(LĐ online) - Tối 23/4/2015, tại thành phố Đà Lạt, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phối hợp với các viện nghiên cứu, các bệnh viện lớn và một số trường đại học trong cả nước tổ chức Hội nghị khoa học về Tế bào gốc toàn quốc lần thứ III. Hội nghị có hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.
(LĐ online) - Tối 23/4/2015, tại thành phố Đà Lạt, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phối hợp với các viện nghiên cứu, các bệnh viện lớn và một số trường đại học trong cả nước tổ chức Hội nghị khoa học về Tế bào gốc toàn quốc lần thứ III. Hội nghị có hơn 300 đại biểu là các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự.
|
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên khẳng định, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc của Việt Nam đã từng bước tiếp cận kịp thời và hội nhập với thế giới. Nhiều hoạt động liên quan đến tế bào gốc như đào tạo cán bộ, tiếp nhận tế bào gốc, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh đã phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Đặc biệt, việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc không chỉ giới hạn trong việc điều trị các bệnh máu mà còn được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau. Tính đến tháng 4/2015 này, cả nước đã ghép được tổng cộng 387 ca, trong đó có 218 ca ghép tự thân, còn lại là ca ghép đồng loại.
Để việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong chuẩn đoán và điều trị bệnh nhân được phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững hơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, lưu ý: “Tập trung cho việc nghiên cứu ứng dụng, cập nhật những kết quả nghiên cứu của các nước tiên tiến trên thế giới, ứng dụng vào Việt Nam. Cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, các trung tâm nghiên cứu tế bào gốc để tổ chức, gửi cán bộ đi đào tạo nước ngoài, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ về tế bào gốc. Các trung tâm cần xác định rõ lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, cần phối hợp các nguồn nhà nước, hợp tác quốc tế, kết hợp công tư… Bộ Y tế sẽ xem xét và xin kinh phí cho nghiên cứu tế bào gốc cho những năm tiếp theo. Tôi tin tưởng và mong rằng chuyên ngành tế bào gốc Việt Nam sẽ phát triển mạnh và tiến xa hơn, góp phần vào thành công và phát triển của nền y học Việt Nam”.
Trong thời gian 3 ngày từ 23 đến 25/4, hội nghị sẽ được nghe 54 báo cáo khoa học trên các lĩnh vực khác nhau về ứng dụng của tế bào gốc, như: Huyết học - Truyền máu, mắt, tim mạch, da liễu, bỏng, ngoại khoa v.v… trong đó có 5 báo cáo của các chuyên gia đang nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh ở nước ngoài (Đức, Nhật Bản và Bỉ) - các nước đang tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc trong y học.
D.Thương