REDD+ là một sáng kiến quốc tế nhằm hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho các nước đang phát triển để triển khai các hoạt động nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.
REDD+ là một sáng kiến quốc tế nhằm hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho các nước đang phát triển để triển khai các hoạt động nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Sáng kiến REDD+ được lồng ghép vào Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC). Nhằm thúc đẩy thực tiễn trên có hiệu quả, những ngày giữa tháng 8/2016, đơn vị PPMU Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo tập huấn hướng dẫn thí điểm cơ chế giải quyết thắc mắc khiếu nại và hòa giải (GRM) ở cấp cơ sở.
|
Các học viên đưa những tình huống thường xảy ra ở địa phương để cùng thảo luận |
Ý nghĩa của GRM
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia vào Chương trình UN-REDD - một Chương trình hợp tác quốc tế của Liên hợp quốc về giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng tại các nước đang phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật của 3 tổ chức Liên hợp quốc gồm Tổ chức nông lương thế giới (FAO), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Từ tháng 7/2013, Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II chính thức được triển khai thực hiện. Mục tiêu của Chương trình giai đoạn này là nâng cao khả năng của Việt Nam để có thể hưởng lợi từ các khoản chi trả dựa trên kết quả cho REDD+ trong tương lai và thực hiện các thay đổi căn bản mới tích cực trong ngành lâm nghiệp.
Ở Việt Nam, việc thiết kế một cơ chế minh bạch, rõ ràng và công bằng để giải quyết thắc mắc, khiếu nại và hòa giải (GRM) trong quá trình thực hiện REDD+ hiện nay được coi là một trong những vấn đề cơ bản và ưu tiên nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho REDD+. GRM cần được thiết lập để vừa đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản và các thỏa thuận quốc tế, đặc biệt là các biện pháp an toàn về môi trường và xã hội, vừa phù hợp với bối cảnh của quốc gia và địa phương. Chính vì vậy, quá trình xây dựng GRM đòi hỏi phải có các kết quả thí điểm ở cơ sở, làm căn cứ khoa học và thực tiễn để minh chứng cho các nội dung được đề xuất trong GRM.
Với sự chủ trì của Tổng cục Lâm nghiệp, đầu mối là VRO (Văn phòng REDD+ Việt Nam) và sự hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật của UN-REDD, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) đã tiến hành nghiên cứu đề xuất cơ chế GRM để thí điểm ở cấp cơ sở gắn với tiến trình thực hiện Kế hoạch hành động REDD+ cấp cơ sở (SiRAP) và Thỏa thuận thực hiện SiRAP (RIA) đối với các xã, Ban Quản lý rừng phòng hộ. Để triển khai việc thí điểm GRM ở địa phương đáp ứng yêu cầu, Ban Quản lý chương trình (QLCT) UN-REDD tỉnh Lâm Đồng phối hợp với DEPOCEN tổ chức khóa tập huấn “hướng dẫn thí điểm cơ chế giải quyết thắc mắc khiếu nại và hòa giải (GRM) ở cấp cơ sở” cho các hòa giải viên, thành viên nhóm tư vấn pháp lý và kỹ thuật nhằm hỗ trợ quá trình thí điểm GRM ở các điểm làm Si-RAP/RIA gắn với Cơ chế chia sẻ lợi ích (BDS) trên địa bàn của tỉnh.
Mục tiêu chung tay QLBVR
Hỗ trợ thí điểm GRM ở cấp cơ sở tại các địa bàn thí điểm làm Si-RAP/RIA/BDS thông qua việc tập huấn hướng dẫn cách thức giải quyết thắc mắc khiếu nại và hòa giải cho đội ngũ cán bộ có liên quan ở cấp cơ sở, đặc biệt là hòa giải viên và Nhóm hỗ trợ pháp lý và kỹ thuật. Cùng đó, giúp cho các thành viên Nhóm hỗ trợ pháp lý và kỹ thuật của 3 đơn vị thí điểm và đại diện các Tổ hòa giải thôn/Ban hòa giải xã ở địa bàn thí điểm được tập huấn và nắm được những nội dung cơ bản của cơ chế GRM để thí điểm trong quá trình thực hiện SiRAP và RIA. Cụ thể đến với lớp tập huấn, những người tổ chức và truyền thụ thông tin là đại diện Ban QLCT UN-REDD Việt Nam, đại diện Ban QLCT UN-REDD tỉnh Lâm Đồng và Nhóm tư vấn DEPOCEN. Tham gia tiếp nhận thông tin gần 30 thành viên thuộc Nhóm hỗ trợ pháp lý và kỹ thuật, đại diện các Tổ hòa giải thôn/Ban hòa giải xã thuộc lâm phần quản lý của 3 Ban QLR Nam Ban, Tân Thượng và Lán Tranh. Các học viên được tập huấn nhiều nội dung thiết thực để áp dụng vào thực tế như: quy trình giải đáp thắc mắc, hòa giải các mâu thuẫn liên quan đến REDD+, cách thức phân loại, xử lí các vấn đề, các kỹ năng hòa giải cơ bản.
Theo đó, Chương trình tập huấn về Giải quyết thắc mắc, khiếu nại, tranh chấp trong hoạt động bảo vệ và phát triển rừng (SiRAPs) nhằm giúp Tổ hòa giải và Nhóm hỗ trợ kỹ thuật pháp lý hiểu rõ vai trò của từng bên và cách thức, nguyên tắc hợp tác giữa 2 bên. Từ đó, học viên của mỗi bên liên quan biết cách thực hiện công việc của mình và ghi chép, báo cáo đầy đủ. Các đơn vị hỗ trợ tiến trình GRM cơ sở hiểu và trợ giúp được cho Tổ hòa giải sau này. Đối với nội dung “nhận dạng và phân loại các vấn đề, vụ việc liên quan đến đất lâm nghiệp và hoạt động BVPTR”, lớp tập huấn tổ chức theo hình thức mở thông qua việc học viên nêu các vấn đề, các ví dụ cụ thể đã gặp ở địa phương. Diễn giả đến từ DEPOCEN còn cung cấp nhiều kiến thức cho các học viên như: Các loại vụ việc có thể phát sinh trong hoạt động BVPTR; Giới thiệu các cách thức giải quyết mâu thuẫn hiện hành; Giới thiệu mô hình và quy trình giải quyết theo mô hình; Quy trình cung cấp thông tin hoặc tư vấn cách giải quyết khác; Quy trình và kỹ năng hòa giải; Theo dõi và cơ chế báo cáo. Đồng thời sau các nội dung mang tính lý thuyết này, các học viên đã thực hiện thực hành các bài tập, thảo luận nhóm các nội dung như: Nhận dạng và phân loại các vụ việc đã gặp tại địa phương; Xác định cách thức giải quyết các loại vụ việc; Xác định quy trình cung cấp thông tin và tư vấn về cách giải quyết đối với các vụ việc điển hình tại địa phương; Thực hành hòa giải…
MINH ĐẠO