vy đã đạt giải 3 tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh tỉnh Lâm Đồng. Sau khi hoàn thiện đề tài, nhà trường sẽ khuyến khích em tham dự một số cuộc thi cấp cao hơn. Trên thực tế, gia đình Vy đang tiến hành ủ vỏ cà phê theo phương pháp của em rất có hiệu quả. Đây là cách làm đơn giản nhưng hiệu quả cao, rất có ích cho người nông dân trong việc sử dụng vỏ cà phê làm phân bón”.
Đông Anh