Niềm hy vọng sản xuất thuốc điều trị ung thư

07:02, 12/02/2016

Nhân dịp Xuân Bính Thân 2016, PV Báo Lâm Đồng có cuộc trò chuyện với TS Vương Chí Hùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt về niềm say mê nghiên cứu và những kỳ vọng đánh thức tiềm năng dược liệu Lâm Đồng.

Nhân dịp Xuân Bính Thân 2016, PV Báo Lâm Đồng có cuộc trò chuyện với TS Vương Chí Hùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt về niềm say mê nghiên cứu và những kỳ vọng đánh thức tiềm năng dược liệu Lâm Đồng.
 
TS Vương Chí Hùng với công việc thường ngày là nghiên cứu cây Thông đỏ
TS Vương Chí Hùng với công việc thường ngày là nghiên cứu cây Thông đỏ

PV: Thưa Tiến sĩ (TS), được biết ông có quá trình nghiên cứu và gắn bó lâu dài với cây dược liệu Lâm Đồng, ông có thể cho biết điều gì làm ông theo đuổi niềm say mê không ít khó khăn vất vả này?
 
TS Vương Chí Hùng: Thời sinh viên, tôi học môn thực vật được các thầy giảng dạy về những cây trầm hương, cây bá bệnh, nhân sâm, sừng tê giác, sam biển… tôi thấy thích thú về thiên nhiên và tài nguyên động, thực vật làm thuốc, về sự bí ẩn cũng như sự kỳ diệu của rừng và các công dụng của nó mang lại. Khi ra trường (1984), tôi cũng đã từng công tác ở Đồng Tháp Mười, Đà Lạt, Phú Yên và nhiều nơi khác để làm công tác dược liệu. Càng về sau, những người từng làm công tác dược liệu ít dần đi, một số do tuổi tác, một số do khó khăn về gia đình, kinh tế… Bởi công tác dược liệu phải đi vào rừng, vùng sâu, vùng xa, có quá nhiều khó khăn vất vả nhưng chưa được đánh giá cao, đồng lương thì ít ỏi, nên đa số bỏ nghề. Ngay cả các sinh viên trẻ ra trường có chuyên môn về thực vật vẫn bỏ nghề để chạy theo kinh tế, nên ngày càng hiếm hoi các chuyên gia đi sâu về định danh cây thuốc, động, thực vật khác. Ngoài sự kiên trì đeo bám nghề, thì quá trình công tác đã rèn luyện cho tôi niềm đam mê và bản lĩnh, cho tôi biết quý mến đồng nghiệp, nhất là những người cùng tôi đi trên con đường vất vả này, nên trong tâm tư tôi luôn hy vọng sẽ cùng mọi người để phát triển tài nguyên cây thuốc của Việt Nam, với kỳ vọng chủ động được nguồn nguyên liệu dược liệu làm thuốc cho người Việt Nam, nhằm hạn chế nhập nội, nhất là dược liệu Trung Quốc. Một nguồn động viên lớn đối với tôi, là bên cạnh tôi vẫn còn những người thầy và các đồng nghiệp khác vẫn tâm huyết và ngày đêm tận tụy với nghề như thầy Võ Văn Chi, thầy Phạm Thanh Kỳ, DS Nguyễn Thọ Biên và chú Nguyễn Duy Cương (nguyên là Thứ trưởng Bộ Y tế)… 
 
PV: Và trong kho dược liệu phong phú của Lâm Đồng, ông đã đặc biệt nghiên cứu nhiều về cây Thông đỏ? Có phải vì Thông đỏ có công dụng điều trị ung thư thu hút sự quan tâm của ông và cộng sự?
 
TS Vương Chí Hùng: Thông đỏ đã được chúng tôi biết đến từ thời còn ở học đường, nhưng lý do thật sự là chính những người thân yêu và bạn bè của chúng tôi lần lượt ra đi vì bệnh ung thư. Nên ngoài sự yêu nghề, chúng tôi tâm huyết đeo đuổi và muốn khai thác nguồn tài nguyên cây thuốc để tạo ra nguyên liệu làm thuốc, trong đó có Thông đỏ.
 
PV: Được biết TS và các cộng sự đã thực hiện những công trình nghiên cứu khép kín đi từ chọn lọc dòng Thông đỏ cho hoạt chất cao, nhân giống và trồng, chiết và tách hoạt chất 10-DAB và taxol, đi đến nghiên cứu bào chế thuốc tiêm điều trị ung thư từ nguồn nguyên liệu của cây Thông đỏ lá dài trồng tại Lâm Đồng. Như vậy, chúng ta đã làm chủ được công nghệ nghiên cứu và sản xuất thuốc điều trị ung thư từ Thông đỏ hay chưa, thưa TS?
 
TS Vương Chí Hùng: Chúng tôi thực hiện nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm hoạt chất làm thuốc điều trị ung thư từ cây Thông đỏ trong điều kiện khó khăn về tài chính, thiết bị. Thậm chí, có những đồng sự ra đi chỉ vì lương trả chậm hoặc chưa thật sự tin vào công việc mình làm trong hoàn cảnh khó khăn đó. Hiện nay, chúng tôi đã làm chủ được từ khâu chọn giống, trồng Thông đỏ và thời vụ thu hoạch cho hoạt chất cao, đến công nghệ chiết xuất và tách chiết, cũng như phân lập và tinh chế ra hoạt chất chống ung thư với hiệu suất và chất lượng ngang tầm thế giới. Về công nghệ bào chế thuốc tiêm điều trị ung thư, chúng tôi chỉ làm ở quy mô pilot với sản phẩm đạt tiêu chuẩn thế giới. Trong tương lai, chúng tôi vẫn muốn có điều kiện để đi xa hơn về cây Thông đỏ và thật sự có thuốc điều trị ung thư do chính người Việt Nam sản xuất bằng nguyên liệu và tài nguyên cây thuốc Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
 
PV: Chúng ta đã nghĩ đến việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất thuốc điều trị ung thư qua dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Taxol quy mô 50kg 10-DAB và 10kg Taxol/năm. Cụ thể như thế nào thưa TS?
 
TS Vương Chí Hùng: Để thực hiện ước mơ này, như các cụ ngày xưa nói cần phải có: Thiên thời - Địa lợi và Nhân hòa. Ở đây, chúng tôi nôm na là phải có sự hòa hợp, hiểu biết và đoàn kết, có tâm huyết và chuyên môn. Nhà đầu tư cũng như Chính phủ phải đồng hành và chia sẻ tạo điều kiện để đi đến mục tiêu cuối cùng. Nói như thế chứ không dễ dàng, vì muốn làm được thì phải cần nguồn vốn đầu tư khá lớn và cả khó khăn, thậm chí rủi ro. Các doanh nghiệp (Nhà đầu tư) hiện nay, thì đa số chọn con đường ngắn hơn và dễ dàng hơn. Nếu được đầu tư thì việc xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất hoạt chất làm thuốc điều trị ung thư để sản xuất 50kg 10 - DAB và 10kg Taxol/năm là điều có thể hy vọng, để có thể bào chế thuốc điều trị ung thư do chính người Việt Nam sản xuất.
 
PV: TS có thể chia sẻ, phân tích một số khó khăn trở ngại hiện nay và làm gì để chúng ta hiện thực hóa được giấc mơ sản xuất thuốc điều trị ung thư từ Thông đỏ?
 
TS Vương Chí Hùng: Như đã nói ở trên, không những chỉ là cây Thông đỏ mà còn gần 5.000 loài dược liệu khác. Chúng ta cần có tư duy đầu tư phát triển dược liệu Việt Nam ở kỳ vọng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, với sự thân thiện về môi trường và bền vững. Nhằm tạo được nguồn nguyên liệu làm thuốc, thực phẩm chức năng và các sản phẩm từ tự nhiên, để hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc (dược liệu không đảm bảo chất lượng). Trong đó, vai trò của nhà nước rất quan trọng, nhất là về chính sách quản lý chất lượng dược liệu, thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN) nhập khẩu. Quản lý các thông tin quảng cáo về thuốc và TPCN trong nước. Chính sách ưu đãi cụ thể và thiết thực cho các nhà đầu tư vào ngành nghề đặc thù. Còn lại là chính sách ưu đãi của nhà đầu tư với các chuyên gia, sự tin tưởng và đoàn kết giữa mọi bên, mọi người, để tiến đến mục tiêu cuối cùng là quan trọng. Có thể có nhiều khó khăn về vốn đầu tư, công nghệ nhưng tôi vẫn kỳ vọng một ngày gần đây sẽ có thuốc điều trị ung thư từ cây Thông đỏ Lâm Đồng, được sản xuất tại Việt Nam.
 
CÔNG BỐ 8 CÔNG TRÌNH KHOA HỌC NGHIÊN CỨU VỀ THÔNG ĐỎ 
 
- TS Vương Chí Hùng sinh năm 1961 tại Tp.HCM
 
- 1984 Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Tp.HCM
 
- 2012 Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Lâm sinh tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam với đề tài nghiên cứu về cây Thông đỏ
 
- Có 8 công trình khoa học đã công bố; đã và đang tham gia (Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm) 6 đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến cây Thông đỏ và cây Dừa cạn để sản xuất thuốc điều trị ung thư.
 
- Chuyên gia tư vấn cho Dự án BioTrade do tổ chức HELVETAS Swiss Intercooparation Việt Nam (từ  năm 2013 -2015).
 
- Thành viên tham gia Ban biên soạn tư vấn Dự án: “Quy hoạch phát triển ngành Dược từ năm 2012 đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” của Bộ Y tế.
 
DIỆU HIỀN (Thực hiện)