Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế

09:09, 25/09/2014

Số liệu thống kê cho thấy, hiện Lâm Đồng đã có 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh có máy tính làm việc với tổng số hơn 1.000 máy. Trong đó, ở cấp tỉnh, tính bình quân mỗi cán bộ - công chức, khối các ban Đảng đạt tỷ lệ 1 máy/người; khối các sở, ban, ngành đạt 0,85 máy; khối các tổ chức chính trị - xã hội đạt 0,65 máy.

Trong văn bản của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” vừa được ban hành có đoạn: “Phát triển nguồn nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới...”. Đây là một trong 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về ứng dụng và phát triển CNTT từ nay đến năm 2020 mà Ban Tuyên giáo đề ra.
 
Số liệu thống kê cho thấy, hiện Lâm Đồng đã có 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh có máy tính làm việc với tổng số hơn 1.000 máy. Trong đó, ở cấp tỉnh, tính bình quân mỗi cán bộ - công chức, khối các ban Đảng đạt tỷ lệ 1 máy/người; khối các sở, ban, ngành đạt 0,85 máy; khối các tổ chức chính trị - xã hội đạt 0,65 máy. Ở huyện, khối cấp ủy đạt 0,89 máy; khối chính quyền 0,65 máy; khối các tổ chức chính trị - xã hội 0,58 máy... Khối Đảng tỉnh Lâm Đồng được đánh giá là đi đầu trong triển khai và ứng dụng CNTT ở mọi hoạt động của cơ quan; trong đó đáng kể là những hoạt động như đưa các cơ sở dữ liệu về đảng viên, văn kiện Đảng, chương trình xử lý công văn, mục lục hồ sơ lưu trữ, phần mềm kế toán Đảng, quản lý đảng phí, quản lý tài sản Đảng... bước đầu đã mang lại hiệu quả cao. Trong các cơ quan thuộc chính quyền, đáng kể là hệ thống văn phòng điện tử đã được triển khai và đưa vào sử dụng ở trên dưới 50 cơ quan và đơn vị từ cấp tỉnh đến huyện; đặc biệt, một số huyện đã triển khai đến cấp xã. Cùng đó, hệ thống thư điện tử công vụ với trên 5.000 tài khoản hiện nay đã giúp cho việc trao đổi văn bản, chỉ đạo điều hành, khai thác thông tin... được nhanh chóng, thuận tiện... và đặc biệt là tiết kiệm được nhiều khoản chi phí. Bên cạnh đó, với Lâm Đồng, hệ thống phục vụ hội nghị truyền hình trực tuyến sử dụng đường truyền cáp quang cũng đã được triển khai lắp đặt tại 15 điểm đầu cầu trên địa bàn toàn tỉnh; triển khai thành công hệ thống tường lửa và hệ thống sao lưu dự phòng dữ liệu trên nền tảng mã nguồn mở tại một số cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện...; đặc biệt, địa phương cũng đã triển khai thành công về chữ ký số cho các cơ quan thuộc hai khối Đảng và chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã.
 
Mục tiêu cụ thể của Lâm Đồng đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2014 và những năm tiếp theo là hoàn thiện mạng WAN (mạng diện rộng) của tỉnh để phù hợp với yêu cầu phát triển chung và sẵn sàng tham gia Chính phủ điện tử quốc gia. Đến năm 2015, 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện và 60% UBND cấp xã có mạng LAN (mạng nội bộ), đồng thời kết nối internet băng thông rộng và mạng cáp quang tốc độ cao. Đến năm 2020, các cơ sở y tế, giáo dục, các cơ quan hành chính cấp xã kết nối internet và mạng diện rộng của tỉnh. Cũng đến năm 2020, về cơ bản, tỉnh sẽ xây dựng được các hệ thống ứng dụng CNTT một cách đồng bộ và hiện đại để địa phương trở thành “tỉnh Lâm Đồng điện tử”. Cùng đó, Lâm Đồng còn đặt ra mục tiêu là sẽ xây dựng hoàn chỉnh khu công nghệ thông tin của tỉnh tại huyện Lạc Dương cùng với việc thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này; và hợp tác với Khu Công viên phần mềm Quang Trung để xây dựng thành công Khu Phần mềm Quang Trung Đà Lạt tại thành phố Đà Lạt. Thêm vào đó, đến năm 2016, tất cả cán bộ, công chức tại các cơ quan cấp tỉnh đến cấp xã đều được đào tạo cơ bản về tin học và ứng dụng CNTT trong công việc hằng ngày.
 
Khắc Dũng