Để hoạt động theo dõi, giám sát việc tuần tra rừng của người dân và cộng đồng có hiệu quả, Ban quản lý Chương trình UN-REDD Việt Nam và tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cơ quan, đơn vị chức năng nắm bắt kỹ năng sử dụng máy ghi dữ liệu đi tuần tra rừng GPS logger.
Để hoạt động theo dõi, giám sát việc tuần tra rừng của người dân và cộng đồng có hiệu quả, Ban quản lý Chương trình UN-REDD Việt Nam và tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cơ quan, đơn vị chức năng nắm bắt kỹ năng sử dụng máy ghi dữ liệu đi tuần tra rừng GPS logger.
|
Cán bộ kiểm lâm trao đổi công việc với người dân nhận khoán rừng. Ảnh: Phan Nhân |
Một trong những nghiệp vụ kỹ thuật trong quản lý, bảo vệ rừng hiện đại là ứng dụng hệ thống thông tin sử dụng máy định vị GPS nhằm tăng hiệu quả của việc tuần tra, giám sát rừng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng như mục tiêu Chương trình UN-REDD đề ra. Vì vậy, cán bộ quản lý rừng ở tỉnh Lâm Đồng đến từ các đơn vị là Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và các Ban quản lý rừng phòng hộ đã được tập huấn. Thông qua lý thuyết và thực hành, khi trở về địa bàn công tác, cán bộ kỹ thuật của các đơn vị quản lý rừng sẽ ứng dụng thiết bị GPS này để thường xuyên và kịp thời nắm bắt các thông tin cần thiết trong hoạt động quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể, giám sát người dân, cộng đồng thực hiện trách nhiệm đi tuần tra bảo vệ rừng; ghi nhận các thông tin cần thiết về tài nguyên rừng đang quản lý, bảo vệ để phản hồi và cung cấp dữ liệu thông tin cho hệ thống giám sát được thuận lợi; đảm bảo tính minh bạch…
Thiết bị này được Chương trình dự án UN-REDD hỗ trợ ban đầu cho các đơn vị là chủ rừng được tập huấn. Theo đó, các chủ rừng sẽ chọn tổ nhóm nhận khoán điển hình để thí điểm trước trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Thiết bị giúp cán bộ và người dân tuần tra, giám sát rừng tại hiện trường dễ dàng trong cách vận hành máy ghi dữ liệu, thu thập dữ liệu khảo sát và tuần tra, chuyển dữ liệu sang máy tính. Đồng thời, lớp tập huấn cũng trang bị kiến thức sử dụng phần mềm QTravel dành riêng cho cán bộ kỹ thuật để kiểm tra, giám sát việc đi tuần tra rừng của người dân và cộng đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Với những kiến thức và mục đích đặt ra như trên, sử dụng thiết bị GPS (máy ghi dữ liệu định vị Qstartz-1000 XT) sẽ đem lại nhiều ích lợi thiết thực cho các phía tham gia quản lý và bảo vệ rừng. Đó là đảm bảo tính đồng thuận trong chia sẻ lợi ích; minh bạch hóa và nâng cao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng… Thiết bị sẽ cung cấp đầy đủ các thông số khoa học như tần suất tuần tra rừng, hiện trường rừng,… Máy BT - Q1000XT là thế hệ mới của thiết bị GPS ghi lại hành trình. Nét đặc trưng của phiên bản này là tích hợp những chức năng mới mạnh mẽ và hữu ích hơn cho người dùng. Dung lượng bộ nhớ BT-Q1000XT có khả năng ghi lại hành trình lên tới 42 giờ liên tục với thông tin tin cậy. Người dùng máy có thể đánh dấu vị trí và lưu giữ tới 400.000 điểm hành trình đơn lẻ. Máy còn tích hợp cảm biến rung thông minh tự động phát hiện tình trạng chuyển động nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng thông qua tự động chuyển về chế độ “ngủ”; đồng thời được “đánh thức” bằng lắc nhẹ để tiếp tục đánh dấu điểm mốc tự động. Tự động ghi lại hành trình thông qua hệ thống cài đặt lịch trình…
Máy BT-Q1000XT ngoài các đặc tính phần cứng còn có những phần mềm tương tác với máy tính (PC) qua phần mềm QTravel với nhiều chức năng và giao diện tiện ích. Ví dụ, tích hợp Google Map, nối dữ liệu hành trình, phát lại hành trình, trích xuất hành trình, thiết lập GPS cho hệ thống cảnh báo âm thanh, cảm biến rung, lịch trình thời gian…
Với thiết bị này, khi ứng dụng vào hoạt động quản lý, bảo vệ rừng cũng được mã hóa theo danh mục quy định chung để cộng đồng người dân đi tuần tra áp dụng thu thập theo phiếu điều tra. Đó là các mã hóa về phát hiện khai thác cây gỗ trái phép, phát hiện khai thác lâm sản ngoài gỗ trái phép; phát hiện phát rẫy; lấn chiếm và gây mất diện tích rừng; phát hiện cháy rừng; phát hiện hầm đốt than; phát hiện chăn thả động vật; khai thác khoáng sản trái phép; phát hiện bẫy thú; phát hiện dấu chân thú… Mỗi trường hợp nêu trên, người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đều được hướng dẫn cụ thể phương pháp sử dụng máy, cách mô tả… Với những chức năng của thiết bị hiện đại, cùng ý thức trách nhiệm của cả phía chủ rừng và người nhận khoán bảo vệ rừng, hy vọng rừng của tỉnh Lâm Đồng - một trong 6 tỉnh ở Việt Nam được triển khai Chương trình REDD+ giai đoạn II sẽ ngày càng được bảo vệ hiệu quả hơn.
MINH ĐẠO