Không thể "cưỡng" lại sức hấp dẫn của tựa game đang gây sốt toàn cầu này, thế nhưng, Pokemon Go đang khiến người chơi đối mặt với rất nhiều nguy hại khó lường...
Không thể “cưỡng” lại sức hấp dẫn của tựa game đang gây sốt toàn cầu này, thế nhưng, Pokemon Go đang khiến người chơi đối mặt với rất nhiều nguy hại khó lường...
Người người, nhà nhà mê game “hot”
Pokemon là một trong những series game huyền thoại. Theo Giám đốc điều hành John Hanke của hãng phát triển game Niantic, “cha đẻ” của Pokemon Go, mục đích khi xây dựng game này là giúp người chơi Pokemon Go có cảm giác quen thuộc nhất, giống với những gì họ đã từng chơi, từng xem và từng đọc về Pokemon trước đây.
3 mục tiêu lớn khi phát triển Pokemon Go được đưa ra. Thứ nhất đó là tập luyện. Pokemon Go sẽ bắt người chơi phải hoạt động rất nhiều, bắt họ phải bước ra ngoài và lao vào những cuộc săn tìm thực sự. Những con Pokemon hiếm có chính là phần thưởng khuyến khích cho những nỗ lực này. Chính vì vậy, người chơi sẽ được rèn luyện rất nhiều chứ không chỉ phí thời gian vô bổ trong game.
Game cũng giúp người chơi nhìn thế giới bằng con mắt khác. Dựa vào công nghệ thực tế tăng cường, dựa trên môi trường thực tế xung quanh bạn. Do đó, bạn sẽ cảm thấy rất quen thuộc, ngay cả các điểm PokeStop cũng là những địa danh nổi tiếng gần nơi bạn ở. Tuy nhiên, trong khung cảnh quen thuộc đó sẽ xuất hiện những con Pokemon, sẽ xảy ra những màn săn bắt, những cuộc chiến gay cấn. Nó biến những thứ rất ảo trở nên chân thật hơn bao giờ hết.
Game Pokemon Go cũng giúp phá vỡ tảng băng đặc biệt. Theo phân tích, khi smartphone phát triển, mỗi người dường như có một tảng băng bao bọc xung quanh mà khiến cho sự giao tiếp xã hội dần biến mất. Nhưng Pokemon Go sẽ là một tựa game hoàn toàn khác, người dùng sẽ không chỉ chơi một mình mà đôi khi sẽ phải thành lập một tổ đội để đi cùng nhau và đánh chiếm các phòng Gym…
“Cha đẻ” của Pokemon Go cũng cho rằng, giống như một con thuyền phá băng, mà sẽ cho mọi người lý do để họ giành nhiều thời gian bên nhau. Cùng nhau phiêu lưu, chiến đấu trong thế giới thật. Đó là những trải nghiệm chưa từng có. Và có lẽ, đây cũng chính là một trong những lý do khiến game này tạo nên sức hấp dẫn với rất nhiều người chơi trên toàn thế giới.
Những hệ lụy
Chưa đầy 1 tuần có mặt tại Việt Nam, song đã có rất nhiều cảnh báo nguy hiểm được đưa ra đối với người chơi Pokemon GO. Từ vấn đề an ninh như bị lộ thông tin, “dính” virus lừa đảo, vì mải “bắt” Pokemon mà có thể bị tai nạn giao trong khi chơi. Thậm chí, đã có tình trạng cướp giật đã bắt đầu xảy ra đối với người chơi game này.
Bị lừa “dính virus”, lộ thông tin mạng
Trước thời điểm người dùng Việt có thể chính thức được chơi Pokemon Go, vào tối ngày 9/7, Bkav cho biết đã xuất hiện game giả mạo khiến smartphone của người dùng có thể bị tấn công. Theo phân tích của Bkav với một số ứng dụng Pokémon GO giả mạo, loại mã độc này có khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị Android của người dùng.
Ở thời điểm đó, dù chưa được cung cấp chính thức tại Việt Nam, game Pokémon GO vẫn có thể tải về từ nhiều nguồn không chính thống trên Internet. Phân tích một số ứng dụng Pokémon GO giả mạo, Bkav cho biết loại mã độc này có khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị Android của người dùng.
Mã độc có trong ứng dụng Pokemon GO giả mạo là DroidJack (thuộc loại RAT - Remote Access Tool) - một trong những trojan nguy hiểm bậc nhất trên Android. Trojan này có nhiều tính năng độc hại như: tự động cài ứng dụng bất kì theo yêu cầu của hacker lên điện thoại nạn nhân, bật camera, micro để quay phim, thu âm, ghi lại tất cả các cuộc gọi và tin nhắn của chủ nhân thiết bị… đồng thời gửi các thông tin đánh cắp được cho hacker. Phân tích chi tiết mã độc chèn trong ứng dụng, Bkav phát hiện máy chủ điều khiển của hacker được đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cách thức kẻ xấu chèn mã độc vào ứng dụng giả mạo khá đơn giản, kẻ xấu chỉ cần tải file cài đặt ứng dụng Pokemon GO từ nhà sản xuất về, chèn thêm mã độc vào file mã nguồn của phần mềm. Việc này khá đơn giản nhờ sử dụng các công cụ được cung cấp phổ biến trên mạng. Phần mềm đã bị tiêm mã độc sau đó được tung lên Internet với tên giống hệt phần mềm “xịn”, và có thể hoạt động bình thường khi được tải về điện thoại. Do đó, người sử dụng không hề hay biết mình đã trở thành nạn nhân, ngay cả khi điện thoại đã bị kiểm soát từ xa.
Còn tới khi game chính thức vào Việt Nam, đã không ít người dùng đã bị lộ thông tin cá nhân của mình. Theo thông tin từ một số trang báo, vì đặc điểm của trò chơi này là phải di chuyển thật sự để có thể thực hiện các hoạt động trong game nên nhiều người không muốn hoặc không có thời gian để di chuyển đã thuê người khác di chuyển hộ.
Khi di chuyển, người chơi sẽ có thể bắt được các pokemon mới và nhận được được bóng để bắt pokemon. Hiện nay trên mạng xã hội, một số cá nhân đã đưa ra dịch vụ bắt pokemon và lấy bóng hộ những người không muốn di chuyển.
Mức giá phổ biến hiện nay vào khoảng 50.000 đồng hoặc miễn phí cho 300 bóng. Người có nhu cầu sẽ phải chuyển email và mật khẩu gmail cho những người làm dịch vụ và hậu quả là bị các đối tượng này đổi mật khẩu của email.
Mải “bắt” Pokemon, dễ bị cướp giật, tai nạn giao thông
Mải 'bắt' Pokemon nhiều người tham gia giao thông trên đường Hà Nội đã vô tình gây cản trở giao thông khiến bản thân và người đi đường gặp nguy hiểm. Trò chơi Pokemon Go sử dụng thực tế ảo mở rộng để cho người chơi bắt Pokemon trong đời thực. Tương tự cách các nhân vật trong game đi khám phá thế giới hoặc bắt quái thú. Người chơi Pokemon sẽ phải mở kết nối mạng và GPS trên điện thoại của mình để trò chơi định vị khu vực đang ở và tạo thành bản đồ trong game.
Trên bản đồ riêng ở máy của người chơi có những địa điểm cụ thể gọi là cột mốc. Khi khám phá những cột mốc mới, bản đồ của người chơi sẽ được mở rộng thêm. Ngoài ra, số lượng Pokemon mà người chơi có thể bắt được cũng tăng lên.
Pokemon sẽ bất ngờ xuất hiện ở bất cứ đâu trên đường phố và người chơi ra tới địa điểm đó để “bắt'. Do tập trung vào trò chơi khi đang di chuyển trên đường, nhiều người đã vô tình mắc phải lỗi vi phạm giao thông.
Theo Đội CSGT số 1, Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, sáng ngày 9/8 tại khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm (thuộc các tuyến phố như Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng), tổ công tác Đội CSGT số 1 đã phát hiện và xử phạt gần 20 trường hợp vi phạm lỗi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông và dừng đỗ sai quy định. Trong số này có không ít trường hợp vi phạm là do mải 'bắt' Pokemon.
Nghị định 46 vừa có hiệu lực quy định, người đang điều khiển xe sử dụng điện thoại di động bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng (mức phạt cũ tại Nghị định 171 là 60.000 - 80.000 đồng). Ngoài ra, hành vi dừng đỗ phương tiện giữa lòng đường cũng bị xem xét mức độ để xử lý.
Một cán bộ cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, người chơi Pokemon có thể mắc nhiều lỗi vi phạm cùng lúc và rất nguy hiểm. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào với chính bản thân họ và những người tham gia giao thông khác...
Có thể nói, với tất cả những hệ lụy thực tế mà người chơi gặp phải hiện giờ, bản thân game online Pokemon Go không có lỗi. Và điều mỗi người chơi cần phải nhận thức được đó là hiểu được những ưu điểm cũng như nguy hiểm mà mình có thể gặp phải để tự giữ an toàn cho chính mình và những người xung quanh.