(LĐ online) - Ngày 23/5, tại Cát Tiên, Hội thảo khoa học "Cơ sở khoa học và thực tiễn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Cát Tiên sang hướng phát triển dịch vụ - du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" đã được tổ chức.
Hang Thoát Y Vũ là một trong những điểm du lịch văn hóa của Cát Tiên đã được công nhận thắng cảnh cấp tỉnh |
Tại hội thảo, các ý kiến, tham luận và báo cáo khoa học của các đại biểu đã phân tích, mổ xẻ, bàn luận xoay quanh vấn đề kinh tế - xã hội Cát Tiên; trong đó, các ý kiến đã nhấn mạnh một cách đặc biệt về tiềm năng và thế mạnh du lịch và dịch vụ du lịch của địa phương này. Theo đề dẫn hội thảo của UBND huyện Cát Tiên: Cát Tiên là huyện nằm ở phía nam tỉnh Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên gần 427km 2, dân số hơn 39.000 người. Cát Tiên là nơi hội tụ của 18 dân tộc anh em trong cả nước về đây sinh sống; trong đó, ngoài một số tộc người bản địa Tây Nguyên như Mạ, Stiêng, Mnông, Cơho... và nhóm người Kinh đa số di cư đến từ ba miền Bắc, Trung và Nam đến, trong vài mươi năm qua, vùng đất phía nam tỉnh Lâm Đồng này còn là nơi hội tụ của nhiều nhóm dân tộc thiểu số phía bắc đến lập nghiệp như Tày, Nùng, Dao... đã góp phần làm cho Cát Tiên càng thêm đa dạng, phong phú về văn hóa và sắc tộc. Đây là một trong những thế mạnh của Cát Tiên khi địa phương này chuyển dịch nền kinh tế địa phương sang hướng phát triển du lịch và dịch vụ du lịch.
Ý kiến của các nhà khoa học
•
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM): “Mặc dù với cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế, nhưng hiện nay, huyện có rất nhiều cơ hội để kêu gọi đầu tư nhằm phát triển du lịch bền vững, có chất lượng cao, cung cấp những trải nghiệm có ý nghĩa cho du khách yêu thích đi đến những vùng thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để đạt được điều đó, huyện cần kết hợp chặt chẽ và cân bằng lợi ích giữa 3 đối tượng: người dân, nhà đầu tư và nhà nước. Và đây chính là nguyên tắc hàng đầu trong quá trình kêu gọi đầu tư và phát triển du lịch tại Cát Tiên trong thời gian tới”.
•
PGS.TS Đỗ Phú Trần Tình, Th.S Nguyễn Văn Nên (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM): “Từ những yếu tố truyền thống của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn huyện, huyện cần mời các nhà khoa học nghiên cứu và xây dựng một biểu tượng du lịch - hình ảnh giá trị cho du lịch Cát Tiên và cũng là món quà để du khách mua về. Biểu tượng du lịch Cát Tiên vừa có thể mang lại nguồn thu cho du lịch huyện, vừa có thể là biểu tượng quảng cáo du lịch Cát Tiên đến các đối tượng khác thông qua hiệu ứng lan tỏa”.
•
Th.S Trương Thị Lan Hương (Khoa Quản trị du lịch, Trường Đại học Đà Lạt): “Hang Thoát Y có nhiều huyền bí của người dân tộc Mạ, lại nằm sâu trong khu rừng đặc dụng có triển vọng phát triển du lịch sinh thái rừng và tìm hiểu về phong tục, tập quán người Mạ. Bên cạnh đó còn có các thác, gềnh đẹp về phía thượng nguồn sông Đồng Nai, dọc theo hai bờ sông là các khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, hoang sơ, quyến rũ. Đây là tiềm năng để phát triển các tuyến du lịch sinh thái theo đường sông để khám phá rừng đặc dụng và cuộc sống của đồng bào dân tộc bản địa”.
•
Th.S Nguyễn Thị Thanh Ngân (Khoa Du lịch, Trường Đại học Đà Lạt): “Tóm lại, việc lựa chọn mô hình phát triển du lịch hiệu quả, có trọng điểm hay mô hình du lịch chủ đạo trên địa bàn huyện Cát Tiên dựa trên giá trị tiềm năng du lịch hiện có. Các mô hình trên với sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương, thỏa mãn nhu cầu du khách, nhưng vẫn đảm bảo khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên hợp lý, gắn liền phát triển với nỗ lực bảo tồn tính da dạng, chú trọng chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương là lựa chọn phù hợp nhất đối với huyện Cát Tiên ở giai đoạn hiện nay”.
KD ghi
|