ĐH Đà Lạt tiếp nhận thiết bị mô phỏng lõi Lò phản ứng hạt nhân

03:11, 26/11/2014

(LĐ online) - Ngày 26/11, Trường Đại học Đà Lạt tiếp nhận thiết bị OPR 1000 Core Simulator (CoSi) - thiết bị mô phỏng lõi Lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 dưới sự tài trợ của Trường Đại học Hanyang (HYU), Hiệp hội Hạt nhân Hàn Quốc (KNA) và Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP). 

(LĐ online) - Ngày 26/11, Trường Đại học Đà Lạt tiếp nhận thiết bị OPR 1000 Core Simulator (CoSi) - thiết bị mô phỏng lõi Lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ 3 dưới sự tài trợ của Trường Đại học Hanyang (HYU), Hiệp hội Hạt nhân Hàn Quốc (KNA) và Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP). Buổi lễ có sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Bộ GD&ĐT Việt Nam, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cùng nhiều tổ chức khác của Việt Nam và Hàn Quốc… 
 
Đại diện lãnh đạo các cơ quan Việt Nam và Hàn Quốc cắt băng khánh thành thiết bị OPR 1000
Đại diện lãnh đạo các cơ quan Việt Nam và Hàn Quốc cắt băng khánh thành thiết bị OPR 1000
 
Thiết  bị OPR 1000 Core Simulator (CoSi) được phát triển bởi KHNP và Tổng công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) là loại lò phản ứng áp lực có công suất 1000 MW, một trong những thế hệ lò thông minh, tính an toàn cao khi điều khiển và vận hành. Là phiên bản mới nhất, OPR 1000 có nhiều mặt tối ưu nhất là: cho biết các thông số thực về hoạt động của lò như thời gian, công suất thay đổi theo vị trí của thanh điều khiển, nhiệt độ, phân bố công suất, nồng độ axit boric... Trưởng nhóm nghiên cứu thiết bị - TS Choi Yu Sun cho biết: Đây là thiết bị duy nhất có mặt ở Việt Nam, người học chỉ từ 3 ngày đến 1 tuần là làm chủ được quy trình vận hành của lò phản ứng; tổng chi phí quá trình nghiên cứu thiết bị là 2 triệu USD nhưng hỗ trợ cho ĐHĐL với trị giá 500.000 USD.  
 
Hiệu trưởng ĐHĐL, PGS, TS. Nguyễn Đức Hòa khẳng định: Với thiết bị mô phỏng này cùng với Lò phản ứng hạt nhân thật của Viện Nghiên cứu hạt nhân, Trường ĐHĐL đã thực sự trở thành cơ sở đào tạo hội tụ cao các điều kiện để đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân ở Việt Nam.  
 
MINH ĐẠO