Những bất cập khi gặp hiện tượng Elnino

09:03, 10/03/2016

Đã đến tháng 3/2016, đúng như dự báo khí tượng thủy văn, hiện tượng Elnino tiếp tục diễn ra và đang ở thời kỳ cao điểm. Ở thời khắc khô hạn đỉnh điểm này, chúng tôi mới ghi nhận được những bất cập tại vùng trọng điểm chuyên canh cà phê Di Linh.

Đã đến tháng 3/2016, đúng như dự báo khí tượng thủy văn, hiện tượng Elnino tiếp tục diễn ra và đang ở thời kỳ cao điểm. Ở thời khắc khô hạn đỉnh điểm này, chúng tôi mới ghi nhận được những bất cập tại vùng trọng điểm chuyên canh cà phê Di Linh.
 
Nước ở hồ Đạ Hiong (Gia Bắc) đã cạn kiệt
Nước ở hồ Đạ Hiong (Gia Bắc) đã cạn kiệt
Chúng tôi vừa có dịp đi thực tế để nắm bắt tình hình chống hạn cho cây trồng tại huyện Di Linh. Quả thật, khi nắng hạn gay gắt, kéo dài, mới bộc lộ rõ những bất cập trong việc chống hạn, mà nguyên nhân chủ yếu là do nguồn nước tưới chưa đáp ứng được nhu cầu. 
 
Do vị trí địa lý, vùng chịu ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất của khô hạn thường là ở khu vực phía Bắc huyện Di Linh (xã Tam Bố và lân cận). Vào mùa khô hạn năm nay, các khe suối và công trình thủy lợi nhỏ đã bắt đầu hết nước từ những ngày giáp Tết Bính Thân. Tại đây, nguồn nước duy nhất để chống hạn lúc này cho cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng khác chủ yếu là từ giếng khoan nước ngầm. Nước suối Đạ Le và Đạ Rium đến thời điểm này đã bị khô cạn. Giải pháp cấp bách để cứu cánh cho 30ha lúa đông xuân ở vùng Tam Bố, Gia Hiệp là đưa nước từ kênh mương của hồ thủy lợi Ka La (xã Bảo Thuận). Tuy vậy, khi qua địa phận xã Đinh Lạc và Gia Hiệp, nước đã bị thất thoát do người dân chặn lại để tưới cho cà phê.  
 
Tại khu vực phía Đông huyện, vào thời điểm đầu tháng 3, phần lớn các hồ thủy lợi tại xã Gia Bắc đều cạn. Là những cán bộ rất sát dân và lo cho dân, ông K’Lãng - Bí thư Đảng ủy xã và ông K’Vững - Chủ tịch UBND xã Gia Bắc, cho chúng tôi biết: “Các hồ thủy lợi Hà Giang, hồ Đạ Hiong… chỉ đáp ứng tốt cho nhu cầu tưới đợt 1. Hiện tại, bà con đang tưới đợt 2, nhưng thiếu nước. Nếu tiếp tục bị hạn, thì sang đợt 3, chắc chắn các hồ thủy lợi sẽ không còn nước!”. Ở đây, điều mà chúng tôi ghi nhận là bà con dân tộc thiểu số đã có ý thức chống hạn cho cây trồng (chủ yếu là cà phê), nhưng chỉ tiếc thay là thiếu nguồn nước tưới. 
 
Ở khu vực 5 xã phía Nam huyện Di Linh, ngay từ tháng 11, 12 năm 2015, các ao hồ, khe suối và các công trình thủy lợi nhỏ đã bắt đầu cạn dần. Đến thời điểm hiện tại, các ao hồ, khe suối đã cạn kiệt, nguồn nước chủ lực là giếng khoan nước ngầm. Chỉ riêng xã Hòa Nam, đến lúc này đã có tới 800 giếng khoan. Tuy vậy, cái khó của giếng khoan là nguồn điện lưới, không đủ điện áp vào những lúc cao điểm, nên người dân phải sử dụng nguồn điện từ máy phát điện riêng. 
 
Các xã ở khu vực phía Tây huyện, vào những tháng đầu mùa khô đỡ gay gắt hơn, vì trước Tết Bính Thân có một vài cơn mưa cục bộ, nhưng đến thời điểm này, đều phải dồn sức cho việc chống hạn. Nhờ những công trình thủy lợi, các xã Tân Châu, Tân Thượng, Tân Lâm, Đinh Trang Thượng đã tưới được 85% diện tích cà phê. Theo ông Trần Nhật Thi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, các xã này có khả năng tưới đợt 2 cho khoảng 65% và đợt 3 khoảng 60% diện tích cà phê (nếu nắng hạn còn kéo dài). Các công trình thủy lợi ở gần trung tâm huyện, như hồ Tây Di Linh, hồ Đông Di Linh, hồ 1019 và hồ KaLa, tuy cạn ở phía đầu nguồn, lượng nước vẫn còn, nhưng vấn đề bất cập là không thể bơm nước chống hạn cho những diện tích cây trồng ở xa hồ. 
 
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, toàn huyện hiện có 47 công trình thủy lợi. Nếu tính cả nguồn nước tự nhiên (sông, khe suối), các công trình thủy lợi và ao, hồ, giếng nước do dân tự đào, thì trong đợt 1, toàn huyện đã tưới cho 35 ngàn ha cà phê, chiếm gần 85% diện tích. Đến đầu tháng 3/2016, toàn huyện chỉ mới tưới đợt 2 cho 11 ngàn ha cà phê, chiếm 31% của đợt 1. Đối với diện tích lúa đông xuân, toàn huyện gieo cấy được 960ha, nhưng đến nay đã có trên 50ha gặp hạn và đã bị mất trắng. Nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài, thì việc chống hạn cho cà phê và lúa sẽ còn khó khăn và “bi đát” hơn. 
 
Ông Đoàn Văn Bông, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: Trước tình trạng hạn hán đang ở vào thời kỳ cao điểm, giải pháp cấp bách và quan trọng hàng đầu lúc này là huyện đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở bà con chống hạn. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trạm Quản lý khai thác thủy lợi huyện kiểm tra việc tích nước của các hồ, đập và điều tiết nước, tăng mức xả đáy một cách hợp lý ở các công trình thủy lợi; tiếp tục nạo, vét, sửa chữa kênh mương và khắc phục ngay tình trạng tùy tiện đục khoét hoặc tháo kênh mương dẫn nước để sử dụng cá nhân, cục bộ, làm ảnh hưởng nguồn nước chống hạn chung.
 
Về giải pháp lâu dài, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh Trần Nhật Thi cho chúng tôi biết: Đối với cà phê, huyện tiếp tục khuyến khích và có sự hỗ trợ cho nông dân 70% (những xã đặc biệt khó khăn) hoặc 50% chi phí đào ao, hồ nhỏ (theo Quyết định 1758/QĐ - UBND, ngày 18/8/2015, của UBND tỉnh Lâm Đồng). Đối với cây lúa đông xuân, để tránh hạn hán, huyện sẽ thay đổi dần lịch thời vụ gieo trồng sang vụ xuân hè. Bước đầu, trong vụ đông xuân năm nay, nông dân các xã đã chuyển đổi thời vụ được 150ha lúa sang vụ xuân hè.
 
XUÂN LONG