Đảo Tiên đang được những con người thầm lặng ngày đêm cùng nhau chăm sóc, bảo bọc để cứu hộ hàng chục cá thể linh trưởng quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như vượn, voọc và culi thoát khỏi bàn tay tàn sát của con người.
Trong cái nắng hanh hao vào những ngày cuối năm 2015, chúng tôi đã có dịp đến Đảo Tiên, một hòn đảo nhỏ nằm giữa vùng “lõi” Vườn Quốc gia Cát Tiên (thuộc địa phận xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Đảo Tiên đang được những con người thầm lặng ngày đêm cùng nhau chăm sóc, bảo bọc để cứu hộ hàng chục cá thể linh trưởng quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như vượn, voọc và culi thoát khỏi bàn tay tàn sát của con người.
|
Tiến sĩ Marina chăm sóc vượn đen má vàng quý, hiếm được cứu hộ tại Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Đảo Tiên |
Nơi bảo tồn các loài linh trưởng
Từ trung tâm quản lý Vườn Quốc gia Cát Tiên (VQG), chúng tôi mất khoảng 15 phút đi thuyền ngược về thượng nguồn sông Đồng Nai để đến Đảo Tiên. Vừa đặt chân lên đảo, chúng tôi được ông Trần Văn Ngoan, một cán bộ làm việc tại Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Đảo Tiên, lưu ý cần giữ im lặng để tránh làm ảnh hưởng đến môi trường và không gian sống của các loài linh trưởng đang được cứu hộ tại đây. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Đảo Tiên có tổng diện tích 58ha, nằm độc lập trên sông Đồng Nai và cách trung tâm quản lý VQG Cát Tiên khoảng 2km (theo đường chim bay). Nơi đây có khí hậu ôn hòa và môi trường sống lý tưởng của động vật hoang dã được bảo vệ nghiêm ngặt. Cùng với đó, trên đảo còn có nguồn thức ăn dồi dào cho các loài linh trưởng như lá bứa, lá sung, chuối rừng, măng tre, trái me rừng, ổi, đu đủ…
Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Đảo Tiên được thành lập vào tháng 7/2008, với tổng kinh phí đầu tư gần 6 tỷ đồng từ nguồn vốn tài trợ của Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Monkey World - Ape (Vương quốc Anh) và sự hợp tác về kỹ thuật của Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Trường Đại học Pintung (Đài Loan). Trung tâm này được xây dựng trong khuôn viên 3ha, với 10 chuồng chuyên nuôi nhốt, chăm sóc các loài linh trưởng quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, như: Vượn đen má vàng (Nomascus gabriellae), Voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), Voọc bạc (Trachypithecus cristatus) và Culi nhỏ (Nycticebus pygmaeus). Chức năng của Trung tâm là cứu hộ, chăm sóc các loài linh trưởng được cơ quan chức năng tịch thu từ việc nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển trái phép tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Sau khi được cứu hộ nhằm phục hồi bản tính tự nhiên tại Trung tâm, các loài linh trưởng sẽ được thả về rừng, trở lại với cuộc sống hoang dã vốn có của chúng.
Ông Ngoan giới thiệu với chúng tôi: “Với nhiệm vụ cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm, Trung tâm được thiết kế đảm bảo 5 nguyên tắc: Nghiên cứu, giám sát các loài linh trưởng trong điều kiện hoang dã; nghiên cứu các loài linh trưởng trong điều kiện nuôi nhốt; chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi bản năng tự nhiên của các loài linh trưởng; thả các loài linh trưởng vào điều kiện tự nhiên và giáo dục cộng đồng để bảo vệ các loài linh trưởng quý hiếm. Trên cơ sở này, Trung tâm được xây dựng với các phân khu chức năng, như: Khu điều hành chung; khu thú y và cách ly; khu chuồng trại huấn luyện và phục hồi chức năng; khu nhân giống trong điều kiện hoang dã; nhà chế biến và kho dự trữ thức ăn. Ngoài ra, Trung tâm còn là nơi nghiên cứu tập quán sinh học và những vấn đề có liên quan đến các loài linh trưởng để phục vụ cho công tác bảo tồn. Cùng với đó, hiện nay, trên Đảo Tiên còn hình thành 4 khu bán hoang dã có diện tích từ 3 sào đến 20ha. Các khu bán hoang dã có chức năng theo dõi, kiểm soát các hoạt động của linh trưởng trong môi trường tự nhiên trước khi thả chúng về rừng”.
Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc, cứu hộ cho 60 cá thể linh trưởng; trong đó, có 28 cá thể vượn đen má vàng, 20 cá thể voọc và 12 cá thể culi. Sau khi phục hồi bản năng hoang dã, những cá thể vượn, voọc và culi sẽ được gắn các thiết bị phát tín hiệu để theo dõi. Sau 1 năm sống trong môi trường hoang dã, các thiết bị này sẽ tự động tách ra khỏi cơ thể của chúng. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm đã thả vào môi trường tự nhiên được hàng chục cá thể linh trưởng các loại. Theo đánh giá của các chuyên gia tại Trung tâm, hiện phần lớn các cá thể linh trưởng đã được thả vào rừng đều tương thích tốt với điều kiện tự nhiên hoang dã.
|
Vượn đen má vàng |
“Mẹ” của các loài linh trưởng
Đến với Đảo Tiên lần này, ngoài việc được tìm hiểu về Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng, chúng tôi còn may mắn được gặp một công dân ngoại quốc đã bỏ công sức, trí tuệ qua Việt Nam viết nên “câu chuyện cổ tích” cứu những loài linh trưởng đang bên bờ vực của sự tuyệt chủng. Người ấy chính là Giáo sư - Tiến sĩ Marina Kenyon Ann (43 tuổi, người Anh). Hiện, bà Marina là Giám đốc Trung tâm cứu hộ Linh trưởng Đảo Tiên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, luận án Tiến sĩ của bà Marina chính là đề tài được bà nghiên cứu về loài vượn đen má vàng ở VQG Cát Tiên. Thông qua luận án Tiến sĩ của bà Marina, Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Monkey World Ape (Anh) và Trường ĐH Pingtung (Đài Loan) đã liên hệ với Chính phủ Việt Nam và VQG Cát Tiên để thành lập Trung tâm cứu hộ Linh trưởng Đảo Tiên. Năm 2008, Trung tâm này được thành lập, bà Marina đã tình nguyện qua Việt Nam để trực tiếp phụ trách công tác cứu hộ và tiếp tục nghiên cứu về các loài linh trưởng cho đến nay.
Anh K’Hoài, nhân viên Trung tâm, kể với chúng tôi về bà Marina: “Là phụ nữ, nhưng Marina rất cá tính! Với niềm đam mê và tình yêu đối với các loài linh trưởng, bà Marina từng sống hằng tuần ở trong rừng để tìm hiểu về tập tính tự nhiên của các loài linh trưởng như voọc, vượn và culi… Vì thế, khi phát hiện được dấu vết của chúng, bà cẩn thận thu nhặt từng mẫu vật từ dấu chân đến phân, thức ăn… mang về phục vụ cho công việc nghiên cứu. Tại Trung tâm, ngoài việc nghiên cứu, bà là người tự tay lo thức ăn cho linh trưởng và nhiều khi kiêm luôn công việc của bác sĩ thú y. Marina nhớ chính xác từng tập tính và thói quen của tất cả các cá thể linh trưởng được cứu hộ ở đây. Tình yêu của bà Marina dành cho chúng như một người mẹ dành cho các con của mình vậy!”.
Theo bà Marina, trong tất cả các loài linh trưởng, sau khi cứu hộ và tiến hành tái thả vào tự nhiên, thì vượn đen má vàng là loài tương thích tốt nhất. Song, để cứu hộ thành công được một “gia đình” vượn rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Vì trong tự nhiên, loài vượn không sống theo bầy đàn mà sống theo “gia đình” với từng cặp “vợ chồng” riêng biệt. Vượn dùng tiếng hót để kết bạn tình và chiếm lĩnh địa bàn sống khoảng 30ha/cặp vợ chồng. Do đó, trong công tác cứu hộ vượn thì việc ghép đôi là quan trọng nhất. Thời gian để cứu hộ thành công 1 “gia đình” vượn phải mất ít nhất từ 5 - 6 năm. Còn đối với voọc và culi, công tác cứu hộ thuận lợi hơn.
Bà Marina chia sẻ: “Hầu hết những cá thể linh trưởng như vượn, voọc, culi… mới được Trung tâm tiếp nhận đều là “nạn nhân” của các vụ săn bắn, mua bán và nuôi nhốt trái phép. Đối với những cá thể bị săn bắn và mua bán khi được chuyển đến đây đều ở trong tình trạng ốm yếu, bệnh tật và có nhiều vết thương trên cơ thể. Còn những cá thể do con người nuôi nhốt lâu ngày, hầu hết đều bị “nhiễm” các tập tính do con người huấn luyện nên rất khó cứu hộ. Để giúp chúng hồi phục được bản năng hoang dã, chúng tôi phải áp dụng các nguyên tắc cứu hộ một cách khoa học để cách ly, chăm sóc, chữa bệnh và giám sát riêng biệt”.
Ngoài công việc chính là cứu hộ linh trưởng, hàng ngày, Đảo Tiên còn mở cửa đón các đoàn khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Để nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, bà Marina cùng với các cộng sự của mình còn đảm nhiệm cả công tác giáo dục bảo tồn linh trưởng nói riêng và động vật hoang dã nói chung. Đến với Đảo Tiên, ngoài cảnh quan quyến rũ, hít thở không khí trong lành giữa rừng nguyên sinh, du khách còn được trở lại “bài học phổ thông” về nguồn gốc của loài người. Từ đó, giúp du khách nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ động vật và yêu thiên nhiên hơn.
Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên, khẳng định: “Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Cứu hộ Linh trưởng Đảo Tiên đã có những đóng góp quan trọng cho công tác bảo tồn các loài linh trưởng quý, hiếm. Thông qua những chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại đây, đặc biệt là Tiến sĩ Marina, tập thể cán bộ, nhân viên tại VQG đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu về công tác cứu hộ và bảo vệ động vật hoang dã; đồng thời, được tiếp cận các công nghệ tiên tiến để áp dụng vào công tác chuyên môn. Hiện, Tiến sĩ Marina chính là “hạt nhân” truyền lòng đam mê, bầu nhiệt huyết tới các cộng sự người Việt Nam đang công tác tại Trung tâm để cùng chung tay bảo vệ các loài linh trưởng quý, hiếm nói riêng và động vật hoang dã nói chung”.
KHÁNH PHÚC