Kỹ sư chân đất bảo tồn trà mi rừng

07:06, 16/06/2014

Anh Trần Hoàng Thân, 51 tuổi, ở phường 10, Đà Lạt - người không qua lớp đào tạo, tự học hỏi, nhưng đang nhân giống thành công 11 loài trà mi đặc hữu Lâm Đồng. Anh đã đoạt khoảng 40 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng về cây cảnh tại các Hội hoa Xuân Đà Lạt và các tỉnh, thành...

Anh Trần Hoàng Thân, 51 tuổi, ở phường 10, Đà Lạt - người không qua lớp đào tạo, tự học hỏi, nhưng đang nhân giống thành công 11 loài trà mi đặc hữu Lâm Đồng. Anh đã đoạt khoảng 40 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng về cây cảnh tại các Hội hoa Xuân Đà Lạt và các tỉnh, thành. Đặc biệt, cây đa tử trà hương mang lại cho anh tấm Huy chương Vàng thuộc bộ môn cây quý tại Hội hoa Xuân thành phố Hồ Chí Minh năm 2013 là loài trà mi đặc hữu Lang Bian được phát hiện lần đầu. 
 
 
Gian nan di thực trà mi quý 
 
Anh Trần Hoàng Thân đến với nghề cây cảnh từ năm 1990 nhưng 10 năm sau mới trình làng tác phẩm với các hội hoa. Năm 2005, anh Thân bắt đầu làm quen với loài trà mi, trước tiên là các giống nhập nội. Quá trình chơi trà mi, anh rút ra một điều: đây là loài sống trên rừng, tại sao mình không vào rừng của Lâm Đồng để sưu tầm. Thế là anh bán hết trà mi ngoại, tập trung vào trà mi rừng địa phương. Nhưng để có tri thức khoa học, anh tìm sự giúp đỡ của Khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt, trong đó phải kể đến “kẻ si mê trà mi” Lương Văn Dũng. Theo đó, Đại học Đà Lạt điều tra điền dã, khảo sát, nghiên cứu, còn Trần Hoàng Thân di thực về chăm sóc và nhân giống. Hiện tại, trong vườn sưu tập của anh Thân có 11 loài trà mi đặc hữu Lâm Đồng. Ví dụ trà mi hoa vàng Đà Lạt (Camellia dalatensis), trà mi đỏ (Camellia piquetiana), trà mi Di Linh (Camellia dilinhensis), trà mi Việt Nam (Camellia Vietnamensis), trà mi nhụy ngắn (Camellia kissi)… Từ 50 cây di thực trong rừng về, vườn của anh Thân đã nhân thêm được 150 cây trà mi các loại. Tất cả đã vào chậu, cây cao nhất 2m, thấp nhất 50cm, trong đó khoảng 50% đã ra hoa. 
 
Nhưng để có được thành tựu như hôm nay không dễ chút nào. Các giống trà mi “di” về có cự li cách vườn gần nhất 20km và xa nhất 250km. Vốn là loài nằm dưới tán rừng lá rộng, phân bố hẹp, ở núi cao nên rất khó tìm, khó đào. Nhất là phải “di” thời điểm mùa mưa. Anh Thân áp dụng nhiều hình thức nhân giống, từ chiết cành tại rừng hoặc cây đã di thực về vườn đến giâm cành hoặc gieo hạt. Ban đầu, tỉ lệ sống chỉ đạt khoảng 50%, có loại “khó tính” chỉ đạt 20%. Về sau, bằng tích lũy kinh nghiệm và áp dụng nhiều kiến thức khoa học của các nhà khoa học Đại học Đà Lạt, kết quả ngày càng đạt cao hơn nhiều. Trong vòng những tháng đầu để cây ra rễ là một kỳ công chăm sóc. Để cây trà mi phát triển tốt ở môi trường mới, anh Thân nghiên cứu kỹ lưỡng môi trường vốn có ở rừng và thực hiện đảm bảo các yếu tố về ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ và giá thể tổng hợp. Sau 6 tháng, so với cây trong rừng, cây giống phát triển có chất lượng hơn như không bị bệnh (cây ở rừng 80% bị bệnh), lá mượt và to, hoa lớn và màu sắc đẹp… 
 
Vườn trà mi đặc hữu tại Đà Lạt 
 
Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh, Ths Lương Văn Dũng là người nghiên cứu đề tài khoa học về trà mi do tỉnh Lâm Đồng đặt hàng nhận xét: “Sở dĩ cây trà mi phát triển tốt là nhờ chế độ chăm sóc phù hợp, bản thân cây thích nghi với môi trường mới. Kết quả này khẳng định vấn đề bảo tồn có triển vọng; đây là tiền đề để xây dựng vườn sưu tập trà mi tại Đà Lạt”. Tuy nhiên, anh cũng khuyến cáo: trà mi là loài thường ra hoa nhiều, do đó nếu không đáp ứng đủ chế độ dinh dưỡng và chăm sóc đạt yêu cầu thì cây không phát triển, thậm chí sẽ bị chết. Điều này muốn nói rằng, với trà mi ở trong rừng không thể ai cũng vào đào mang về là nó có thể sống và phát triển được. Cây đa tử trà hương của anh Trần Hoàng Thân đoạt Huy chương Vàng tại Hội hoa Xuân thành phố Hồ Chí Minh năm 2013 không chỉ nó độc nhất vô nhị giữa hàng ngàn chậu hoa của dân chơi tứ xứ hội ngộ mà còn có giá trị ở chỗ, anh là một trong những người đầu tiên trồng loài này ra hoa từ hom cành sau 3 năm chăm sóc. 
 
Tuy đã có những thành tựu như vậy nhưng anh Thân và các nhà khoa học Khoa Sinh chưa đưa ra thị trường mà vẫn tiếp tục nhân giống để bảo tồn. Các anh đã thuê được 1.000 m 2 đất tại Đà Lạt. Hiệu phó Trường Đại học Đà Lạt, TS. Nguyễn Văn Kết nói: Nhà trường đã thống nhất sẽ xây dựng trong khuôn viên trường vườn sưu tập một số loài thực vật quý, trong đó trước mắt là loài đỗ quyên và loài trà mi đặc hữu, để vừa bảo tồn nguồn gen vừa tạo một điểm nhấn tham quan cho ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng. Ths Lương Văn Dũng cho biết thêm, thời gian này nhóm nghiên cứu và ứng dụng sẽ hoàn thiện nhân giống để tăng số lượng (khâu quan trọng nhất), theo đó lập dự án bảo tồn để làm sao thiết lập được ở Đà Lạt một vườn sưu tập trà mi đã phát hiện được ở Lâm Đồng. Kế đó, sẽ phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh của người dân và tiếp tục tính đến cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp nếu có nhu cầu. Theo người viết bài này, khi thành tựu nhân giống đã có, rất cần đến cơ quan, tổ chức hay doanh nghiệp góp sức để nhanh chóng phát triển những giống trà mi đặc hữu này. Đây là việc bảo tồn nguồn gen quý khả thi và góp phần hành động đa dạng sinh học. Trong tương lai gần, Vườn hoa Đà Lạt có một bộ sưu tập trà mi Lâm Đồng để đa dạng sản phẩm du lịch, tại sao không? 
 
MINH ĐẠO