Cơ hội và thách thức thực hiện REDD+ và những vấn đề liên quan ở Việt Nam

02:09, 25/09/2015

(LĐ online) - Ngày 25/9, tại Đà Lạt, diễn ra hội thảo tổng kết Dự án "Nghiên cứu và nâng cao năng lực về REDD+, sinh kế và tính dễ bị tổn thương ở Việt Nam: Xây dựng công cụ phân tích xã hội và quy hoạch phát triển" của các nhà khoa học, nhà quản lý các ngành liên quan ở Trung ương và một số tỉnh.

(LĐ online) - Ngày 25/9, tại Đà Lạt, diễn ra hội thảo tổng kết Dự án “Nghiên cứu và nâng cao năng lực về REDD+, sinh kế và tính dễ bị tổn thương ở Việt Nam: Xây dựng công cụ phân tích xã hội và quy hoạch phát triển” của các nhà khoa học, nhà quản lý các ngành liên quan ở Trung ương và một số tỉnh.
 
Theo TS Nguyễn Phú Hùng, lợi ích REDD+ đem lại rất hứa hẹn
Theo TS Nguyễn Phú Hùng, lợi ích REDD+ đem lại rất hứa hẹn
 
Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng-Vụ trưởng Vụ Khoa học-Công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) là đầu mối quốc gia về REDD+ cho biết, hiện ở Việt Nam có 15 tỉnh thí điểm thực hiện REDD+, trong đó có Lâm Đồng và 7/15 tỉnh tham gia Chương trình giảm phát thải. Lợi ích REDD+ đem lại rất hứa hẹn như: giảm phát thải; góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý rừng bền vững; cải thiện đời sống của người trực tiếp tham gia bảo vệ và phát triển rừng, có thể sống bằng nghề rừng. 
 
Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn và thách thức cả ở cấp độ quốc tế và cấp độ trong nước. Vấn đề REDD+ và thị trường các - bon còn khó khăn, cần nghiên cứu kỹ những quy định quốc tế và pháp luật của Nhà nước về khả năng tham gia thị trường các - bon thế giới nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước và các chủ rừng không làm mất đi cơ hội.  
 
Cũng đến từ Tổng cục Lâm nghiệp, Phó Cục trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính Phạm Hồng Lượng cho biết về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR): năm 2010, có 3 tỉnh thí điểm là Lâm Đồng, Sơn La, Đắc Nông và lập quỹ tỉnh; năm 2011 có 9 tỉnh, hiện cả nước có 37 tỉnh. Nguồn thu hàng năm đạt từ 1.000-1.300 tỷ đồng, lũy kế số tiền DVMTR thu được từ năm 2011 đến tháng 6/2015 khoảng 5.000 tỷ đồng; trong đó đầu tư trở lại cho ngành lâm nghiệp chiếm 22-25% tổng vốn của ngành lâm nghiệp. Ngoài tác động về kinh tế, DVMTR còn tác động đến môi trường (hỗ trợ bảo vệ từ 3-5 triệu ha rừng/năm trên tổng diện tích 13,9 triệu ha rừng toàn quốc); tác động xã hội (tạo công ăn việc làm với sự tham gia của 348.715 hộ gia đình, 5.734 nhóm hộ và cộng đồng; mức chi trả bình quân toàn quốc khoảng 250.000 đồng/ha)…
 
Tuy nhiên, vấn đề DVMTR còn những thách thức và hạn chế như: chất lượng dịch vụ tăng nhưng mức chi trả không tăng; chênh lệch rất lớn phương thức chi trả giữa các lưu vực; thu nhập từ tiền DVMTR nhiều nơi còn thấp… Các đại biểu, nhất là các chủ rừng cho rằng, Nhà nước chưa làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chi trả DVMTR. Điển hình là doanh nghiệp thủy điện đã đưa vào giá thành sản phẩm, người tiêu dùng phải gánh chịu chứ doanh nghiệp không chi trả… Ông Phạm Hồng Lượng cũng thừa nhận: Bản chất là thủy điện phải trả DVMTR nhưng hiện ở Việt Nam chưa thể thực hiện được và Nghị định Chính phủ đã cho phép chi trả DVMTR thông qua các doanh nghiệp. “Chính sách DVMTR chỉ nhằm khuyến khích bảo vệ rừng ở đầu nguồn, theo đó góp phần nâng cao mức sống cho chủ rừng chứ không thể nào giải quyết được tất cả các vấn đề của lâm nghiệp”, ông Lượng nói. 
 
Hội thảo còn đặt nhiều vấn đề xung quanh REDD+ như diễn giả Richard Rastall (đơn vị tư vấn kỹ thuật) bàn về “Chia sẻ lợi ích-các biện pháp đảm bảo an toàn môi trường và xã hội”; “Các phương pháp xây dựng công cụ giám sát và đánh giá các chỉ tiêu sinh kế và tính dễ tổn thương cấp cộng đồng” của tác giả Trần Hữu Nghị; “Bộ chỉ số môi trường-xã hội cấp tỉnh” của Nguyễn Hải Vân và những vấn đề cụ thể ở một số địa phương triển khai…
   
Trong khuôn khổ của Hội thảo, các đại biểu đi thực địa tại Vườn quốc gia Biduop-Núi Bà và tiếp xúc với cộng đồng nhận chi trả DVMTR thuộc vùng lõi Vườn này.     
 
MINH ĐẠO