Thành quả giai đoạn I làm nền tảng cho giai đoạn II

04:09, 28/09/2015

Lâm Đồng là 1 trong 6 tỉnh toàn quốc được chọn triển khai thí điểm Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II. Phối hợp với Ban quản lý Chương trình, từ số báo này, Báo Lâm Đồng mở chuyên mục "Chương trình UN-REDD Lâm Đồng" trên báo giấy và Lâm Đồng Online để bạn đọc cùng nắm bắt thông tin và hưởng ứng.

LTS: Lâm Đồng là 1 trong 6 tỉnh toàn quốc được chọn triển khai thí điểm Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II. Phối hợp với Ban quản lý Chương trình, từ số báo này, Báo Lâm Đồng mở chuyên mục “Chương trình UN-REDD Lâm Đồng” trên báo giấy và Lâm Đồng Online để bạn đọc cùng nắm bắt thông tin và hưởng ứng.
 
Các hộ dân tộc K’Ho thôn Kala Tơngu, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh tham gia Chương trình UN-REDD (ảnh chụp ngày 21/9/2015)
Các hộ dân tộc K’Ho thôn Kala Tơngu, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh tham gia
Chương trình UN-REDD (ảnh chụp ngày 21/9/2015)
REDD là chữ viết tắt tiếng Anh của “Reducing Emission from Deforestation and Forest Degradation”, tạm dịch là “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng”. Còn REDD+, ngoài việc 2 nội dung trên được bổ sung thêm 3 nội dung mới là: quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các - bon rừng. Chương trình UN-REDD là chương trình hợp tác về REDD+ của Liên hợp quốc và Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia đầu tiên được chọn để thí điểm. Theo đó, Lâm Đồng là 1 trong 6 tỉnh được chọn thực hiện Chương trình UN-REDD giai đoạn II (bắt đầu từ 2013) và ngày 19/7/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1352/QĐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo Chương trình REDD+ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2020. 
 
Mục tiêu của Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II là nâng cao khả năng của Việt Nam để có thể hưởng lợi từ các khoản chi trả dựa trên kết quả cho REDD+ trong tương lai và thực hiện các thay đổi căn bản mới tích cực trong ngành Lâm nghiệp. Trước đó, Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn I (2009-2012), Lâm Đồng được lựa chọn triển khai thí điểm tại 2 huyện Di Linh và Lâm Hà. Những kết quả phương pháp luận về tham vấn cộng đồng và thử nghiệm ở 85 thôn, bản; nghiên cứu cơ chế chia sẻ lợi ích và chuẩn bị tài liệu thiết kế hệ thống đo đếm, báo cáo, kiểm chứng các-bon là điều kiện thuận lợi để Lâm Đồng tiếp tục giai đoạn II. 
 
Từ năm 2014-2015, Chương trình UN-REDD tỉnh Lâm Đồng tổ chức 62 sự kiện truyền thông, nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực về REDD+, biến đổi khí hậu (BĐKH) và quản lý bảo vệ rừng được tổ chức ở cả 3 cấp: tỉnh, huyện và xã. Có 2.513 cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã và thôn (885 cán bộ nữ) đã tham gia các hoạt động hội thảo, tập huấn, truyền thông, nâng cao nhận thức về REDD+, BĐKH và quản lý bảo vệ rừng. Dựa vào bản đồ tiềm năng trong vùng ưu tiên, Chương trình đã lựa chọn thôn Kala Tơngu, xã Bảo Thuận, huyện Di Linh; thôn Preteing 2, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà; xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương; xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm; Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpôk và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai là nơi trọng điểm xây dựng kế hoạch REDD+ cấp cơ sở. 
 
Cùng đó, hoạt động truyền thông là điểm mạnh của Chương trình khi đã lựa chọn 9 cộng tác viên là cán bộ các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và huyện tham gia mạng lưới truyền thông về REDD+, đồng thời tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo, hội thi nhằm nâng cao nhận thức về REDD+, BĐKH, quản lý bảo vệ rừng cho các bên liên quan cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tham dự.
 
Ngày 21/1/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 247/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các-bon rừng (REDD+)” tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015 - 2020 (PRAP). Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên trên cả nước lồng ghép REDD+ vào quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phê duyệt PRAP của tỉnh. Mục tiêu là giảm phát thải khí nhà kính từ rừng, giảm thiểu nguy cơ mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế và hướng tới phát triển rừng bền vững. Theo đó, Lâm Đồng sẽ tập trung các nội dung như: Nâng cao năng lực tiếp cận và triển khai các hoạt động REDD+; Xác định mức phát thải cơ sở từ rừng; Nâng cấp hệ thống theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh gắn với mục tiêu REDD+; Xây dựng cơ chế quản lý tài chính REDD+ của tỉnh; Thực hiện thí điểm các hoạt động REDD+ tại 5 huyện, 14 xã và 2 đơn vị chủ rừng nhà nước; Đảm bảo các biện pháp an toàn môi trường và xã hội khi triển khai các hoạt động REDD+.
 
Trong những ngày qua, Chương trình UN-REDD Lâm Đồng đã và đang triển khai các giải pháp thực hiện gồm: 1) Rà soát hoàn thiện các quy hoạch liên quan đến sử dụng đất lâm nghiệp; 2) Rà soát và hoàn thiện công tác khoán rừng, giao rừng, cho thuê rừng, sử dụng đất lâm nghiệp hỗ trợ cho việc giảm tác động gây mất rừng và suy thoái rừng; 3) Triển khai lồng ghép các hoạt động REDD+ và nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng; 4) Kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ trong và ngoài nước, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đa dạng hóa các nguồn lực tài chính.
 
MINH ĐẠO