Truyền thông khoa học công nghệ với phát triển kinh tế - xã hội Lâm Đồng

08:10, 15/10/2014

Đó là chủ đề của hội thảo vừa được Sở Khoa học và Công nghệ (KH & CN) Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học công nghệ (Bộ KHCN) tổ chức tại Đà Lạt, với sự tham gia của các nhà khoa học; các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương. 

Đó là chủ đề của hội thảo vừa được Sở Khoa học và Công nghệ (KH & CN) Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học công nghệ (Bộ KHCN) tổ chức tại Đà Lạt, với sự tham gia của các nhà khoa học; các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương. 
 
Truyền thông khoa học công nghệ (KHCN) không chỉ cung cấp thông tin về những thành tựu KHCN mà còn có vai trò định hướng dư luận và đưa các cơ chế, chính sách đến với công chúng. Nó còn là công cụ hữu hiệu, là cầu nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Theo đó, hoạt động thông tin - truyền thông KHCN của Lâm Đồng đã đóng góp tích cực trong việc chuyển tải, phổ biến kiến thức KHCN, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, xây dựng nguồn lực thông tin về KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 
 
Truyền thông KHCN phải hướng trực tiếp đến nông dân, là người trực tiếp ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất
Truyền thông KHCN phải hướng trực tiếp đến nông dân, là người trực tiếp ứng dụng tiến bộ KHKT
vào sản xuất
 
Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2014, mặc dù tình hình kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhưng Lâm Đồng vẫn cơ bản thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, với tổng sản phẩm theo giá thực tế đạt trên 17.055 tỷ đồng, tăng gần 18%. Trong đó, nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 10%, công nghiệp xây dựng tăng 26,8%, dịch vụ tăng 17% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 248 triệu đô la Mỹ, tổng mức đầu tư xã hội 7.230 tỷ đồng, tăng 11%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.370 tỷ đồng, thu hút 2,3 triệu lượt khách du lịch, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 13,8 triệu đô la Mỹ, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án trong nước với số vốn đăng ký 285 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 15.000 lao động. Đồng thời, trồng mới gần 350ha rừng, trồng gần 102.000 cây phân tán, giao khoán quản lý bảo vệ rừng trên 376.000ha. Đến nay, toàn tỉnh có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và những xã khác bình quân mỗi xã đạt 10,82 tiêu chí, cao hơn mức bình quân chung của cả nước… Để đạt những kết quả trên, không thể thiếu vai trò của KHCN, trong đó, có sự đóng góp của hoạt động truyền thông KHCN trong việc phổ biến các thông tin, tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống. 
 
Tuy nhiên, cũng như một số địa phương trong cả nước, tiềm lực truyền thông KHCN của Lâm Đồng vẫn còn yếu, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Công tác thông tin - truyền thông KHCN chưa trở thành cầu nối giữa các nhà khoa học và các nhà sản xuất - ứng dụng. Các nghiên cứu chưa được truyền thông rộng rãi để nhà sản xuất và người dân có thể tiếp cận chuyển giao và ứng dụng. Theo PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh - Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Lâm Đồng, thì một trong những nguyên nhân làm cho truyền thông KHCN chưa hiệu quả là các nhà khoa học còn “rụt rè” chia sẻ thông tin, còn “e ngại” trước việc thông tin những kết quả nghiên cứu của mình. Do đó, cần có sự chia sẻ, đồng cảm của các nhà khoa học với nhà báo để có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học có tinh thần báo chí và các nhà báo có tinh thần khoa học để chuyển hóa các thông tin KHCN vốn khô khan, thiếu tính hấp dẫn đến với công chúng một cách tự nhiên nhất. Bên cạnh đó, một số thông tin trong các ấn phẩm KHCN có giá trị về mặt khoa học nhưng lại khó có khả năng áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Theo TS.Nguyễn Văn Kết - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, nông dân là lực lượng đông đảo sẽ ứng dụng các thành tựu KHKT vào thực tiễn sản xuất nhưng việc tiếp cận thông tin của nông dân trên tạp chí, internet còn hạn chế. Họ phải trực tiếp “mắt thấy, tai nghe”, vì vậy, truyền thông KHCN phải có sự đầu tư về kinh phí và con người, nhất là trong công tác đào tạo để thông tin KHCN có thể dễ dàng đến với người dân… 
 
Để hoạt động thông tin - truyền thông KHCN thiết thực, phục vụ nhiệm vụ KHCN và phát triển kinh tế - xã hội đạt được hiệu quả, theo ông Trương Trổ - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Lâm Đồng, thì cần phải có kế hoạch “dài hơi” về truyền thông và thông tin KHCN, trong đó, có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực thông tin và truyền thông về KHCN, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin KHCN, đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT và các trang thông tin điện tử chuyên đề KHCN. Bên cạnh đó, từng bước phát huy yếu tố thị trường trong thông tin và truyền thông kết hợp với việc thực hiện kế hoạch thông tin và truyền thông mang tính chủ đạo của các cơ quan, đơn vị từ nguồn ngân sách nhà nước.
 
TUẤN HƯƠNG