Ở lĩnh vực bảo tồn sự đa dạng sinh học, điều đáng ghi nhận là ngoài việc phục hồi rừng bằng biện pháp tái sinh tự nhiên, tỉnh cũng đã quan tâm thích đáng việc làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất nạn chặt phá rừng, làm nương rẫy...
Trong những năm gần đây, Lâm Đồng là địa phương được đánh giá tốt trên lĩnh vực bảo vệ môi trường và sự đa dạng sinh học. Theo số liệu báo cáo, Lâm Đồng đang duy trì tốt tỷ lệ độ che phủ rừng ở mức 60,4%; cùng đó, tỉnh cũng đang triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch hành động Chiến lược “Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”, chương trình hành động “Bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2008 - 2020”...
Ở lĩnh vực bảo tồn sự đa dạng sinh học, điều đáng ghi nhận là ngoài việc phục hồi rừng bằng biện pháp tái sinh tự nhiên, tỉnh cũng đã quan tâm thích đáng việc làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất nạn chặt phá rừng, làm nương rẫy; cùng đó là giáo dục và phổ biến kiến thức về sự đa dạng sinh học cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh; đào tạo cán bộ, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ quản lý bảo vệ rừng...
|
Lâm Đồng giữ tỷ lệ che phủ rừng đạt 60,4% |
Hiện ở Lâm Đồng đang có nhiều hình thức quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học được các tổ chức và cá nhân triển khai thực hiện từ nhiều nguồn vốn nên đã hình thành được hệ thống dịch vụ môi trường ngoài công ích, bao gồm một số lĩnh vực phát triển mạnh như thu gom, vận chuyển rác thải, cơ sở xử lý rác thải; xử lý nước thải tập trung, nước thải sinh hoạt; những điểm nóng về môi trường đã được xử lý một cách có hiệu quả, phong trào quần chúng bảo vệ môi trường đã được nâng cao. Có thể nhìn vấn đề môi trường và sự đa dạng sinh học dưới góc độ thanh tra và xử phạt hành chính ở Lâm Đồng trong vài năm gần đây: Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, từ 2011 đến nay, Sở đã tiến hành 126 cuộc thanh tra chuyên ngành; về phạm vi thanh tra và kiểm tra cũng đã được tiến hành rộng hơn và kết quả của những cuộc thanh tra hoặc kiểm tra đó cũng đã có giá trị tác động đến lĩnh vực môi trường và đời sống cao hơn. Cũng từ 2011 đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý 2.640 đơn thư khiếu nại liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Điều đáng nói, hầu hết các đơn thư này đều được xử lý, giải quyết một cách hợp tình, hợp lý, đúng thời gian quy định; được các tổ chức và cá nhân đồng tình, ủng hộ, góp phần đáng kể vào việc ổn định tình hình trật tự và an ninh của địa phương.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thì “Tổ chức bộ máy của ngành dần được hoàn thiện song chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nên gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đất đai thiếu ổn định; năng lực đội ngũ cán bộ về quản lý đất đai, môi trường cấp xã, cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu công việc”. Vấn đề đặt ra cho ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Lâm Đồng từ nay đến năm 2020 là: “Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường tỉnh Lâm Đồng; góp phần ngăn ngừa suy thoái kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, tạo đà phát triển bền vững cho giai đoạn tiếp theo; nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, góp phần vào việc thực hiện thành công chiến lược phát triển chiến lược kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020...”. Theo đó, ở lĩnh vực môi trường và đa dạng sinh học, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách về bảo vệ môi trường, nhất là Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua vào tháng 6.2014; hoàn thiện và triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Đồng thời, xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược bảo tồn sự đa dạng sinh học đến năm 2030, kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học giai đoạn 2016 - 2020; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thực hiện tốt công tác kiểm tra, xác nhận sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; điều tra, nghiên cứu, khảo sát hậu quả về mặt môi trường do thiên tai gây ra, đặt biệt là lũ lụt...
Về tổ chức bộ máy và cải cách hành chính, ngành tài nguyên và môi trường của tỉnh cũng đặt ra vấn đề: Tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ và của tỉnh, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải các hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ, tạo chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính với các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân.
Khắc Dũng