Để đi đến việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận trong thời gian sắp đến, nhiều năm qua, Việt Nam đã có những chương trình hợp tác hữu hiệu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với các nước trên thế giới cùng các tổ chức phi chính phủ.
Để đi đến việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận trong thời gian sắp đến, nhiều năm qua, Việt Nam đã có những chương trình hợp tác hữu hiệu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với các nước trên thế giới cùng các tổ chức phi chính phủ.
|
Nhiều trang thiết bị ứng dụng công nghệ hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt được IAEA hỗ trợ |
Theo ông Lê Doãn Phác, Chuyên viên cao cấp Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trong nhiều thập kỷ, Việt Nam đã phát triển các mối quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ trên thế giới trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình; học hỏi kinh nghiệm quản lý; tiếp nhận sự trợ giúp từ các quốc gia tiên tiến; chú ý công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ về ứng dụng năng lượng bức xạ, phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Một trong những đối tác có nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ quan trọng cho Việt Nam phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước, trong đó có điện hạt nhân, chính là cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Là trung tâm quốc tế về hợp tác hạt nhân, hoạt động của IAEA xoay quanh 3 trọng tâm chính: an toàn và an ninh hạt nhân; thanh sát và kiểm chứng hạt nhân; khoa học và công nghệ hạt nhân. Bên cạnh việc khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử, IAEA còn giữ vai trò hướng dẫn, giám sát và chịu trách nhiệm chính về một số công ước về hạt nhân trên thế giới.
Là thành viên của IAEA từ năm 1978, Việt Nam đã nhận được hỗ trợ rất nhiều từ IAEA thông qua các chương trình hỗ trợ không hoàn lại trong nhiều lĩnh vực của năng lượng nguyên tử, góp phần tích cực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng nguyên tử năng ở Việt Nam. Chỉ tính trong giai đoạn từ 2012 đến cuối 2015 vừa qua, Việt Nam đã thực hiện 7 dự án hợp tác kỹ thuật, tham gia 43 dự án vùng và liên vùng do IAEA tài trợ, trong đó có một số dự án liên quan đến điện hạt nhân.
Riêng điện hạt nhân, IAEA đã giúp Việt Nam nghiên cứu quy hoạch điện, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng luật và hệ thống pháp quy, đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân thông qua việc cung cấp trang thiết bị, phần mềm tính toán, tài liệu chuyên môn, cử chuyên gia sang giúp và hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực phục vụ cho điện hạt nhân.
Bên cạnh IAEA, Việt Nam còn có nhiều chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế khác như RCA và FNCA. RCA là tổ chức hợp tác của 20 quốc gia trong vùng châu Á - Thái Bình Dương dưới sự tài trợ của IAEA, trong đó có Việt Nam (tham gia từ năm 1981). Các quốc gia này đã cùng ký kết chung “Hiệp định hợp tác vùng về nghiên cứu, phát triển và đào tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân” với nhiều chương trình hợp tác thiết thực trong vùng. Còn FNCA - “Chương trình hợp tác hạt nhân châu Á” do Nhật Bản khởi xướng từ năm 1990 và nước này cũng là nhà tài trợ chính cho các hoạt động của chương trình. Năm 2000, chương trình được đổi tên thành “Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á” với 12 nước thành viên, trong đó có sự tham gia của Việt Nam từ năm 1996..
Việt Nam cũng tham gia hợp tác song phương với nhiều quốc gia trên thế giới, hiện đã ký Hiệp định hợp tác về Năng lượng nguyên tử với hầu hết các nước có trình độ cao về năng lượng hạt nhân như Nga, Mỹ , Nhật, Pháp, Ấn Độ...
Với Nga, trong năm 2010, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam, trong đó, phía Nga cung cấp cho Việt Nam một khoản vay tín dụng ưu đãi khoảng 10 tỷ USD cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 cùng các công tác chuẩn bị liên quan. Nga cũng hỗ trợ khoảng 500 triệu USD để xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, một dạng như lò phản ứng hạt nhân dành cho nghiên cứu (như lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện nay) nhưng có công suất cao hơn nhiều. Các ngành chức năng Việt Nam hiện đang lập báo cáo tiền khả thi cho dự án này.
Nga cũng tích cực hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, thông qua chương trình ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Tập đoàn nhà nước về năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (ROSATOM), Việt Nam đã cử gần 400 sinh viên sang Nga học bậc đại học và sau đại học về vận hành nhà máy điện hạt nhân. Để tăng cường thông tin về điện hạt nhân, Nga cũng tài trợ cho Việt Nam xây dựng Trung tâm thông tin Năng lượng nguyên tử tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2012.
Trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, Việt Nam từ năm 2004 đã hợp tác với Nga, Hoa Kỳ và IAEA thực hiện chương trình chuyển đổi nhiên liệu cho Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Theo đó lò sẽ chuyển nhiên liệu từ Urani có độ giàu cao (HEU) sang Urani có độ giàu thấp (LEU), cả hai đều do Nga cung cấp. Cuối năm 2011, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã hoàn toàn chuyển sang dùng nhiên liệu thấp LEU và toàn bộ số nhiên liệu HEU sau đó đã chuyển trả an toàn về Nga.
Với Nhật Bản, Việt Nam có thỏa thuận với quốc gia này xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Để chuẩn bị vận hành cho nhà máy trong tương lai gần, Việt Nam đã cử nhiều cán bộ tham dự các khóa đào tạo tại Nhật. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cử 2 đợt với tổng cộng 24 kỹ sư sang đào tạo tại Nhật trong những năm vừa qua và theo kế hoạch, trong giai đoạn từ nay đến 2020, Việt Nam sẽ cử thêm 100 sinh viên sang đào tạo về công nghệ hạt nhân và vận hành nhà máy điện hạt nhân tại quốc gia này.
Việt Nam cũng có chương trình hợp tác về điện hạt nhân với nhiều nước khác như Mỹ với chương trình nghiên cứu về an toàn hạt nhân dành cho chuyên gia Việt Nam tại Mỹ trong thời hạn từ 3-6 tháng; Hàn Quốc cũng cung cấp mỗi năm từ 3-4 học bổng cho cán bộ Việt Nam sang học chương trình cao học trong lĩnh vực hạt nhân.
GIA KHÁNH