Thông đỏ là loài thực vật rất quý hiếm, có giá trị lớn về đa dạng sinh học và đặc biệt là cây cho hoạt chất dùng làm nguyên liệu để sản xuất thuốc đặc trị chữa bệnh ung thư. Tại Hội thảo Khoa học chuyên đề "Cây Thông đỏ và Dược liệu" do Hội Dược liệu Lâm Đồng tổ chức, phóng viên Báo Lâm Đồng đã ghi nhận một số bước tiến đáng kể trong nghiên cứu về cây Thông đỏ Lâm Đồng.
Thông đỏ là loài thực vật rất quý hiếm, có giá trị lớn về đa dạng sinh học và đặc biệt là cây cho hoạt chất dùng làm nguyên liệu để sản xuất thuốc đặc trị chữa bệnh ung thư. Tại Hội thảo Khoa học chuyên đề “Cây Thông đỏ và Dược liệu” do Hội Dược liệu Lâm Đồng tổ chức, phóng viên Báo Lâm Đồng đã ghi nhận một số bước tiến đáng kể trong nghiên cứu về cây Thông đỏ Lâm Đồng.
|
Thông đỏ Lâm Đồng được gắn số để bảo vệ. Ảnh: Thụy Trang |
TS Vương Chí Hùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt:
“Chọn lọc dòng Thông đỏ có hoạt chất cao làm giống, hoàn thiện quy trình chiết tách hoạt chất 10-DAB và Paclitaxel (Taxol) tự nhiên”
TS Vương Chí Hùng tham gia báo cáo 2 đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen cây Thông đỏ tạo vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp Dược” và “Hoàn thiện quy trình công nghệ chiết và tách 10-DAB và Paclitaxel tự nhiên bằng kỹ thuật CO2 siêu tới hạn”. Cùng với các đề tài nghiên cứu trong vòng 10 năm qua về cây Thông đỏ, các đề tài của nhóm nghiên cứu của TS Hùng tiến hành có tính chất khép kín, đi từ chọn lọc dòng Thông đỏ cho hoạt chất cao, nhân giống và trồng, chiết và tách hoạt chất 10-DAB và Taxol, đi đến nghiên cứu bào chế thuốc tiêm điều trị ung thư từ nguồn nguyên liệu của cây Thông đỏ lá dài trồng tại Lâm Đồng.
Kết quả nghiên cứu đã bảo tồn cây Thông đỏ an toàn và phát triển nguồn gen cho cây Thông đỏ, tạo vùng nguyên liệu 11ha tại Lâm Đồng phục vụ sản xuất công nghiệp Dược. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát 49 dòng Thông đỏ, chọn lọc dòng HT8 và NV16 để làm giống; đưa ra quy trình chọn lọc các dòng Thông đỏ có hoạt chất cao để phát triển giống và quy trình sản xuất nuôi trồng cây Thông đỏ về: mật độ trồng (10.000 cây/ha), chế độ phân bón, thời vụ thu hoạch (có thể thu 6 lần/năm), tuổi thu hoạch, khảo sát các ảnh hưởng của mùa vụ và tuổi cây đến hoạt chất 10-DAB và Taxol, phương thức thu hoạch và chế biến, cũng như loại hình sản xuất đại trà ngoài đồng ruộng, nhằm cho hoạt chất bình quân của 10-DAB đạt 0,2157% và Taxol đạt 0,00918%. Nghiên cứu cho thấy hàm lượng 10-DAB trong lá cao nhất ở cây tuổi 1 và thấp dần từ tuổi 2, 3, 4, 5; ngược lại hàm lượng Taxol tăng dần với tuổi cây. Nhóm nghiên cứu cũng đã hoàn thiện quy trình chiết và tách 10-DAB và Paclitaxel tự nhiên bằng kỹ thuật CO2 tới hạn, cho hàm lượng hoạt chất 10-DAB đạt 1,281 mg/g nguyên liệu và Paclitaxel đạt 0,1054 mg/g nguyên liệu đạt với hiệu suất cao nhất.
TS Nguyễn Hữu Toàn Phan - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên:
“Phân lập được 7 hợp chất Taxoid và 1 hợp chất Biflavone trên cây Thông đỏ”
Từ cây Thông đỏ các nhà sản xuất thuốc đã bào chế ra thuốc chữa trị ung thư với thương phẩm là Taxol hay Paclitaxel (Hãng Bristol Myers Squibb - Mỹ) và Taxotere (Hãng Sanofi Arventis - Pháp), hàng năm Việt Nam nhập từ 8 - 12 triệu USD (chiếm 25% thị phần) để điều trị cho các bệnh nhân ung thư.
Cây Thông đỏ được quan tâm nhất là từ khi S. Horwitz năm 1979 phát hiện ra cơ chế tác dụng độc đáo của chất Taxol và khi nhóm nghiên cứu của giáo sư Pierre Potier (Pháp) đã chiết tách được chất 10-DAB (Deacetylbaccatin III) từ lá cây Thông đỏ châu Âu (chất này có thể dùng để chuyển hóa thành Taxol chỉ qua vài phản ứng hoa học) và Taxotere - một chất bán tổng hợp của Taxol. Qua thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ, Nhật, Pháp đã khẳng định Taxol có hiệu quả cao với bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư phổi. Thử nghiệm trong vitro còn cho thấy chất Txiresinol 1 hoạt động chống tế bào ung thư tại đại tràng, gan. Chất Taxol đã được cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ (FDA) cho phép lưu hành. Ở Mỹ đã sản xuất được Taxotere (đặt tên là Tamoxifen. Taxol, Taxotere, Tamoxifen) là những phân tử chống u, ức chế sự phân chia của tế bào ung thư.
TS Nguyễn Hữu Toàn Phan đã công bố một số kết quả nghiên cứu về thành phần hóa học của dược liệu Lâm Đồng. Đặc biệt, nghiên cứu từ cây Thông đỏ đã phân lập được 7 hợp chất taxoid và 1 hợp chất biflavone: -4’’’,5,5’’-Trihydroxy-4’,7,7’’-trimethoxy-5’,8’’-biflavone, Taxinine B, 19-hydroxybaccatine III, 10-deacetylbaccatin III, 7-Xyloside-10-deacetyl taxol C, 7-Xyloside-10-deacetyl taxol, Cephalomannine, Taxol.
Thạc sĩ Tôn Thất Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà:
“Quần thể Thông đỏ lớn nhất của Lâm Đồng đang bị suy thoái tự nhiên”
|
|
Hiện nay, ở Việt Nam, cây Thông đỏ lá dài phân bổ rất đặc thù và duy nhất tại Lâm Đồng, với khoảng 250 cá thể mọc từng cụm rải rác ở quần thể rừng hỗn giao lá rộng và lá kim. Loài thông này chứa các hoạt chất có tác dụng bào chế ra thuốc chữa ung thư tốt nhất hiện nay và được Sách đỏ xếp vào cấp CR (cực kỳ nguy hiểm). Với “Chương trình nghiên cứu dược liệu tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà”, Th.s Tôn Thất Minh đã công bố kết quả “Điều tra Thông đỏ” đã đưa ra nhận định: “Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà là nơi có quần thể Thông đỏ lớn nhất của Lâm Đồng và quần thể này đang bị suy thoái tự nhiên: già cỗi, sâu bệnh, cây tái sinh nhiều nhưng thiếu vắng tầng lớp cây kế cận”. Khảo sát 124 cây lớn (có đường kính trên 25cm), chiều cao trung bình của cây 20,2m, phát hiện cây Thông đỏ lớn nhất có chu vi 4,6m. Nghiên cứu đặc điểm cây tái sinh bình quân 1.306 cây/ha cho thấy đa số cây có cấp chiều cao dưới 0,5m chiếm 56,45% và cây có cấp chiều cao lớn hơn 5m chiếm 0,33%. Cây nhỡ (có đường kính từ 6 - 25cm) số lượng rất ít, trong các đợt điều tra chỉ ghi nhận 15 cây, đa số đều bị chèn ép mạnh. Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã ký biên bản ghi nhớ với Bio-Detection (Hà Lan) về hợp tác bảo tồn và phát triển các loài thực vật có giá trị dược liệu của địa phương, trong đó có cây Thông đỏ.
DIỆU HIỀN