Nhật Bản ra mắt robot giường nằm dành cho người khuyết tật

08:09, 21/09/2014

Theo phóng viên Vietnam+ tại Nhật Bản, các kỹ sư hàng đầu của Tập đoàn điện tử Panasonic chiều 19/9 đã công bố kết quả nghiên cứu phát triển robot giường nằm thế hệ mới Roboticbed và Resyone, một dạng biến thể cải tiến của cánh tay robot nâng bệnh nhân TAR1, 2 và 3 mà hãng đã phát triển trong những năm qua.

Theo phóng viên Vietnam+ tại Nhật Bản, các kỹ sư hàng đầu của Tập đoàn điện tử Panasonic chiều 19/9 đã công bố kết quả nghiên cứu phát triển robot giường nằm thế hệ mới Roboticbed và Resyone, một dạng biến thể cải tiến của cánh tay robot nâng bệnh nhân TAR1, 2 và 3 mà hãng đã phát triển trong những năm qua. 
 
Roboticbed sử dụng cảm ứng lazer để lắp ghép chính xác “ghế” robot vào giường. (Ảnh: Hữu Thắng/Vietnam+)
Roboticbed sử dụng cảm ứng lazer để lắp ghép chính xác “ghế” robot vào giường.
(Ảnh: Hữu Thắng/Vietnam+)

Đây có thể coi là một đột phá mới trong lĩnh vực tự động hoá của Panasonic nhằm nâng cao chất lượng sống cho những người khuyết tật, đặc biệt là các bệnh nhân nằm liệt giường. 
 
Roboticbed là thành quả của dự án phát triển các ứng dụng thực tiễn của robot dịch vụ giai đoạn 2009-2013 của Panasonic. Trong khi đó, Resyone là robot hỗ trợ các điều dưỡng viên và nhân viên phục vụ tại các nhà dưỡng lão và trung tâm người khuyết tật nằm trong dự án phát triển thiết bị chăm sóc tự động hoá do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đồng tài trợ.
 
Robot giường nằm có nhiều tính năng vượt trội hơn so với các cánh tay robot thế hệ TAR nhờ khả năng tháo rời và lắp ghép tiện lợi từ tư thế nằm sang ngồi. Qua một vài thao tác điều khiển đơn giản, giường nằm của bệnh nhân có thể tách ra thành ghế và di chuyển theo ý muốn của người điều khiển. 
 
Roboticbed là sản phẩm có cấp độ hoàn thiện cao nhờ cơ chế tự động hoá, xác định vị trí khớp nối bằng công nghệ laze, tự động tháo rời ra thành ghế và ghép lại giường một cách đơn giản với độ chính xác cao. Roboticbed giúp bệnh nhân có thể tự điều chỉnh bằng tay toàn bộ các thao tác mà không cần tới người trợ giúp.
 
Trưởng nhóm kỹ sư phát triển, ông Hideo Kawakami, cho biết chi phí phát triển Roboticbed là khoảng 1 triệu yên (tương đương 9.400 USD) và ông tin tưởng Panasonic sẽ cung cấp thiết bị hỗ trợ đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng tại thị trường Nhật Bản.
 
Trả lời phóng viên, ông Kawakami cho biết mục đích phát triển robot giường nằm tự động Roboticbed là để hỗ trợ cho người khuyết tật hoặc người bị liệt tứ chi không có khả năng tự di chuyển bằng sức cơ bắp. 
 
Ông nói: “Ưu điểm lớn nhất mà Roboticbed mang lại là giúp người bệnh tự di chuyển khỏi giường để ăn uống, sinh hoạt và trò chuyện với những người xung quanh mà không cần người khác giúp đỡ, nhờ vậy mà mở rộng phạm vi sinh hoạt và cải thiện chất lượng sống của người bệnh lên rất nhiều, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống.”
 
Tuy có ít tính năng tự động hoá và chỉ sử dụng các nút bấm điều khiển bên ngoài thiết bị nhưng Resyone lại có khả năng phổ biến rộng hơn, hỗ trợ trợ đắc lực cho các điều dưỡng viên và nhân viên phục vụ tại các trung tâm y tế, nhà dưỡng lão và trung tâm người khuyết tật. So với việc dùng tời hiện khá phổ biến tại các trung tâm chăm sóc ở các nước phát triển như châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản, Resyone có nhiều ưu điểm hơn. 
 
Qua nghiên cứu thực nghiệm tại Đan Mạch, quốc gia có hệ thống phúc lợi và y tế tiên tiến hàng đầu trên thế giới hiện nay, Resyone giúp cho người chăm sóc rút ngắn được thời gian chuẩn bị và di chuyển bệnh nhân khỏi vị trí nằm cũng như đưa trở lại giường bệnh. 
 
Nếu như phải mất tới 186 giây cho thiết bị tời di động (mobile hoist) và 166 giây cho tời cố định (fixed hoist) để đưa bệnh nhân ra khỏi giường thì nhân viên sử dụng Resyone chỉ mất 77 giây để hoàn tất thao tác gây nhiều bất tiện cho người bệnh này.
 
(Theo Vietnam+)