Xây dựng khung chỉ số đánh giá quản trị rừng

08:07, 27/07/2016

Trong tháng 7/2016, tại thành phố Đà Lạt, hội thảo lần 2 về Xây dựng khung chỉ số đánh giá quản trị rừng với sự tham gia cho REDD+. Hội thảo gồm các cán bộ trong ngành kiểm lâm, lâm nghiệp thuộc thành viên Nhóm nòng cốt PGA tỉnh Lâm Đồng. 

Trong tháng 7/2016, tại thành phố Đà Lạt, hội thảo lần 2 về Xây dựng khung chỉ số đánh giá quản trị rừng (QTR) với sự tham gia cho REDD+. Hội thảo gồm các cán bộ trong ngành kiểm lâm, lâm nghiệp thuộc thành viên Nhóm nòng cốt PGA tỉnh Lâm Đồng. 
 
Sôi nổi thảo luận nhóm tại hội thảo
Sôi nổi thảo luận nhóm tại hội thảo

Khung chỉ số đánh giá quản trị rừng là gì?
 
Mục tiêu đặt ra là: các thành viên hiểu được mục đích và sự cần thiết của khung chỉ số đánh giá QTR cho REDD+; hiểu được bức tranh tổng thể và các bước xây dựng khung chỉ số đánh giá QTR và theo đó, xây dựng các chỉ số cơ bản cho đánh giá quản trị có sự tham gia. Giám sát và chỉ số được hiểu là một quá trình liên tục, có hệ thống thu thập dữ liệu nhằm cho thấy sự tiến bộ trong việc đạt được các mục tiêu, tăng cường hiểu biết, hỗ trợ quản lý thích ứng và thông báo cho các bên liên quan chủ chốt (ví dụ nhà tài trợ). Hai câu hỏi như là điều kiện “cần” để có thể giám sát, đó là: các chỉ số, trả lời câu hỏi đo đếm cái gì?; kế hoạch giám sát, trả lời câu hỏi đo đếm như thế nào?   
 
Các chỉ số được định nghĩa là một yếu tố định lượng hay định tính để đo lường một cách đáng tin cậy các tiến triển trong việc đạt được một mục tiêu. Vậy, trong QTR, những điều cơ bản để xác định chỉ số bao gồm: “Mức độ chỉ thị”, đây là nguyên nhân và kết quả; Mục tiêu cụ thể và rõ ràng (chính xác, cụ thể; đo đếm được; có thể đạt được; thực tế; có kế hoạch cụ thể về thời gian). Theo đó, các loại chỉ số bao gồm: Chỉ số đầu ra, như số lượng định biên cán bộ bảo vệ rừng được tạo ra; số lượng người được tập huấn chính sách; số lượng cây được trồng; số lượng cán bộ được đào tạo về xây dựng cơ bản. Chỉ số kết quả, như: số lượng hộ gia đình tuân thủ chính sách, không lấn chiếm; số vụ và mức độ vi phạm giảm xuống; thời gian biên soạn, phổ biến các tài liệu, hướng dẫn chính sách giảm xuống. Chỉ số tác động bao gồm: Diện tích rừng bị chuyển đổi giảm xuống; Phần trăm giảm số hộ gia đình sống dưới 2 USD/ngày; Tăng đáng kể sự tham gia của phụ nữ/người dân trong quá trình ra quyết định; Phần trăm tăng số lượng cá thể của một loài nguy cấp; Trữ lượng rừng tăng lên.
 
Qua việc xây dựng khung chỉ số đánh giá quản trị rừng (QTR) có sự tham gia cho REDD+, các chuyên gia mong muốn là 70% diện tích rừng điểm nóng ABC có đủ định biên trong năm 2017; 90% số hộ dân vùng ABC hiểu rõ các chế tài vi phạm trong năm 2017. 
 
Những khó khăn đặt ra
 
Những con số nêu trên cũng là mục tiêu hướng tới của SMART, dĩ nhiên trong thực tế rất khó thực hiện, trong đó có cả công tác QTR ở tỉnh Lâm Đồng. Ví dụ, theo Dự án REDD+, mục tiêu SMART là ít nhất 4.000 hộ gia đình sử dụng phương pháp canh tác bền vững đến năm 2016. Khi đời sống của các hộ ở trong rừng, gần vùng rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn về kinh tế, rất nhiều hộ còn sống phụ thuộc nhiều vào rừng, dẫn đến tạo áp lực vào tài nguyên rừng. Đó còn là tri thức và tư liệu sản xuất còn hạn chế; nguồn vốn ít ỏi; tập tục canh tác còn lạc hậu…Vấn đề sự tham gia của các bên liên quan tại địa phương vào quá trình ra và thực hiện quyết định trong chương trình khoán bảo vệ rừng vẫn còn là những khó khăn trong xác định cơ sở pháp lý tại một số tiểu khu lâm phần. Đặc biệt, khi quá trình đo đạc, cắm mốc ranh giới các loại rừng và đất rừng của cơ quan chức năng vẫn chưa hoàn thành, chưa nói đến tính hoàn thiện.
 
Một vấn đề cũng hết sức quan trọng đó là quyền sử dụng rừng trong chia sẻ lợi ích đang đặt ra rất nhiều nội dung đòi hỏi như là điều kiện “cần” và “đủ” trong công tác QTR. Ví dụ, cơ sở pháp lý về quyền đối với rừng của các bên liên quan và lợi ích từ rừng: Quyền, trách nhiệm và lợi ích pháp lý của các bên liên quan; Mối tương tác giữa luật pháp và luật tục. Sự hiểu biết và hỗ trợ pháp luật như: Sự hiểu biết pháp luật của người dân; Nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân; Hỗ trợ pháp luật lâm nghiệp cho người dân… Đó còn là thực tế thực hiện quyền và lợi ích từ rừng, bao gồm: Sự rõ ràng về quyền đối với rừng trên thực tế; Tính công bằng; Mâu thuẫn trong sử dụng rừng; An toàn về quyền với rừng…
 
Với những yêu cầu cụ thể đặt ra trong khung chỉ số đánh giá QTR có sự tham gia cho REDD+ như đã nêu sơ bộ ở trên, chỉ hiệu quả thực sự trong công tác quản lý, bảo vệ rừng khi có sự tham gia đồng bộ, thống nhất và tâm huyết của mọi cấp, mọi ngành ở địa phương. Cụ thể hơn, đó là cả hệ thống chính trị vào cuộc trách nhiệm cao, hành động quyết liệt, tư duy sáng tạo và tấm lòng nhiệt huyết. Đồng thời, cùng đó cần có sự tham gia tự giác, nhiệt tâm của người dân, đặc biệt là cư dân sinh sống trong rừng và gần khu vực có rừng. Có vậy thì mục tiêu hướng tới của REDD+ là: Giảm phát thải từ mất rừng; Giảm phát thải từ suy thoái rừng; Bảo tồn trữ lượng carbon; Quản lý rừng bền vững và Nâng cao trữ lượng carbon của rừng mới đạt được thành công thực chất.
 
MINH ĐẠO