Nâng tầm nông nghiệp Lâm Đồng bằng bức xạ

08:06, 25/06/2014

Ngày 23/6, Hiệu trưởng, PGS, TS vật lý hạt nhân Nguyễn Đức Hòa cho biết: Dự án phòng thí nghiệm "Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân" tại ĐHĐL do nhiều nhà khoa học trong trường và GS đến từ Nhật Bản đã triển khai. 

Một trong những nội dung tại Quyết định số 641 (ngày 28/3/2014) của UBND tỉnh Lâm Đồng là “đưa tỷ lệ các giống đột biến chiếm ít nhất 5%-10% tổng số giống cây trồng và vi sinh vật mới trên địa bàn Lâm Đồng”. Tỉnh sẽ liên kết, phối hợp nghiên cứu, đào tạo nhân lực… với các đơn vị trung ương như Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL). Ngày 23/6, Hiệu trưởng, PGS, TS vật lý hạt nhân Nguyễn Đức Hòa cho biết: Dự án phòng thí nghiệm "Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân" tại ĐHĐL do nhiều nhà khoa học trong trường và GS đến từ Nhật Bản đã triển khai. 
 
GS Kume thuyết trình những giống mới được tạo ra từ đột biến tại JAEA
GS Kume thuyết trình những giống mới được tạo ra từ đột biến tại JAEA
 
Đầu tư trước mắt 2 tỷ đồng   
 
Phòng thí nghiệm “Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân” nhằm nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu và học tập của giảng viên, sinh viên đại học và sau đại học thực tập và nghiên cứu. ĐHĐL định hướng đến 3 nội dung cơ bản là nông nghiệp sử dụng bức xạ để tạo đột biến, đặc biệt là giống cây trồng; phát triển chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch; an toàn môi trường (như giảm thiểu tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nguồn nước…). Vì vậy, Trường sẽ chia ra từng giai đoạn đầu tư, trước mắt xây dựng gamma cell khoảng 2 tỷ đồng để tạo được đột biến ngay các loại giống. Hiện, Trường đã có phòng quan trắc môi trường thuộc hiện đại nhất ở Việt Nam và sẽ hướng đến phát triển thành trung tâm chiếu xạ của vùng. Đồng thời, ĐHĐL xây dựng và hoàn thành vào cuối năm nay hệ thống nhà kính đúng quy chuẩn để Israel hỗ trợ công nghệ hiện đại về tưới nhỏ giọt. Phát huy thế mạnh sẵn có của mình, ĐHĐL đang tích cực phát triển theo hướng đan xen giữa các ngành khoa học (vật lý hạt nhân, nông lâm, sinh học, hóa học, môi trường, du lịch…). Những thành tựu nghiên cứu về bức xạ, ĐHĐL sẽ ký kết với Hội Nông dân để chuyển giao công nghệ và đưa sinh viên thực tế tại ruộng của nông dân Lâm Đồng. 
 
Dự án được triển khai với đội ngũ các nhà khoa học của Trường và các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản,… đặc biệt có GS Tamikazu Kume hiện là cán bộ thỉnh giảng. GS Tamikazu Kume là người Nhật, 69 tuổi, hơn 30 năm công tác tại Cục Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) với tư cách là Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ bức xạ. Ông có 7 bằng phát minh sáng chế quốc tế (ví dụ: Chất kích thích sinh trưởng thực vật, bằng sáng chế của Mỹ; Tạo các màng mỏng chitosan chữa bỏng từ celllose, bằng sáng chế của Nhật,…). GS Kume còn có 150 bài báo quốc tế, chủ yếu lĩnh vực bức xạ trong nông nghiệp và phản biện khoảng 90 bài báo của các nhà khoa học khác... 
 
Bảo quản khoai tây từ 2 tháng lên 8 tháng 
 
Ở Nhật Bản, GS Kume đã nghiên cứu thành công và áp dụng đề tài chiếu xạ thực phẩm ngăn không cho khoai tây nẩy mầm, nhờ đó khoai tây từ chỉ để được 2 tháng, sau chiếu xạ để được 8 tháng. Phương pháp này cũng được áp dụng nhiều loại nông sản khác như hành, tỏi… Những đề tài khác của GS Kume và cộng sự ở JAEA được ứng dụng như: chiếu xạ polymer tự nhiên tạo kích thích tăng trưởng; tạo các màng mỏng trị bỏng, tạo bộ lọc trong máy lạnh; tạo các giống cây đột biến như lúa, hoa cúc, hoa cẩm chướng…; khử trùng các hải sản, trái cây, hoa… để xuất khẩu. Ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp cho thấy hiệu quả kinh tế tăng lên gấp rất nhiều lần. Ở Nhật Bản, cứ 1 USD đầu tư vào ứng dụng hạt nhân trong nông nghiệp tạo ra được 1.000 USD. Giai đoạn 1949 - 2005, nước này đã đầu tư khoảng 68 triệu USD cho ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và đã tạo ra được 61 tỷ USD. 
 
Nhận xét về nông nghiệp Đà Lạt và Lâm Đồng, GS Kume nói: Tôi chưa có dịp nghiên cứu sâu nhưng tìm hiểu ban đầu cho thấy ở đây giống không chủ động được; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và nước còn nhiều quá. Hàng nông sản của người nông dân địa phương chưa được ứng dụng công nghệ chiếu xạ để xử lý, chế biến, bảo quản nên rất khó xuất khẩu vào các thị trường lớn có các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch nghiêm ngặt như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… “Trường ĐHĐL triển khai dự án sẽ thành công, trong đó ứng dụng thành tựu nghiên cứu của tôi đã triển khai ở Nhật Bản về kích thích tăng trưởng bằng polymer tự nhiên và các đột biến về giống sẽ chủ động được giống. Nhưng quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực để áp dụng thành tựu này. Đây là điều tôi mong muốn được cống hiến tại Trường ĐHĐL”, GS Kume nói.
 
Khẳng định của PGS Nguyễn Đức Hòa việc xây dựng phòng thí nghiệm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân “không chỉ cần thiết mà cấp thiết” là rất có cơ sở. 
 
Tỉnh Lâm Đồng là trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của quốc gia, lại có nhiều cơ quan chuyên ngành của trung ương đóng trên địa bàn, vấn đề ứng dụng bức xạ càng cần đi đầu. Tỉnh đã đặt ra: nghiên cứu chọn tạo một số giống rau, cây ăn quả có năng suất và chất lượng cao và một số giống hoa đột biến như hoa cát tường, hoa cúc,…; đưa vào sản xuất 2-3 chế phẩm mới phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và tạo nông phẩm sạch; đưa vào khảo nghiệm 5-10 dòng rau, 2-5 dòng cây ăn quả, 5-10 dòng hoa biến dị có tính ưu việt cao để phát triển thành giống đột biến mới…
 
MINH ĐẠO