Tạo giống đột biến cho cây trồng

08:03, 18/03/2016

Trong nhiều năm liền Trung tâm Công nghệ Sinh học thuộc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt là nơi duy nhất tại Lâm Đồng nghiên cứu tạo ra các giống cây trồng đột biến.

Trong nhiều năm liền Trung tâm Công nghệ Sinh học thuộc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt là nơi duy nhất tại Lâm Đồng nghiên cứu tạo ra các giống cây trồng đột biến.
 
Nhân giống bằng cấy mô tại Trung tâm
Nhân giống bằng cấy mô tại Trung tâm
Đa dạng hơn về di truyền
 
Đơn giản vì nơi đây gắn liền với một cơ sở mà khó có nơi nào tại Việt Nam cho đến nay có được, đó là lò phản ứng cùng công nghệ hạt nhân của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt. 
 
Tại đây, Trung tâm Công nghệ Sinh học của Viện tập trung vào nghiên cứu 2 nhiệm vụ: công nghệ sinh học thực vật và chọn giống đột biến. Trong công nghệ sinh học thực vật, Trung tâm có một phòng nuôi trồng cấy mô hiện đại, hiện sản xuất nhiều loại giống cấy mô cho nhà vườn Đà Lạt trong đó nhiều nhất là các giống địa lan, hoa cúc và dâu tây. Trung bình mỗi năm, theo ông Lê Văn Thức, cán bộ của Trung tâm, Phòng cấy mô của Trung tâm bán ra cho nông dân Đà Lạt khoảng 100 nghìn cây mô các giống hoa cúc, khoảng trên 50 nghìn cây mô dâu tây đạt chuẩn. 
 
Với địa lan cấy mô, hiện Trung tâm có hẳn một bộ sưu tập khoảng 18 giống địa lan đang canh tác tại Đà Lạt hiện nay. Mỗi năm Trung tâm cung cấp khoảng 200 nghìn cây địa lan cấy mô cho thị trường Đà Lạt, chủ yếu là cho một đối tác chính của Trung tâm là Vườn ươm Cao nguyên tại Đà Lạt. Vườn ươm này cấy giống ra và sau đó bán cây con giống cho nhà vườn. 
 
Nhưng thế mạnh nhất của Trung tâm lâu nay chính là nghiên cứu chọn giống đột biến cho cây trồng. Công tác này đã được Trung tâm tiến hành từ năm 1984 đến nay. Theo ông Phạm Ngọc Duy, Phó Giám đốc Trung tâm, trước đây Trung tâm đã tạo ra một số giống hoa cúc cùng khoai tây đột biến. Những giống này hiện nay đang lưu hành ở Đà Lạt. Trong 3 năm gần đây, Trung tâm đã nghiên cứu thử nghiệm một số giống hoa và cây trồng đột biến bằng cách chiếu xạ Gamma. Đặc biệt, Trung tâm kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam để tạo ra giống bưởi đường da cam, hiện bước đầu đã thành công và đang được trồng khảo nghiệm đại trà tại nhiều tỉnh phía Nam. Đây là một giống bưởi mới, không hạt, có vị ngọt như cam, có giá trị cao cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
 Theo ông Thức, hiện Trung tâm đang nghiên cứu tạo giống đột biến trên loài lan nhện, đã chọn ra được 6 giống đột biến có màu hoa rất lạ và đang được trồng thử nghiệm. Trước đó, Trung tâm cũng nghiên cứu giống đột biến trên cây hoa Forgetmenot và hoa Torenia - một loài hoa tương tự hoa mõm sói, có hình dáng tương tự hoa mắt mèo, dùng để trồng hoa chậu. 
 
Ưu thế lớn nhất của công nghệ đột biến khi kết hợp với phương pháp lai tự nhiên theo ông Thức là cây trồng sẽ đa dạng hơn về mặt di truyền. Chẳng hạn, với 2 cây hoa hồng màu đỏ và hoa hồng màu vàng khi lai tự nhiên sẽ cho hoa theo phổ màu từ đỏ sang vàng nhưng với công nghệ đột biến phổ màu này sẽ rộng hơn rất nhiều, xuất hiện những màu hoa rất lạ và độc đáo.
 
Những khó khăn
 
Khó khăn lớn nhất, theo ông Thức chính là quy trình công nhận giống hoa hiện nay rất chậm chạp. Có nhiều giống tạo ra chưa kịp làm thủ tục công nhận giống mới, chẳng hạn như trong các giống hoa, thì thị trường đã quay sang một hướng khác. Bảo tồn giống cũng là một vấn đề. Có những giống đột biến được tạo ra nhưng dần mất theo thời gian vì chưa chú ý đến công tác bảo tồn giống. “Lâu nay chúng ta nói nhiều đến chuyện tạo ra giống mới, nhưng một việc trong tạo ra giống mới là công tác bảo tồn giống chưa được quan tâm đúng mức. Toàn miền Nam hiện nay chưa có một đơn vị nào bảo tồn giống cây trồng qui mô để khi cần thiết các đơn vị nghiên cứu có thể có giống nghiên cứu ngay” - ông Thức cho biết. 
 
 Cùng đó, theo ông Thức, chưa có sự liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu lai tạo giống, đặc biệt là việc lai tạo các giống hoa mới trên địa bàn Đà Lạt. Mỗi đơn vị hiện nay làm theo cách của mình, có những nghiên cứu trùng nhau, gây lãng phí. Vì vậy, rất cần thiết tạo ra sự liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu này với nhau và cần có đơn đặt hàng cùng nguồn kinh phí của tỉnh cho các đơn vị nghiên cứu theo từng giai đoạn cụ thể với một chiến lược hẳn hoi về lai tạo giống. Còn về phía Trung tâm, ông Thức cho biết thêm: Định hướng chính trong thời gian đến là tăng cường công tác nghiên cứu giống mới, trong đó chọn giống đột biến kết hợp lai tạo một số giống hoa, tập trung vào hoa lan, hoa hồng và một số loại hoa cắt cành khác đang có mặt tại Đà Lạt. Đồng thời, Trung tâm cũng đang đặt ra mục tiêu bảo tồn giống để phục vụ công tác nghiên cứu. Trước mắt là bảo tồn trong điều kiện Invitro và bảo tồn đông lạnh để phục tráng giống, ưu tiên bảo tồn những giống đột biến tiềm năng do đơn vị tạo ra.
 
VIẾT TRỌNG