Các nhà khoa học cảnh báo, năm 2016 sẽ là năm hiện tượng EL Nino kéo dài nhất và sớm hơn 1 tháng trong vòng 60 năm qua. Vì vậy, diễn biến hạn hán nặng ngày càng bộc lộ rõ ngay từ đầu năm, trong đó tỉnh Lâm Đồng là địa phương ở Tây Nguyên và chủ yếu sản xuất nông nghiệp càng phải đối diện tình hình ảnh hưởng lớn từ hạn hán...
Các nhà khoa học cảnh báo, năm 2016 sẽ là năm hiện tượng EL Nino kéo dài nhất và sớm hơn 1 tháng trong vòng 60 năm qua. Vì vậy, diễn biến hạn hán nặng ngày càng bộc lộ rõ ngay từ đầu năm, trong đó tỉnh Lâm Đồng là địa phương ở Tây Nguyên và chủ yếu sản xuất nông nghiệp càng phải đối diện tình hình ảnh hưởng lớn từ hạn hán. “Trước tình hình này, các ngành, các địa phương và đơn vị liên quan cùng người dân cần kịp thời và chủ động theo dõi diễn biến hạn hán và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ” - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lương Văn Ngự đã trả lời phỏng vấn báo Lâm Đồng ngày 29/2.
|
Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng Lương Văn Ngự |
* P.V: Thưa ông, tình hình về khí tượng thủy văn từ đầu năm 2016 đến nay như thế nào?
* Ông Lương Văn Ngự: Tôi có thể nói ngay rằng, nhìn chung tình hình khí hậu, thủy văn từ đầu năm đến nay không thuận lợi cho sản xuất và đời sống Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Ở Lâm Đồng, nắng nóng kéo dài, chủ yếu chịu ảnh hưởng của rìa phía Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa. Tổng lượng mưa phổ biến đạt xấp xỉ và thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) và năm 2015; riêng khu vực Bảo Lộc tháng đạt cao hơn so với TBNN. Hầu hết nhiệt độ trung bình trên toàn khu vực ở mức cao hơn TBNN và năm 2015 từ 1,5 đến 2,0 độ C. Hầu hết nhiệt độ cao nhất toàn khu vực ở mức xấp xỉ và cao hơn một chút so với TBNN và năm 2015. Nhiệt độ thấp nhất trên toàn khu vực ở mức cao hơn TBNN và năm 2015 từ 2,0 đến 3,0 độ C; riêng Đà Lạt nhiệt độ thấp nhất tháng 1 năm 2016 đạt cao hơn cùng kỳ 2015 là 5,9 độ C. Cơ quan chuyên môn cho biết về tổng lượng mưa một số trạm từ đầu năm 2016 đến hết ngày 20/2 như sau: Thanh Bình 5,0mm; Đà Lạt 4,4mm; Liên Khương 0,0mm; Đại Nga 65,0mm; Bảo Lộc 162,2mm và Cát Tiên 0,0mm.
* Với thời tiết như ông vừa cho biết thì chắc chắn tình hình thủy văn ở Lâm Đồng đang ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu?
* Đúng như vậy. Về thủy văn, mực nước trên các sông, suối ở Lâm Đồng trong tháng 1/2016 và tới thời điểm hiện nay dao động theo xu thế giảm dần với biên độ từ 0,25 đến 0,29 mét. Mực nước trên các hệ thống sông, suối thời điểm hiện nay so với mực nước TBNN cùng kỳ ở mức thấp hơn từ 0,06 đến 0,61 mét. So với mực nước trung bình cùng kỳ năm 2015 ở mức thấp hơn từ 0,12 đến 0,30 mét. Mực nước trên các hệ thống hồ đập thủy điện lớn trong tỉnh theo xu thế giảm dần và đều ở dưới mực nước dâng bình thường từ 3,23 đến 12,2 mét.
Dẫn chứng mực nước hiện tại so với mực nước dâng bình thường tại một số hồ đập thủy điện trong tỉnh như sau: Đa Nhim 1038,77 mét (mức tụt 3,23m); Đại Ninh 867,82m (tụt 12,18m); Đồng Nai 2 là 673,35m (tụt 6,65m); Đồng Nai 3 là 581,99m (tụt 8,01m) và Hàm Thuận 596,81m (tụt 8,19m).
* Ông nhận định tình hình khí tượng thủy văn từ nay đến hết tháng 4 năm 2016 như thế nào?
* Về khí tượng, hầu hết lượng mưa trên toàn khu vực ở mức thấp hơn so với TBNN và cùng thời kỳ năm 2015; Nền nhiệt độ trên toàn khu vực ở mức cao hơn TBNN và cùng thời kỳ năm 2015 khoảng từ 1,5 đến 3,0 độ C. Về thủy văn, mực nước trên các sông ở Lâm Đồng từ nay đến hết tháng 4 năm 2016 có khả năng sẽ dao động theo xu thế giảm dần, mực nước đạt mức nhỏ nhất vào khoảng tuần giữa và tuần cuối tháng 3/2016. Mực nước trung bình tháng ở mức thấp hơn so với mực nước trung bình tháng của TBNN và cùng kỳ năm 2015. Trên hệ thống các hồ đập thủy điện lớn trong tỉnh, mực nước diễn biến theo xu thế giảm dần (do nhu cầu phát điện cao trong mùa khô và phục vụ chống hạn), một số hồ có thể giảm dần tới mực nước chết.
|
Hồ Suối Vàng nhiều đoạn đã trơ đáy - Ảnh: VÕ TRANG |
* Trước tình hình diễn biến về hạn hán ngày càng nặng như dự báo, theo ông cần có những giải pháp cụ thể nào để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nói chung và thiệt hại về kinh tế nói riêng?
* Trung ương và tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, các ngành liên quan và người dân về việc thực hiện chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên - môi trường,…; và mới đây là các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, chống xâm nhập mặn. Theo tôi, cần phải đồng bộ trong triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể giữa các ngành, các địa phương và cả người dân. Đó là tiết kiệm sử dụng nguồn nước trong sản xuất và sinh hoạt; về lâu dài cần ứng dụng công nghệ tưới phun bởi tuy đã triển khai phương pháp này nhưng hiện hãy còn quá khiêm tốn. Tiếp tục thực hiện các giải pháp trong nhiều thập kỷ qua trên địa bàn tỉnh như duy trì hệ thống ao, hồ nhỏ dọc các sông, suối. Đối với các đơn vị cấp nước sinh hoạt tập trung theo dõi mực nước, đồng thời đảm bảo vệ sinh, thực hiện đúng quy trình về giữ nguồn nước sạch để đáp ứng cho các đô thị và nông thôn trong tỉnh. Hàng năm, vào cuối mùa khô cần theo dõi mực nước ở các hồ, nhất là hồ lớn như KaLa, Nam Phương, Đăng Kia-Suối Vàng, P’Ró, Đạ Tẻh… để chủ động trong điều tiết nguồn nước hợp lý nhất. Lâm Đồng là tỉnh chủ yếu trồng cây công nghiệp, trong đó chủ lực là cà phê, do đó trong quá trình tưới cây cần sử dụng hợp lý về nguồn nước ngầm; đặc biệt là những vùng đã được ngành TN&MT và các nhà khoa học khuyến cáo hạn chế khai thác nước ngầm. Vấn đề tuyên truyền của các ngành như NN&PTNT, TN&MT, VHTT&DL, TT&TT… về biến đổi khí hậu, công tác quản lý tài nguyên nước… tiếp tục đẩy mạnh và duy trì thường xuyên với tính hiệu quả cao nhất.
MINH ĐẠO (Thực hiện)