Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong điều kiện El Nino mạnh và có thể kéo dài tới tháng 6/2016: Nhiệt độ trong các tháng còn lại của mùa khô 2015-2016 trên phạm vi toàn quốc có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5°C, lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-40%...
|
Mực nước hồ Suối Vàng xuống thấp nhất so với nhiều năm qua. Ảnh: Võ Trang |
Trong năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có những đặc điểm cơ bản như:
Nền nhiệt độ phổ biến đạt cao hơn một chút so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm trước từ 0,2 đến 0,4°C.
Hệ thống gió mùa Tây Nam hoạt động không mạnh, các hình thế gây mưa lớn ảnh hưởng tới khu vực Lâm Đồng ít hơn, bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến khu vực nước ta ít hơn so với nhiều năm. Trong năm có 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta: cơn bão số 1 (KUJIRA) đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng vào cuối tháng 6/2015 và cơn bão số 3 (VAMCO) đổ bộ vào khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi vào giữa tháng 9/2015. Mùa mưa bắt đầu muộn hơn khoảng 10 ngày và mưa chính vụ kết thúc sớm so với quy luật nhiều năm. Các đợt mưa vừa, mưa to xảy ra ít nhưng vẫn chủ yếu tập trung từ tháng 7, 8 và tháng 9.
Tổng lượng mưa năm trên địa bàn tỉnh phổ biết đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 6,0 đến 28,7%, riêng một số nơi (Đà Lạt, Di Linh, Nam Ban và Đạ Tẻh) đạt cao hơn từ 2,1 đến 14,3%.
Trong mùa mưa lũ (từ tháng 7 đến tháng 10), trên các hệ thống sông suối trong tỉnh xuất hiện từ 5 đến 11 trận lũ (chủ yếu là các trận lũ nhỏ và vừa). Tại trạm Thanh Bình (sông Cam Ly) đỉnh lũ cao nhất ở mức 833,46 mét (xuất hiện lúc 5 giờ ngày 2 tháng 10, đạt cao hơn báo động III: 0,46 mét), so với mực nước lớn nhất (lịch sử) ở mức thấp hơn 0,51 mét, so với mực nước lớn nhất cùng kỳ năm 2014 ở mức thấp hơn 0,30 mét.Trên các sông Đa Nhim, Đồng Nai chỉ xuất hiện các đợt lũ nhỏ. Trong các tháng của mùa mưa lũ chính vụ (từ tháng 8 đến tháng 10), số trận lũ xảy ra trên các hệ thống sông, suối trong tỉnh đều ở mức nhỏ hơn so với trung bình nhiều năm.
Mực nước trên các hồ thủy điện lớn trong tỉnh như hồ Đại Ninh, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Hàm Thuận, Đa Mi đến thời điểm cuối tháng 12/2015 đều ở mức thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1,8 đến 9,6 mét, riêng hồ thủy điện Đa Nhim ở mực nước dâng bình thường.
Trong tháng 1 và đầu tháng 2 năm 2016, trên địa bàn tỉnh đang bước vào những tháng mùa khô cao điểm, những trận mưa trái mùa xảy ra không nhiều: trong tháng 1 có từ 1 đến 3 trận chủ yếu xảy ra trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, Lạc Dương, các địa bàn còn lại về cơ bản không xảy ra mưa hoặc có xảy ra nhưng lượng mưa không đáng kế. Mực nước trên các hệ thống sông suối đều theo xu thế giảm dần về mức thấp nhất trong năm. Mực nước trên các hệ thống hồ thủy điện lớn trong tỉnh đều ở dưới mực nước dâng bình thường từ 3,0 đến 11,5 mét.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong điều kiện El Nino mạnh và có thể kéo dài tới tháng 6/2016: Nhiệt độ trong các tháng còn lại của mùa khô 2015-2016 trên phạm vi toàn quốc có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,5°C, lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-40%, dòng chảy trên các sông suối ở khu vực Tây Nguyên sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm phổ biến từ 20-40%. Do vậy tình trạng thiếu nước và hạn hán nghiêm trọng trong các tháng còn lại của mùa khô 2015-2016 (tháng 2 - 5/2016) xảy ra trên các địa bàn trong tỉnh.
El Nino là hiện tượng nóng lên ở phía Đông Thái Bình Dương, chủ yếu tập trung ở vùng xích đạo. Những dòng biên âm này thường chảy sang phía Tây của Đại dương bởi những cơn gió thổi từ Đông sang Tây, qua đó giúp chúng đến với những nơi như Indonesia và Úc. Nhưng khi El Nino xảy ra, gió thổi chậm và có thể đổi hướng khiến cho dòng nước biển nóng chảy ngược về phía Đông và đến vùng Nam Mỹ. El Nino xảy ra cách nhau từ 2 đến 7 năm với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Nếu nghiêm trọng, El Nino sẽ làm nóng bầu khí quyển và thay đổi dòng đối lưu trên toàn cầu, cụ thể là luồng khí áp trên Thái Bình Dương sẽ mạnh hơn và khiến nhiều cơn bão lớn xảy ra ở phía Tây nước Mỹ. Tại Bắc Mỹ và Nam Mỹ sẽ có nhiều trận mưa lớn. Tại phía Nam Á và Úc sẽ xuất hiện tình trạng khô hạn bất thường. El Nino cũng có ảnh hưởng đến những mùa bão biển trên khắp trái đất. Phía Đông Thái Bình Dương càng nóng thì càng có nhiều bão, Đại Tây Dương sẽ có ít bão do có ít khí áp khiến các bão không thể hình thành, phía Tây Thái Bình Dương sẽ phải hứng chịu những trận bão biển cường độ cao.
Không chỉ có thời tiết, nước biển ấm lên sẽ khiến các loài cá nước lạnh di cư sang những vùng khác, khiến cho ngành thủy hải sản ở các nước Mỹ Latinh gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Hiện tượng này được các ngư dân chứng kiến và đặt tên là El Nino.
Chỉ số Nino trên Đại dương (ONI): ám chỉ nhiệt độ bề mặt nước biển ở những vùng biển nhiệt đới ở Thái Bình Dương. Nếu ONI bằng 0 thì tình trạng bình thường, ONI dương thì biển đang ấm lên và ngược lại. Nếu ONI có giá trị cao hơn 0,5 đó là khi El Nino xuất hiện và nếu nó đạt đến 1,5 thì hiện tượng này đã trở nên nghiêm trọng. Vào thời điểm tháng 8/2015, chỉ số ONI là 1,0 (Số liệu công bố của Trung tâm Dự báo Khí tượng của Cục Hải dương và Khí tượng Quốc gia Mỹ) và nó đang tăng lên trong vòng bốn tháng qua, mọi dự báo đều cho rằng, trong năm 2015, El Nino sẽ vượt quá ngưỡng 2,0 (đã ở mức khá nghiêm trọng).
|
NGÔ DUY THI (Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng)