Hóa dược phóng xạ mang thương hiệu Việt

09:01, 26/01/2016

Là đơn vị duy nhất trong nước sản xuất các dược chất phóng xạ để chẩn đoán và điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư, Trung tâm Nghiên cứu - Điều chế đồng vị phóng xạ thuộc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đang trên lộ trình nâng tầm hóa dược phóng xạ mang thương hiệu Việt.

Là đơn vị duy nhất trong nước sản xuất các dược chất phóng xạ để chẩn đoán và điều trị nhiều loại bệnh, trong đó có ung thư, Trung tâm Nghiên cứu - Điều chế đồng vị phóng xạ thuộc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đang trên lộ trình nâng tầm hóa dược phóng xạ mang thương hiệu Việt.
 
Sản xuất dược chất phóng xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt
Sản xuất dược chất phóng xạ tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt
Đáng kể nhất trong lộ trình này là trong tháng 10/2015 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Điều chế đồng vị phóng xạ thuộc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt đã liên kết với Bệnh viện 175 Quân đội tại TP HCM thành lập một phòng thí nghiệm hàng đầu trong nước hiện nay nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng các dược chất đồng vị phóng xạ dùng trong y học.
 
Theo ông Dương Văn Đông, Giám đốc Trung tâm, tại phòng thí nghiệm, bên cạnh các trang thiết bị hiện đại có trang bị một hộp kín dùng chiết tách các đồng vị phóng xạ do Viện sản xuất tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hoặc nhập khẩu để cung cấp cho các bệnh viện lớn tại TP HCM như Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện 175. 
 
Việc mở phòng thí nghiệm là một bước nâng cao khả năng nghiên cứu, ứng dụng các dược chất phóng xạ mới dùng trong y học, thử nghiệm các sản phẩm mới trên các thiết bị chẩn đoán và điều trị hiện đại, đặc biệt là các dược chất phóng xạ điều trị ung thư do Viện sản xuất hiện nay. Trong tương lai, tại phòng thí nghiệm này, Bệnh viện 175 sẽ liên kết với Viện để đặt lò Cyclotron sản xuất FDG- F18 cho máy PET/CT. 
 
Trong năm 2015, Trung tâm Nghiên cứu điều chế đồng vị phóng xạ tại Đà Lạt tổng cộng đã sản xuất và cung cấp 40 đợt đồng vị phóng xạ và Kit cho 23 bệnh viện lớn trong khắp cả nước, trong đó, khai thác, sản xuất đồng vị phóng xạ từ Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt 12 lần. Tổng số lượng đồng vị đã cung cấp trong năm 2015 là 383 nghìn mCi với doanh thu trên 14 tỷ đồng, trong đó, hơn nửa là sản xuất trên lò phản ứng, số còn lại được nhập khẩu. Những sản phẩm chủ yếu của Trung tâm hiện nay là I - 131, P - 32, Tc - 99m… 
 
Trung tâm hiện cũng đang đẩy mạnh chương trình hợp tác với Bệnh viện tỉnh Phú Yên đã được ký kết từ năm 2014 thông qua việc hỗ trợ trang thiết bị cho khoa Y học hạt nhân tại bệnh viện này. 
 
Theo ông Dương Văn Đông, cùng với sự tăng trưởng của các khoa y học hạt nhân trong nước, nhu cầu sử dụng dược chất đồng vị phóng xạ của các bệnh viện hiện rất cao, không chỉ về số lượng mà còn về mật độ cung ứng. Nhiều bệnh viện yêu cầu cung cấp ít nhất 2 tuần một lần, hiện đã có những bệnh viện yêu cầu Trung tâm cung cấp sản phẩm từng tuần một. Yêu cầu về sản phẩm và cung cấp sản phẩm đúng hạn đang tạo ra áp lực lớn cho đơn vị trong sản xuất.
 
Điểm thuận lợi hiện nay là Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hoạt động rất ổn định. Từ tháng 3/2013 cho đến cuối năm 2015 vừa qua, lò chạy liên tục. Cùng đó, Viện và Trung tâm đã cải tiến thành công các container chiếu mẫu, bỏ thủy tinh chứa bia nên giảm thời gian làm nguội và tăng hiệu suất sản xuất rõ rệt. Trung tâm cũng cải tiến việc giao hàng đến tận nơi cho các bệnh viện trong nước. “Chất lượng sản phẩm của đơn vị cung cấp đến nay luôn ổn định. Viện và Trung tâm luôn theo dõi và hiệu chỉnh những sai sót, lắng nghe ý kiến khách hàng, tạo mối quan hệ tốt với khách hàng về mọi mặt” - ông Đông nhấn mạnh.
 
Trong sản xuất, Trung tâm đã có những bước tiến lớn trong công tác an toàn bức xạ. Đơn vị đã tăng cường các dụng cụ phòng chống sự cố trong sản xuất cũng như cho phương tiện vận chuyển đồng vị phóng xạ, tăng cường khâu chuẩn bị để hạn chế thời gian chịu liều đặc biệt, cải tiến các quy trình sản xuất và đo hoạt độ phóng xạ cũng như đóng gói sản phẩm nên đã hạn chế được liều chiếu cho cán bộ, nhân viên.
 
Với việc lò phản ứng có thể hoạt động dài ngày, trong năm 2016 này, Viện và Trung tâm, theo ông Đông, sẽ duy trì và tổ chức tốt hơn việc sản xuất cung ứng các dược chất phóng xạ thường xuyên cho các bệnh viện theo yêu cầu. Khai thác cao nhất khả năng hoạt động của Lò phản ứng, đơn vị sẽ chủ động hơn trong việc giao hàng, đảm bảo cung cấp đủ theo yêu cầu của các bệnh viện. 
 
Trung tâm trong năm nay cũng đang lên kế hoạch để đưa một số sản phẩm mới vào ứng dụng trong lâm sàng như MIBI, DISIDA, HIDA, HMPAO, Cr-P-31... Đơn vị đang cải tạo, nâng cấp cơ sở sản xuất và trang thiết bị tại Viện theo tiêu chuẩn GMP, đồng thời hoàn thiện hồ sơ trình liên bộ Y tế - Khoa học Công nghệ thành lập trung tâm kiểm định quốc gia về dược phóng xạ. “Chúng tôi đang cải tiến dây chuyền sản xuất Tc - 99m cũ với các trang thiết bị hiện đại hơn, nâng cấp hệ sản xuất P - 32 dung dịch, nâng cấp một số thiết bị sản xuất trong Viện, khai thác có hiệu quả phòng thí nghiệm liên kết tại Bệnh viện 175, tăng tần suất cung cấp đồng vị và dược chất mỗi tuần một lần cho các bệnh viện phía nam, đồng thời đang triển khai việc kiểm tra chất lượng các chỉ tiêu phóng xạ các sản phẩm nhập ngoại với Viện Kiểm nghiệm TP. HCM” - ông Đông cho biết.
 
Trong hợp tác quốc tế, Viện và Trung tâm hiện đã tiến hành nhập khẩu trực tiếp I-131 từ POLATOM và Mo-99 từ Indonesia nhằm cung ứng tốt hơn cho thị trường trong nước, Viện và Trung tâm cũng đang có chương trình hợp tác với Tổ chức Nguyên tử năng lượng quốc tế IAEA trong sản xuất các đồng vị phóng xạ cho y học và đang cử cán bộ tham gia đào tạo theo dự án này.
 
VIẾT TRỌNG