Với nhu cầu ngày một lớn của thị trường di động, việc quản lý các thiết bị di động và thuê bao trả trước là vấn đề đầy gian nan của ngành chức năng.
Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và nhu cầu liên lạc, thì việc sở hữu một chiếc điện thoại di động không còn là chuyện khó. Với nhu cầu ngày một lớn của thị trường di động, việc quản lý các thiết bị di động và thuê bao trả trước là vấn đề đầy gian nan của ngành chức năng.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ một số thiết bị di động không có chứng nhận hợp quy |
Tràn lan điện thoại di động không đảm bảo an toàn
Theo khảo sát của phóng viên, thị trường điện thoại di động hiện nay rất đa dạng, nhiều loại, mẫu mã phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, tuy nhiên vẫn có rất nhiều các sản phẩm, thiết bị di động, bộ đàm không đạt chuẩn theo quy định của ngành thông tin được bày bán tràn lan. Các thiết bị này không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ số kỹ thuật mà còn đe dọa an toàn cho người dùng, an ninh viễn thông. Đó là các thiết bị, điện thoại được sản xuất nhái theo mẫu mã các dòng điện thoại có thương hiệu.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, từ đầu năm 2016 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lâm Đồng cùng đoàn kiểm tra liên ngành đã liên tục tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị kinh doanh sản phẩm, thiết bị viễn thông trên địa bàn các huyện, thành phố nhằm đánh giá việc chấp hành quy định chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Chỉ trong tháng 5/2016 Đoàn đã kiểm tra 17 cơ sở, xử phạt 18 triệu đồng.
* Bà Nguyễn Thúy Hằng - Phó Chánh thanh tra Sở TT&TT Lâm Đồng: Để quản lý chặt chẽ ở các 2 mảng này, ngành Thông tin truyền thông đã liên tục tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra sát sao trên từng địa bàn. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra vẫn còn mỏng, trong khi hình thức đối phó ngày càng tinh vi, phức tạp nên việc quản lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng mà còn cần sự phối hợp nhịp nhàng hơn nữa của các ngành thì mới giải quyết được truyệt để vấn đề này.
* Anh Nguyễn Khắc Hiếu - Thanh tra Sở TT&TT: Lực lượng kiểm tra thì chỉ có vài người, mà các quán Net mở khuya như thế này lại quá nhiều, chưa kể các huyện cũng có tình trạng tương tự. Trong khi đó, việc quản lý các đại lý Internet chỉ là một phần trong số các nhiệm vụ, chức năng của thanh tra. Có rất nhiều vấn đề, hệ luỵ từ việc mở cửa cho chơi quá thời gian quy định, nhưng các chủ tiệm đều lờ đi. Chẳng hạn trách nhiệm của đại lý Internet phải yêu cầu người chơi khai báo thông tin cá nhân, lập sổ theo dõi, ngừng cung cấp dịch vụ sau 23h... song hầu như không được thực hiện.
* Bà Trần Thị Mai Phương - Phó Giám đốc Sở TT&TT: Sở đã có văn bản chỉ đạo các phòng văn hóa địa phương về việc tăng cường quản lý hoạt động của các điểm kinh doanh Game internet, nhất là sau 22 giờ. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi không thực hiện nghiêm túc, lén lút mở cửa sau giờ quy định. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chấn chỉnh hoạt động này. Với những đại lý Game online mở cửa quá 22 giờ, lần đầu nhắc nhở, sau 3 lần vẫn tiếp tục vi phạm sẽ bị cắt đường truyền và xử phạt hành chính.
DT (ghi)
|
Bà Nguyễn Thúy Hằng - Phó Chánh thanh tra Sở TT&TT Lâm Đồng cho biết: Theo Thông tư 30, các thiết bị thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông chỉ được phép đưa ra thị trường trong nước sau khi đã được cấp giấy Chứng nhận hợp quy, thực hiện công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy. Điều này không chỉ chống gian lận thương mại, hàng giả mà còn là bảo vệ an toàn cho người tiêu dùng, an toàn viễn thông.
Tuy nhiên, thực tế, trên thị trường các thiết bị không có Chứng nhận hợp quy lại đang được rất nhiều cửa hàng kinh doanh điện thoại di động bày bán trà trộn cùng với các điện thoại có chứng nhận, nếu không tìm hiểu thì người tiêu dùng khó có thể nhận biết được. Đó là chưa kể đến việc một số thiết bị còn được làm giả dấu Chứng nhận hợp quy, gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Ngoài ra, để đối phó với các cơ quan chức năng, một số cửa hàng còn khai báo các sản phẩm này đã qua sử dụng nên không còn nhãn mác, hộp đựng có dấu hợp quy.
Chỉ 1 ngày đi cùng Đoàn kiểm tra liên ngành, phóng viên đã ghi nhận hầu hết các cửa hàng được kiểm tra đều có bán một số thiết bị di động không có chứng nhận hợp quy. Kể cả các cửa hàng điện thoại lớn như Xuân Trường, Thanh Xuân (đường 3/2 TP. Đà Lạt) hay JVJ (siêu thị Big C Đà Lạt)... Qua đó, mới thấy hết nguy cơ tiềm ẩn, bởi các thiết bị thiếu an toàn có mặt ở mọi nơi, quá dễ dàng mua, giá lại rất rẻ, mẫu mã phong phú, có cả dòng smart phone.
Gian nan quản lý thông tin sim trả trước
Đi dọc các tuyến phố 3/2, Bùi Thị Xuân, Trần Phú..., không khó để bắt gặp nhiều cửa hàng di động chào bán sim số của các nhà mạng với nhiều mức giá khác nhau. Sim số còn được nhân viên tiếp thị rao bán ở các chợ, siêu thị các khu dân cư… với giá “siêu rẻ” nhưng tài khoản “khủng” nhằm đánh vào thị hiếu của những người có thu nhập thấp. Khách hàng cũng dễ dàng chọn mua cho mình sim số ưng ý mà không cần phải đăng ký chính chủ vì sim đó đã được các đại lý kích hoạt sẵn. Thậm chí, sim số còn được rao bán qua tin nhắn, qua mạng xã hội (facebook, zalo...) càng khiến thị trường sim số “rối như tơ vò”.
Chính vì sự mua bán dễ dàng này mà số lượng các thuê bao điện thoại “vô danh” ngày càng tăng chóng mặt. Chủ cửa hàng di động HTC trên đường Bùi Thị Xuân, TP. Đà Lạt cho hay: “Hiện nay, khách hàng dùng nhiều sim di động cho nhiều thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, thiết bị giám sát hành trình… Sim chúng tôi thường mua lại của các nhân viên đi bán sim của nhà mạng, có cả nhân viên mặc đồng phục của các nhà mạng lớn, nên chính người bán như tôi cũng không biết sim nào là đúng quy định (?)”.
Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu - Thanh tra Sở TT&TT, việc quản lý thuê bao di động trả trước hiện nay là bài toán khó. “Không phải đến bây giờ câu chuyện quản lý thuê bao di động trả trước mới được đem ra bàn nhưng để giải quyết tình trạng này, Sở cũng đã kiến nghị Bộ TT&TT nên quy định quản lý sim trả trước như trả sau, mỗi số chứng minh nhân dân chỉ nên đăng ký một sim, tuy nhiên vì cạnh tranh giữa các nhà mạng, sim khuyến mãi, sim rác, sim ảo ngày càng nhiều và khó quản lý thông tin”.
|
2h sáng nhưng tiệm Internet vẫn đông đúc |
Game online chuyện cũ mà mới
Theo quy định, các điểm đại lý Internet, điểm truy cập Internet công cộng chỉ được hoạt động từ 8 giờ đến 22 giờ. Tuy nhiên, tình trạng mở cửa “xuyên đêm” vẫn là chuyện diễn ra hằng ngày và để giải quyết vấn nạn này vẫn còn nhiều vấn đề tưởng “mới” mà “cũ”.
2h sáng ngày 29/5, chúng tôi theo chân Đoàn kiểm tra liên ngành (Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Sở Kế hoạch và đầu tư và Công an tỉnh Lâm Đồng) kiểm tra các tiệm kinh doanh Internet. Khác với sự yên tĩnh của Đà Lạt về đêm, “thế giới ảo” vẫn sôi động. Đoàn bất ngờ vào kiểm tra 3 tiệm Internet có tên Chip Chip, Sky, Dmax ở khu vực cổng sau Trường Đại học Đà Lạt, mặc dù đã quá giờ quy định nhưng trong các tiệm này vẫn đông đúc người chơi, chủ yếu là các bạn trẻ, sinh viên và bị lập biên bản với 100 máy còn hoạt động, tạm giữ 3 máy chủ.
Theo ghi nhận của phóng viên, các tiệm đều đóng kín cửa bên ngoài, khi khách đến chơi gõ cửa hoặc gọi điện sẽ ra mở cho khách vào, thậm chí có tiệm còn bắt camera phía trước để theo dõi. Bên trong các tiệm mở cửa xuyên đêm, đa số đều thiếu ánh sáng, không khí ngột ngạt bởi khói thuốc, mùi đồ ăn, thức uống phục vụ tại chỗ. Còn nhiều “game thủ” mặt mày phờ phạc, có bạn còn ngủ gục ngay tại máy. N.N.Hùng (sinh năm 1997, sinh viên Đại học Đà Lạt) cho biết: “Ban ngày phải đi học, không có thời gian chơi, chỉ có ban đêm mới chơi thoải mái (?)”. Còn chủ tiệm Chip Chip cho rằng: “Càng ngày kinh doanh càng khó khăn nên phải mở cửa đêm để đủ doanh thu. Mặc dù biết là sai nhưng tôi vẫn chấp nhận!”.
DIỄM THƯƠNG