(LĐ online) - Đó là một trong những nội dung được quan tâm tại Hội nghị Pháp quy hạt nhân lần thứ 2. Hội nghị đã khai mạc ngày làm việc đầu tiên tại Tp. Đà Lạt vào sáng ngày 19/5/2015...
[links()]
(LĐ online) - Đó là một trong những nội dung được quan tâm tại Hội nghị Pháp quy hạt nhân lần thứ 2. Hội nghị đã khai mạc ngày làm việc đầu tiên tại Tp. Đà Lạt vào sáng ngày 19/5/2015, do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân phối hợp với Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Sở KH&CN Lâm Đồng, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong Công nghiệp tổ chức, với sự tham gia của nhiều cơ sở, tổ chức, viện nghiên cứu hạt nhân, các đại biểu, chuyên gia trong và ngoài nước về hạt nhân.
|
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh trao tặng bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể và cá nhân |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng bộ Khoa học và công nghệ- Trần Việt Thanh đã nhấn mạnh: Hội nghị được tổ chức nhằm tiếp tục trao đổi thông tin, kinh nghiệm và kết quả hoạt động pháp quy hạt nhân kể từ Hội nghị Pháp quy hạt nhân lần 1, từ đó, tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ tại các địa phương và các cơ sở bức xạ, hợp tác pháp quy hạt nhân giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế và các nước.
Trong những năm vừa qua, năng lượng nguyên tử đã được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hàng năm, số giấy phép tiến hành công việc bức xạ tăng trung bình khoảng 10%. Năm 2006, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, toàn quốc chỉ có 1 máy gia tốc xạ trị LINAC, thì tới nay toàn quốc đã có khoảng 35 máy LINAC, 9 máy PET/CT và 5 máy gia tốc vòng cyclotron để sản xuất dược chất phóng xạ cho chuẩn đoán PET, giúp chuẩn đoán sớm bệnh ung thư.
Việt Nam đã được Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xếp hạng thứ 8 trong lĩnh vực đột biến tạo giống bằng bức xạ. Năm 2014, được IAEA trao tặng 3 giải thưởng thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống lúa trong tổng số 26 giải trên toàn thế giới. Rất nhiều ngành công nghiệp đã triển khai ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân như kỹ thuật kiểm tra không phá hủy (NDT), kỹ thuật điều khiển hạt nhân tự động (NCS) và kỹ thuật đánh dấu phóng xạ (TRACER). Nhiều nhà máy công nghiệp sẽ không thể vận hành được nếu không có các kỹ thuật hạt nhân. Công nghệ chiếu xạ lương thực, thực phẩm, thanh trùng thủy hải sản, xử lý nấm mốc đã được ứng dụng khá phổ biến.
Hội nghị cũng phân tích rõ vấn đề an toàn hạt nhân là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu, bởi nếu không được quản lý tốt có thể gây ra các sự cố mất an toàn và an ninh làm ảnh hưởng đến con người và môi trường.
Trong những năm gần đây, các sự cố mất an toàn và an ninh nguồn phóng xạ đã gây lo lắng cho công chúng. Các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị về xây dựng khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực thẩm định và thanh tra an toàn, tăng cường quản lý chiếu xạ nghề nghiệp, quản lý phóng xạ môi trường, ứng phó sự cố. Trên cơ sở đó, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn của 2 năm tiếp theo nhằm phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng an toàn và an ninh hạt nhân ở Việt Nam.
Cũng tại Hội nghị, 9 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân cũng đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ. Riêng tỉnh Lâm Đồng có 1 tập thể được khen tặng là sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lâm Đồng.
Hội nghị sẽ làm việc từ ngày 19-21/5/2015 tại Tp.Đà Lạt với các vấn đề chủ yếu như: Chính sách và quy phạm về nhà máy điện hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; Xây dựng năng lực kỹ thuật phục vụ thẩm định và đánh giá an toàn hạt nhân; Chính sách và quy phạm về lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; Quản lý phóng xạ môi trường và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; Hợp tác quốc tế về pháp quy hạt nhân...
Diễm Thương