Di dân tự phát tác động lớn đến cộng đồng bản địa

04:08, 19/08/2015

(LĐ online) - Đó là kết luận của nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Môi trường và Xã hội thông qua đề tài nghiên cứu khoa học "Tác động của di dân tự phát đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các cộng đồng bản địa tỉnh Lâm Đồng" - đề tài được Hội đồng Khoa học tỉnh Lâm Đồng nghiệm thu vào ngày 19/8 tại Đà Lạt. 

(LĐ online) - Đó là kết luận của nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Môi trường và Xã hội thông qua đề tài nghiên cứu khoa học “Tác động của di dân tự phát đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các cộng đồng bản địa tỉnh Lâm Đồng” - đề tài được Hội đồng Khoa học tỉnh Lâm Đồng nghiệm thu vào ngày 19/8 tại Đà Lạt. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các tác giả đã đưa ra 5 nhóm giải pháp nhằm góp phần khắc phục những tác động tiêu cực của di dân tự phát trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
 
Đề tài nói trên do Sở KH-CN Lâm Đồng quản lý, cơ quan chủ trì thực hiện là Viện Khoa học Môi trường và Xã hội và do thạc sỹ Nguyễn Trung Thành - Phó Viện trưởng - làm chủ nhiệm; được thực hiện từ tháng 6/2014 đến nay. Đề tài nghiên cứu đặt ra mục tiêu chung là “Phân tích, đánh giá thực trạng di dân tự phát ở Lâm Đồng, trên cơ sở đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng chính sách phù hợp và khả thi nhằm ổn định các cụm dân, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực và phát huy các yếu tố tích cực của di dân tự phát đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các cộng đồng bản địa ở Lâm Đồng”. 
 
Nhiều cánh rừng bị tàn phá bởi dòng di dân tự phát
Nhiều cánh rừng bị tàn phá bởi dòng di dân tự phát

Theo thạc sỹ Nguyễn Trung Thành - Phó Viện trưởng, chủ nhiệm đề tài: Số liệu thống kê cho thấy, từ năm 1990 đến 2005, số lượng di dân tự phát đến Lâm Đồng là 55.868 hộ với 248.884 khẩu; dòng người di dân tự phát đến Lâm Đồng gia đoạn này tập trung ở các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng, Bảo Lâm và thị xã Bảo Lộc (nay là TP Bảo Lộc). Giai đoạn từ 2005 đến nay, số lượng di dân tự phát đến Lâm Đồng có giảm so với trước: 3.602 hộ với 13.735 nhân khẩu; tập trung ở Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Linh và Đam Rông. Trong khi đó, cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa tỉnh Lâm Đồng theo số liệu thống kê mới nhất chỉ khoảng 206.000 người - bằng 16,6% dân số cả tỉnh; trong đó, người Cơho chiếm 152.855 người, tiếp đến là dân tộc Mạ với 33.442 người, dân tộc Churu 19.551 người... 
 
Một trong những kết luận mà nhóm các nhà khoa học thực hiện đề tài nghiên cứu này đưa ra rất đáng được quan tâm đó là: “Thực trạng di dân tự phát những năm qua đã gây những tác động không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các cộng đồng bản địa tỉnh Lâm Đồng. Di dân tự phát làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên của các cộng đồng bản địa qua các quá trình tiến sâu vào đất rừng, mở rộng đất nông nghiệp, đất sản xuất trái phép, không theo quy hoạch, là nguyên nhân quan trọng nhất làm suy thoái tài nguyên rừng và đất rừng. Ngoài ra, tình trạng phá rừng để lấy đất làm nông nghiệp, làm cho diện tích rừng ngày càng giảm sút, làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và độ màu mỡ của đất...”. Cũng trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học thực hiện đề tài nêu kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ ngành Trung ương: “Quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư hằng năm cho tỉnh Lâm Đồng để thực hiện các dự án bố trí dân cư giai đoạn 2015 - 2020. Trước mắt ưu tiên phân bổ kế hoạch vốn năm 2015 để thực hiện dứt điểm các dự án bố trí dân cư các dự án dân di dân tự phát đang thực hiện dở dang...”. 
 
Cũng trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Môi trường và Xã hội đề ra 5 nhóm giải pháp nhằm khắc phục những tác động tiêu cực của di dân tự phát trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là: Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; nhóm giải pháp về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; nâng cao năng lực thực hiện chương trình bố trí dân cư; nhóm giải pháp về cơ chế tài chính; và nhóm các giải pháp khác về quy hoạch, quản lý, kế hoạch...  
 
Khắc Dũng