Vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) đã, đang và sẽ tác động nhiều đến thế mạnh kinh tế - xã hội của Đà Lạt, nguy cơ đặc trưng miền ôn đới sẽ mất dần. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến BĐKH là do các tác động tiêu cực của con người, là "mặt trái" trong quá trình phát triển...
Vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) đã, đang và sẽ tác động nhiều đến thế mạnh kinh tế - xã hội của Đà Lạt, nguy cơ đặc trưng miền ôn đới sẽ mất dần. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến BĐKH là do các tác động tiêu cực của con người, là “mặt trái” trong quá trình phát triển. Trong những tác động ấy, có những vấn đề là tất yếu do nhu cầu, đòi hỏi của sự phát triển; tuy nhiên, có những vấn đề hoàn toàn có thể khắc phục được.
|
Lựa chọn vật liệu xây dựng tại đô thị không thân thiện với môi trường sẽ góp phần gây hiệu ứng nhà kính. Ảnh: Phan Nhân |
Sự đối mặt và những việc làm ban đầu
Đà Lạt là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, có hai ngành kinh tế động lực, mũi nhọn là du lịch - dịch vụ chất lượng cao (năm 2015 đón hơn 4 triệu lượt khách), nông nghiệp công nghệ cao (CNC) đang phát triển mạnh với diện tích chiếm gần 50% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động trực tiếp đến Đà Lạt. Biểu hiện: vào các mùa mưa, cường suất và tần suất mưa lớn tạo dòng chảy tập trung nhanh, tốc độ lớn gây ra hiện tượng ngập lụt cục bộ. Ngược lại, vào mùa khô, lượng nước tại các suối, hồ tự nhiên, hồ thủy lợi giảm đáng kể dẫn đến hiện tượng khô hạn, không đảm bảo việc tưới tiêu, sinh hoạt ở một số địa bàn. Do vậy, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng; nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng, khí hậu Đà Lạt cũng đã thay đổi, có ngày nhiệt độ lên trên 30 độ C…
Gần 3 năm qua, Nghị quyết 24-NQ/TW của BCHTW (khoá XI) và Chương trình hành động 64-CTr/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Lạt thực hiện nghiêm túc trong tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện.
Nhằm ứng phó với BĐKH, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Lạt đã chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng Nghị quyết 24-NQ/TW và Chương trình hành động 64-CTr/TU được 48 lớp với trên 7.000 người tham gia. Công tác ứng phó với BĐKH được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện gắn với công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn; chỉ đạo xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai, BĐKH đến năm 2020; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch thủy lợi, các dự án phòng, chống sạt lở. Đầu tư một số hạng mục công trình để giữ nước, chống khô hạn và hạn chế ngập úng cục bộ. Khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC nhằm hạn chế tác hại của thiên nhiên, tiết kiệm nước, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm lượng phân bón và hóa chất sử dụng trong nông nghiệp.
Việc khai thác, sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản và nước được thực hiện quản lý theo quy hoạch và quy định của pháp luật. Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường ngày càng tăng cường; giải quyết kịp thời các bức xúc về môi trường. Chất lượng môi trường nước các suối, hồ, kênh, mương được cải thiện. 100% các hộ dân tại các phường sử dụng nước sạch và có 99,5% hộ dân các xã sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 98%, riêng rác thải y tế thu gom 100%. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học gắn với quản lý bảo vệ rừng được chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ. Việc khoán quản lý bảo vệ rừng cho các hộ, nhất là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm.Thành phố đã giao khoán quản lý bảo vệ rừng bằng nguồn vốn chi trả dịch vụ rừng cho 259 hộ dân với diện tích trên 2.049ha.Việc phát động phong trào trồng cây xanh phân tán trong đô thị được tổ chức thường xuyên.
Thành phố cũng định hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững (19 điểm tham quan du lịch, 20 điểm tham quan các công trình kiến trúc, tôn giáo, 628 khách sạn và nhà nghỉ…) gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên với quyền lợi kinh tế của người dân bản địa, người dân trong vùng đệm.
Hạn chế và hướng khắc phục
Tuy đạt một số kết quả quan trọng nhưng việc thực hiện “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” ở Đà Lạt vẫn còn một số bất cập. Đó là, việc ứng phó với BĐKH đôi lúc lúng túng, bị động; sử dụng đất chưa hiệu quả; vẫn còn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản còn hạn chế, chưa kiểm soát hết tình trạng khai thác, sử dụng nước. Công tác bảo vệ môi trường có mặt chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.Các công trình dự án để ứng phó BĐKH chậm được đầu tư và chưa đồng bộ. Công tác tuyên truyền chưa thực sự đến với từng người dân, chưa huy động sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường…
Nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng trên, trước hết là công tác chỉ đạo điều hành có lúc có nơi chưa quyết liệt, chưa tập trung; phân công nhiệm vụ giữa các ngành, các cấp chưa thống nhất và còn chồng chéo, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tiếp đó, bộ máy quản lý về tài nguyên, môi trường các cấp đã được tăng cường nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu quản lý, nhất là cấp cơ sở; hiệu lực, hiệu quả thanh kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chưa cao; chưa phát huy được vai trò của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cũng như cộng đồng tham gia giám sát các lĩnh vực bảo vệ môi trường; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân chưa tốt. Điều đáng nói nữa là, một số cơ sở sản xuất do hạn hẹp tài chính, diện tích đất SXKD nằm xen kẽ trong khu dân cư nên việc xây dựng hệ thống xử lý hạn chế, gây hiện tượng ô nhiễm môi trường xung quanh dẫn đến phát sinh khiếu kiện.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Lạt sẽ quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW. Đà Lạt sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp: Hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về ứng phó BĐKH; thành lập Ban chỉ đạo ứng phó BĐKH; ban hành những quy định, kế hoạch để chủ động ứng phó BĐKH… Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc làm nữa là sẽ đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Kết hợp nguồn chi từ ngân sách địa phương với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để thực hiện các dự án, chương trình ứng phó BĐKH; chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường.
LAN HỒ