Quá trình quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học giữa trập trùng rừng núi nguyên sinh Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được đánh dấu bởi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập vườn vào ngày 19/11. Ghi nhận kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho tập thể đội ngũ cán bộ, nhân viên của vườn.
Quá trình quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học giữa trập trùng rừng núi nguyên sinh Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được đánh dấu bởi lễ kỷ niệm 10 năm thành lập vườn vào ngày 19/11. Ghi nhận kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho tập thể đội ngũ cán bộ, nhân viên của vườn.
|
Hướng dẫn viên chia sẻ kinh nghiệm về rừng với các bạn sinh viên Thái Lan. Ảnh: P.NHÂN |
Nằm ở trung tâm cao nguyên Lang Biang - nơi được đánh giá là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam, chính vì vậy mà Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã thế giới (WWF) đề xuất là khu vực ưu tiên số 1 trong chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn. Theo Ths. Lê Văn Hương - Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà thì “giá trị đa dạng sinh học của vườn mang lại là một tài sản vô giá và mang tính toàn cầu mà không thể nơi chốn nào thay thế. Ngoài việc sử dụng hiệu quả các dịch vụ tổng hợp hệ sinh thái và du lịch còn là cơ hội lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Từ Khu bảo tồn thiên nhiên được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển thành Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng vào ngày 19/11/2004 đến nay tròn 10 năm định hình quy mô quản lý, dáng vóc của vườn. Trong tổng diện tích 70.038ha mà Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được giao quản lý bảo vệ có tới 88,5% diện tích đất có rừng, nơi lưu giữ và sinh tồn các chủng loài động thực vật quý hiếm tạo nên sự đa dạng sinh học cần được bảo tồn sinh cảnh tự nhiên này một cách nghiêm ngặt. Bởi vậy, theo Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, nhiệm vụ của 115 cán bộ, nhân viên và người lao động đang công tác tại vườn phải bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh, bảo tồn các đặc trưng văn hóa dân tộc bản địa, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới cũng như phát triển du lịch sinh thái… Ông Yasuyuki Inoue - cố vấn Chương trình lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đại diện tổ chức JICA (Nhật Bản) tại Việt Nam cho hay: Trước khi đến đây tôi đã được nghe nhiều về sự đa dạng sinh học của rừng tự nhiên Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, đặc biệt là các loại chim quý. Trong vòng hơn năm qua, tôi đã có mấy lần đến đây và thực sự ấn tượng trước cảnh đẹp tự nhiên cũng như việc quản lý bảo tồn vốn quý này của Ban Quản lý vườn đang tiến hành. Từ năm 2010, tổ chức JICA đã tài trợ dự án phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế và bảo vệ môi trường đạt nhiều kết quả tốt. Hoạt động này nhằm nỗ lực góp phần cùng với Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà bảo tồn thiên nhiên, văn hóa bản địa, nâng cao đời sống cộng đồng, tiếp tục được JICA tài trợ và mở rộng hoạt động trong thời gian tới.
Đến nay, sự đa dạng sinh học được ghi nhận tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà bao gồm: Tổng số loài thực vật 1.940 loài thuộc 179 họ, trong đó có 67 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam. Tổng số loài động vật có xương sống là: thú có 89 loài thuộc 24 họ, chim 274 loài thuộc 46 họ, lưỡng cư có 46 loài thuộc 7 họ, bò sát có 46 loài thuộc 11 họ, trong đó rất nhiều loài thuộc Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra còn có 30 loài cá thuộc 7 họ, côn trùng thủy sinh có 71 loài thuộc 9 họ và bướm có 185 loài thuộc 12 họ. |
Theo đánh giá của Ban Quản lý Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, trong 10 năm qua, đơn vị luôn được các cấp ngành quan tâm đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, đồng thời chủ động tìm kiếm đề xuất thực hiện 8 dự án viện trợ (ODA) không hoàn lại với kinh phí trên 100 tỷ đồng phục vụ bảo tồn và phát triển vườn. Qua đó, tài nguyên rừng được quản lý bảo vệ tốt, đời sống của cộng đồng dân cư sinh sống gần rừng được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, kể từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện, tổng số tiền chi trả cho các hộ dân quản lý bảo vệ lên đến 59,2 tỷ đồng. Chỉ riêng năm 2014, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đã ký hợp đồng giao 48.467ha rừng cho 1.460 hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương và Đam Rông quản lý bảo vệ với kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng là 19,24 tỷ đồng. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng dẫn tới số vụ vi phạm lâm luật giảm về số lượng và mức độ. Bên cạnh bảo tồn sự đa dạng sinh học và văn hóa bản địa, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà còn mở rộng nghiên cứu, hợp tác quốc tế với các tổ chức đến từ 21 quốc gia, trong đó nhiều tổ chức có uy tín toàn cầu như: Đại học Columbia, Đại học Wicossin và Bảo tàng thiên nhiên New York (Mỹ); Đại học Mice (Nhật Bản), Quỹ các vườn thực vật Sydney (Úc) và Vườn thực vật Brest (Cộng hòa Pháp)… Qua hợp tác nghiên cứu đã đem lại nhiều kết quả bất ngờ góp phần làm phong phú hơn vốn hiểu biết, tính độc đáo về sinh cảnh và sự đa dạng sinh học tại đây.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên cho rằng: Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đã được phê duyệt với tính chất xây dựng phát triển Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, bảo tồn cảnh quan sinh thái môi trường… của khu vực và mang tính quốc tế. Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà nằm trong không gian quy hoạch đó nên đóng một vài trò quan trọng. Vì vậy, việc bảo tồn phát triển sự đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn gien quý hiếm, văn hóa bản địa đặc sắc là một nhiệm vụ đặc thù, nặng nề, do đó cần tận dụng các nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học để phát triển và nâng cao đời sống cộng đồng dân cư.
Với kết quả quản lý bảo vệ rừng trong 10 năm qua, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, qua đó Chủ tịch UBND tỉnh cũng tặng bằng khen cho 3 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc.
XUÂN TRUNG