Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ

09:03, 07/03/2016

Năm 2011, Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) Đà Lạt thực hiện dự án chuyển đổi toàn bộ hoạt động vùng hoạt sang sử dụng loại nhiên liệu mới và đưa lò phản ứng (LPƯ) hạt nhân đạt trạng thái tới hạn. Sự kiện này được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ (KH&CN) tiêu biểu của quốc gia, đánh dấu bước phát triển mới của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam nói chung và Viện NCHN nói riêng...

Năm 2011, Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) Đà Lạt thực hiện dự án chuyển đổi toàn bộ hoạt động vùng hoạt sang sử dụng loại nhiên liệu mới và đưa lò phản ứng (LPƯ) hạt nhân đạt trạng thái tới hạn. Sự kiện này được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện khoa học và công nghệ (KH&CN) tiêu biểu của quốc gia, đánh dấu bước phát triển mới của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam nói chung và Viện NCHN nói riêng. Tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, 5 năm qua, Viện NCHN đã có nhiều nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Đặc biệt, Viện chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực KH&CN.
 
Sản xuất đồng vị phóng xạ trong Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: GIA THỊNH
Sản xuất đồng vị phóng xạ trong Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Ảnh: GIA THỊNH
Viện NCHN Đà Lạt thực hiện nhiệm vụ bảo đảm vận hành an toàn, khai thác có hiệu quả LPƯ hạt nhân và các thiết bị KH&CN khác; thực hiện chương trình nghiên cứu KH&CN cũng như các công tác triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phục vụ phát triển KT-XH. Đầu năm 2016, Viện vinh dự nhận 2 giải thưởng KH&CN tỉnh Lâm Đồng lần thứ nhất cho các công trình: Nghiên cứu, điều chế các dược chất phóng xạ ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh trên địa bàn Lâm Đồng; Sử dụng các kỹ thuật hạt nhân và liên quan để đánh giá hiện trạng, tác động của một số quá trình môi trường ở Lâm Đồng. Theo PGS-TS Nguyễn Nhị Điền - Viện trưởng Viện NCHN Đà Lạt: Trong năm 2015, Viện đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển Công nghệ. Đội ngũ trí thức tập trung nghiên cứu các đề tài: Nghiên cứu về LPƯ; Nghiên cứu vật lý hạt nhân trên kênh ngang LPƯ; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị đo đạc hạt nhân; Nghiên cứu ứng dụng trong Sinh học, Nông nghiệp…
 
Từ kết quả thực hiện các đề tài, nhiệm vụ, hợp đồng nghiên cứu, các tập thể khoa học của Viện đã đăng tải 3 công trình khoa học trên Tạp chí quốc tế, 2 công trình thuộc hệ thống ISI và có chỉ số ảnh hưởng (Impact Factor), 31 công trình trên Tạp chí quốc gia, 17 báo cáo trình bày tại các Hội nghị quốc tế, 27 báo cáo trình bày tại các Hội nghị trong nước… Thông qua thực hiện 2 đề tài nhà nước, Viện có 4 sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn. Đó là: Dược chất phóng xạ 99mTc-NCA90mAb dùng để chụp hình chẩn đoán bệnh viêm tủy xương và nhiễm trùng, Dược chất phóng xạ Na2H32PO4 dùng giảm đau di căn ung thư xương, Dược chất phóng xạ 90Y-DOTA-P-BENZYL-NIMOTUZUMAB điều trị bệnh ung thư đầu cổ, Dược chất phóng xạ kháng thể đơn dòng 131I-nimotuzumab dùng trong điều trị ung thư đầu cổ. Thời gian qua, Viện tiếp tục hợp tác với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các nước: Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp... Làm việc với 22 đoàn khách quốc tế gồm 110 chuyên gia về các nội dung phối hợp tổ chức các lớp đào tạo chuyên ngành, hội thảo quốc tế, hợp tác song phương, thực hiện các dự án RAS, hợp đồng nghiên cứu với IAEA, kiểm tra và lắp đặt thiết bị thuộc dự án tăng cường an ninh cho cơ sở LPƯ, thanh sát hạt nhân… Công tác thông tin tuyên truyền về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ được Viện đẩy mạnh thông qua các hình thức tham quan, triển lãm, phổ biến tài liệu. Năm qua, tổ chức và phối hợp tổ chức giảng bài, hướng dẫn 26 đoàn khách với 2.100 lượt người tham quan (học sinh, sinh viên, cán bộ, Ban quản lý dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, các chuyên gia trong và ngoài nước…).
 
Trong năm 2016, Viện NCHN Đà Lạt tiếp tục làm công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ trẻ và các khối chức năng. Huy động nguồn nhân lực từ các đơn vị trong Viện tham gia tổ chức lớp học phục vụ phát triển điện hạt nhân. Đồng thời, Viện đẩy mạnh hoạt động của 7 nhóm nghiên cứu ứng dụng đã đăng ký và xây dựng thêm 1-2 nhóm nghiên cứu ưu tiên mới. Tiếp tục duy trì các hướng nghiên cứu đặc thù. Quan tâm lĩnh vực đặc thù và là thế mạnh như sản xuất, cung cấp đồng vị phóng xạ, dịch vụ phân tích mẫu, dịch vụ đo liều cá nhân và kiểm tra chuẩn thiết bị, quan trắc và đánh giá tác động môi trường, sản xuất và cung cấp các chế phẩm phục vụ nông nghiệp và tích cực mở thêm các hướng có tiềm năng là đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư, chứng nhận VietGAP. Làm thủ tục để Cục Môi trường - Bộ TN&MT chỉ định là đơn vị đủ điều kiện kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, Viện duy trì chương trình đảm bảo chất lượng trong vận hành và khai thác LPƯ; cập nhật các quy trình, quy phạm vận hành và khai thác LPƯ phù hợp với yêu cầu mới.
 
LAN HỒ