GS. Phạm Duy Hiển: "Phóng xạ không phải là ma"

11:05, 28/05/2015

LĐ online) - Để bạn đọc có cái nhìn và hiểu hơn về phóng xạ, PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn GS. Phạm Duy Hiển về các vấn đề xung quanh chất phóng xạ và những tác hại "vô hình" của nó.

(LĐ online) - “Do người dân không hiểu biết đúng vì giới khoa học cũng chưa giải thích cho người dân hiểu phóng xạ nên có thể sợ phóng xạ như sợ ma, vì nó vô hình nhưng luôn tiềm ẩn tác hại khôn lường” GS Phạm Duy Hiển - nguyên Viện phó Năng lượng nguyên tử quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt chia sẻ. Để bạn đọc có cái nhìn và hiểu hơn về phóng xạ, PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn GS. Phạm Duy Hiển về các vấn đề xung quanh chất phóng xạ và những tác hại “vô hình” của nó.
 
- PV: Sau hàng loạt sự cố mất cắp, thất lạc nguồn phóng xạ trong thời gian qua, GS đánh giá thế nào về việc quản lý nguồn phóng xạ ?
 
GS. Phạm Duy Hiển - nguyên Viện phó Năng lượng nguyên tử quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt
GS. Phạm Duy Hiển - nguyên Viện phó Năng lượng nguyên tử quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt
- GS. Phạm Duy Hiển: Hiện nay nước ta có hàng nghìn cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ. Việc xảy ra những sự cố trong thời gian qua chứng tỏ sự quản lý không ổn, còn lỏng lẻo, không đúng quy trình quy phạm. Đơn vị sử dụng phải chịu trách nhiệm chính trong việc này, chẳng hạn như trường hợp thất lạc phóng xạ hồi tháng 4 vừa qua.
 
- PV: Cơ quan sử dụng thì vậy, còn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước thì sao thưa GS?
 
- GS. Phạm Duy Hiển: Như Cục trưởng An toàn bức xạ và hạt nhân đã chia sẻ về những thách thức của ngành, hiện chúng ta vẫn còn gặp phải một số khó khăn nhất định, nhất là trình độ chuyên nghiệp của cán bộ và trang thiết bị để quản lý các nguồn phóng xạ.
 
- PV: Chính sự quản lý lỏng lẻo ấy đã khiến mỗi lần có sự cố liên quan đến phóng xạ người dân lại hoang mang?
 
- GS. Phạm Duy Hiển: Do người dân không hiểu biết đúng về phóng xạ vì giới khoa học cũng chưa giải thích cho người dân hiểu đúng nên có thể sợ phóng xạ như sợ ma. “Ma phóng xạ” có thể xuất hiện bất kỳ ở đâu để dọa người. Trong khi đó những người không biết sợ “ma phóng xạ” thì lại chủ quan không tuân theo quy trình quy phạm vì cho rằng phóng xạ không có gì nguy hiểm.
 
Trong tai nạn điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản, 4 năm trước. Người dân lo sợ đám mây phóng xạ đến bất cứ lúc nào. Giới hạt nhân và cơ quan hữu trách lại không tiên đoán được bao giờ chất phóng xạ từ Fukushima có thể bay đến Việt Nam.
 
Trên thực tế, phóng xạ không phải bay đến Việt Nam vào bất cứ lúc nào mà chỉ được vận chuyển theo các khối khí xuất phát từ Fukushima. Mặt khác, khi đến Việt Nam cách xa gần 5.000km, mức phóng xạ đã yếu đi hàng vạn lần, chỉ có thể phát hiện bằng các thiết bị đo đạc rất nhạy. Nhưng mức phóng xạ ấy không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và môi trường nước ta.
 
- PV: Xin ông chia sẻ cái nhìn tổng quan về tác hại của phóng xạ để hiểu đúng về phóng xạ, thưa ông?
 
- GS. Phạm Duy Hiển: Phóng xạ gây tác hại đến sức khỏe và tùy mức độ, có thể gây ra các bệnh lý khác nhau, thậm chí có thể chết người với những liều lượng rất cao. Cho nên, cơ quan An toàn bức xạ quốc tế khuyến cáo chất phóng xạ chỉ được sử dụng khi minh chứng được hiệu quả kinh tế, đồng thời kèm theo các giải pháp bảo đảm an toàn cho con người. 
 
Chẳng hạn, trong trường hợp sự cố ở Vũng Tàu tháng 4 vừa qua, nguồn phóng xạ Coban-60 được dùng để đo mức thép lỏng trong quy trình sản xuất thép. Đây là một trong những ứng dụng phổ biến trên thế giới, song do quản lý lỏng lẻo, nguồn đã bị thất lạc gây tác hại đến dân chúng.
 
Tuy nhiên, với hoạt độ không cao, nguồn bị thất lạc không thể gây chết người mà chỉ tác hại đến sức khỏe khi đứng gần, lúc ấy liều bức xạ cao hơn nhiều lần mức cho phép.
 
- PV: Vậy sự cố nhà máy điện hạt nhân ở Nhật lại đặt ra cho chúng ta một câu hỏi "có nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân"?
 
- GS. Phạm Duy Hiển: Nếu chúng ta minh chứng được hiệu quả kinh tế rõ rệt và có giải pháp bảo đảm an toàn thì nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Điều tôi lo ngại nhất là chúng ta hiện chưa có đội ngũ thích hợp với ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro này; bao gồm trình độ chuyên môn, văn hóa an toàn, hệ thống quản lý và pháp lý hiện đại.
 
- PV: Cảm ơn ông!
 
Diễm Thương - Thiên Phúc thực hiện