(LĐ online) - Sáng 17/7, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu hạt nhân và Tạp chí Tia Sáng phối hợp tổ chức tọa đàm "Những vấn đề về phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu triển khai phục vụ chương trình điện hạt nhân Việt Nam". Hơn 50 nhà khoa học đầu ngành, cán bộ quản lý và nghiên cứu tham dự.
(LĐ online) - Sáng 17/7, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu hạt nhân và Tạp chí Tia Sáng phối hợp tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu triển khai phục vụ chương trình điện hạt nhân Việt Nam”. Hơn 50 nhà khoa học đầu ngành, cán bộ quản lý và nghiên cứu tham dự.
|
Vận hành thiết bị tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt |
Các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng chung những vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu triển khai, phục vụ chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam; tình hình thực tiễn phát triển nguồn nhân lực của Viện Nghiên cứu hạt nhân, trong bối cảnh xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ năng lượng hạt nhân, phục vụ chương trình điện hạt nhân thời gian tới; đề xuất các giải pháp, sáng kiến trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu triển khai…
Chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tích cực triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Để dự án triển khai thành công, cần có đội ngũ cán bộ đủ năng lực thực hiện việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu triển khai, tạo tiền đề vững chắc để triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân bảo đảm chất lượng, an toàn, an ninh và có hiệu quả kinh tế.
Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, TS. Nguyễn Hào Quang cho rằng: “Nghiên cứu triển khai phục vụ chương trình điện hạt nhân là các hoạt động nhằm cải thiện công nghệ nhà máy điện hạt nhân. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực phục vụ phải có trình độ rất cao, hiểu biết sâu sắc về những yêu cầu thiết kế, các quy chuẩn công nghiệp được thiết lập và hiểu rõ các cơ sở thiết kế”.
Về hướng nghiên cứu phục vụ chương trình điện hạt nhân, theo TS. Hồ Mạnh Dũng, Viện Nghiên cứu hạt nhân, có thể chia bốn lĩnh vực, gồm an toàn điện hạt nhân, thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân, vận hành và bảo dưỡng nhà máy, nhiên liệu hạt nhân và chu trình nhiên liệu. TS. Hồ Mạnh Dũng cho rằng: “Giải pháp cho việc phát triển nguồn nhân lực là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng năng lực hỗ trợ kỹ thuật cho nhà máy điện hạt nhân”.
MAI VĂN BẢO