sau một thời gian khảo nghiệm tại Lâm Đồng, cuộc bàn thảo giữa Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học kỹ thuật Khoa Đăng và Công ty DbiO thuộc Trường Đại học Chung Nam, Hàn Quốc đi đến kết thúc bằng biên bản ghi nhớ hợp tác. Đó là việc đưa chế phẩm sinh học Landsaver nhằm phòng trừ tuyến trùng trên cây cà phê.
Cuối chiều ngày 10/12, sau một thời gian khảo nghiệm tại Lâm Đồng, cuộc bàn thảo giữa Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học kỹ thuật Khoa Đăng (gọi tắt là Công ty Khoa Đăng) và Công ty DbiO thuộc Trường Đại học Chung Nam, Hàn Quốc đi đến kết thúc bằng biên bản ghi nhớ hợp tác. Đó là việc đưa chế phẩm sinh học Landsaver nhằm phòng trừ tuyến trùng trên cây cà phê.
|
Các bên thảo thuận sôi nổi để thống nhất đưa chế phẩm sinh học Landsaver vào Lâm Đồng |
Nan giải bệnh vàng lá cà phê
Cà phê là cây chủ lực của tỉnh Lâm Đồng, trở thành ngành hàng nông sản chiến lược, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp của tỉnh. Năm 2014, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh hơn 154.274ha với sản lượng đạt gần 398.370 tấn. Nhưng, một trong những lo ngại nhất hiện nay đối với nông dân là hội chứng vàng lá cà phê. Số liệu điều tra dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Lâm Đồng cho biết, diện tích cà phê bị vàng lá là 4.862,5ha, trong đó có 1.958ha bị nhiễm nặng. Cây cà phê bị nhiễm hội chứng vàng lá thường đi cùng với các biểu hiện như: cây sinh trưởng phát triển kém, năng suất giảm sút nghiêm trọng. Những nguyên nhân chính gây ra hội chứng vàng lá cà phê bao gồm tuyến trùng, nấm, côn trùng và sinh lý. Trong đó, tuyến trùng là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng vàng lá, thối rễ. Tuy nhiên, các biện pháp phòng trừ hội chứng vàng lá cà phê được người dân áp dụng chưa đồng bộ và chưa mang lại hiệu quả cao.
Trước thực trạng này, vừa qua, Sở KH&CN và Chi cục BVTV Lâm Đồng đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu các biện pháp phòng trừ tổng hợp bệnh thối rễ, vàng lá trên cây cà phê”. Theo đó, đề tài có sự phối hợp với Trường Đại học Chung Nam (Hàn Quốc) thực hiện khảo nghiệm đánh giá hiệu lực phòng trừ tuyến trùng của chế phẩm sinh học Landsaver.
Kết quả khảo nghiệm
Quá trình khảo nghiệm thực hiện trên cây cà phê tại Bảo Lộc bị tuyến trùng gây hại có triệu chứng điển hình, từ ngày 7/8 đến ngày 6/10/2014. Đối tượng là một số loài tuyến trùng ký sinh chính như Meloidogyne sp., Pratylenchus sp., Radopholus sp.,… Các nhà khoa học tiến hành 3 phương pháp khảo nghiệm: diện hẹp (ở xã Đạm Ri); diện rộng (ở phường Lộc Phát) và vườn ươm tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật. Sau khi sử dụng chế phẩm sinh học Landsaver, các nhà khảo nghiệm đã thu được nhiều thông số kỹ thuật. Đó là: mật độ tuyến trùng ký sinh trong đất, trong rễ và hiệu lực của chế phẩm; số loài và tỷ lệ tuyến trùng ký sinh trong đất, trong rễ; công thức, liều lượng, thời gian xử lý bằng chế phẩm Landsaver và đối chứng không xử lý hoặc đối chứng với Tervigo…
Nhận xét về độc tính đối với cây cà phê, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Lại Thế Hưng cho biết: Chế phẩm sinh học Landsaver và thuốc Tervigo 20 SC khi sử dụng ở các nồng độ đã khảo nghiệm đều không ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây cà phê. Ông Hưng kết luận: “Chế phẩm sinh học Landsaver đạt hiệu lực phòng trừ tuyến trùng khá cao khi sử dụng ở các liều lượng 150, 300 kg/ha và 20, 30, 40 lít/ha; trong đó hiệu quả cao nhất là ở liều lượng 300kg và 40 lít/ha. Đối với thuốc Tervigo chỉ đạt được hiệu lực trung bình khi sử dụng theo liều lượng khuyến cáo (5 lít/ha)”. Từ thực tiễn này, ông Hưng đề xuất cần sớm đưa chế phẩm sinh học Landsaver vào thị trường để khuyến cáo nông dân sử dụng với liều lượng dạng nước là 30-40 lít/ha và dạng hạt là 300kg/ha.
Chế phẩm có mặt vào quý I tới
Đây sẽ là niềm vui với nhà nông trồng cà phê, trước hết là ở Lâm Đồng nhờ sự tích cực thương thảo và chia sẻ của đôi bên hợp tác. GS Chang Sung, Giám đốc Công ty DBiO (Đại học Chung Nam) cho biết: “Cà phê của Việt Nam có diện tích sản xuất rất lớn, sản phẩm này xuất khẩu vào Hàn Quốc vừa lớn nhất vừa có giá trị. Chúng tôi sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học Landsaver trong 12 năm qua đã có kiểm chứng, được các cơ quan chức năng của Hàn Quốc thừa nhận; vì vậy, Công ty muốn đưa sản phẩm này đến tỉnh Lâm Đồng. Vấn đề tuyến trùng vừa chưa giải quyết được, vừa đang sử dụng bằng sản phẩm hóa học không thân thiện với môi trường, cho nên đây sẽ là giải pháp mang lại nhiều ý nghĩa”. GS Chang Sung cũng cho biết lý do chọn Công ty Khoa Đăng tại Đà Lạt làm đối tác bởi công ty này có nhiều tiềm năng để phát triển lâu dài. Còn Giám đốc Công ty Khoa Đăng Nguyễn Văn Chương cho biết, trước hết, Công ty phối hợp với Chi cục BVTV tổ chức hội thảo đầu bờ, tập huấn kỹ thuật cho nông dân; theo đó, phía DBiO sẽ tài trợ ban đầu về kinh phí và chế phẩm. Khi chế phẩm sinh học Landsaver đã được khẳng định về lợi ích và giá trị trên thị trường, Công ty Khoa Đăng sẽ cung cấp đến hệ thống các đại lý. Công ty Khoa Đăng và Công ty DBiO cũng hướng tới sản xuất chế phẩm sinh học Landsaver ngay tại Việt Nam khi có thị trường thuận lợi.
Đánh giá về sự hợp tác giữa địa phương Lâm Đồng và Hàn Quốc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Sơn nói: “Hàn Quốc là một nước từ nền nông nghiệp trình độ thấp, nay họ đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến về khoa học kỹ thuật. Sự hợp tác với Hàn Quốc sẽ rất thuận lợi bởi đất nước này cũng có nền nông nghiệp tương đương với Việt Nam”. Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu của 2 ngành KH&CN-NN&PTNT có sự tham gia của Đại học Chung Nam là quan hệ hợp tác đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp giữa địa phương Lâm Đồng với Hàn Quốc.
MINH ĐẠO