Theo Reuter, hãng sản xuất smartphone lớn nhất Hàn Quốc sẽ bắt đầu bán smartphone cũ đã được tân trang lại từ năm 2017. Giá bán thông thường của một chiếc Galaxy cũ sau 1 năm được phát hành đang bằng khoảng 50% giá bán ban đầu. Liệu Samsung có thành công với chiến lược này?
Theo Reuter, hãng sản xuất smartphone lớn nhất Hàn Quốc sẽ bắt đầu bán smartphone cũ đã được tân trang lại từ năm 2017. Giá bán thông thường của một chiếc Galaxy cũ sau 1 năm được phát hành đang bằng khoảng 50% giá bán ban đầu. Liệu Samsung có thành công với chiến lược này?
Theo chân Apple nhảy vào thị trường điện thoại cũ
Samsung đang tìm cách duy trì đà phục hồi lợi nhuận đạt được khi mà có vẻ tốc độ tăng trưởng smartphone toàn cầu có dấu hiệu đã lên tới đỉnh và bắt đầu xuống dốc. Một trong những giải pháp được lựa chọn là tập trung cho thị trường điện thoại cũ “tân trang lại”, giống như cách mà đối thủ Apple đang làm.
Thị trường điện thoại cũ tân trang đang là một trong những mảnh đất tương đối mầu mỡ. Theo hãng kiểm toán Deloitte, riêng trong năm 2016, thị trường điện thoại thông minh đã qua sử dụng sẽ có giá trị lên tới hơn 17 nghìn tỷ USD. Sẽ có khoảng 120 triệu thiết bị được tiêu thụ, tương đương với khoảng 8% tổng số smartphone được tiêu thụ trên toàn cầu. Ngoài người dùng cá nhân, thị trường điện thoại tân trang lại cũng nhắm tới đối tượng khách hàng doanh nghiệp - những người muốn mua các sản phẩm tốt, có giá vừa phải với các ứng dụng nhất định được cài sẵn để trang bị cho nhân viên, phục vụ công việc.
Việc bán điện thoại tân trang có thể giúp Samsung tăng cường sự hiện diện của hãng tại các thị trường đang nổi như Ấn Độ, nơi mà các thiết bị thuộc phân khúc cao cấp có giá trên 800 USD nằm ngoài tầm tay của đại đa số người dân. Nếu có cơ hội sở hữu những chiếc smartphone của các thương hiệu lớn như Samsung, Apple với chất lượng và hình thức gần như mới mà giá chỉ tương đương với những chiếc smartphone của Trung Quốc, hoặc của nhà sản xuất trong nước, lựa chọn của họ chắc chắn sẽ là iPhone hoặc Galaxy. Đây cũng là một cách giúp các Apple, Samsung cạnh tranh với các hãng sản xuất điện thoại giá rẻ của Trung Quốc, ở cả các thị trường phát triển lẫn đang phát triển.
Vậy Samsung lấy những chiếc di động cũ này ở đâu? Như Apple, đây là những chiếc smartphone được gửi trả về hãng sau những đợt trưng bày sản phẩm, hoặc bị xây xước trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, một nguồn nữa là những chiếc điện thoại được khách hàng gửi trả lại theo diện hợp đồng. Tại thị trường Hàn Quốc và Mỹ, nhiều nhà sản xuất điện thoại áp dụng chính sách cho phép khách hàng chọn đóng thêm mỗi tháng một khoản nhỏ để sau 1 năm sử dụng có thể đổi sang sử dụng những chiếc điện thoại hãng mới ra mắt.
Tất nhiên, những chiếc smartphone tân trang này sẽ được bán với giá rẻ hơn, song mức giá cụ thể bằng bao nhiêu % so với giá máy mới chưa được tiết lộ song theo BNP Paribas, sau một năm phát hành, tại Mỹ giá bán một chiếc Samsung Galaxy chỉ bán được 51% giá gốc.
Thông tin về các thị trường dự kiến bán máy cũ và số lượng máy cũ bán ra cũng không được đề cập tới.
Thách thức nào chờ Samsung ở phía trước?
Cơ hội là rất lớn nếu khai thác được. Tuy nhiên, liệu mọi thứ có dễ dàng đến vậy? Apple hiện đang bán điện thoại ở một số thị trường, bao gồm cả Mỹ song không phải nơi nào cũng suôn sẻ. Tại thị trường được coi là tiềm năng nhất - Ấn Độ, Apple đang gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cơ quan quản lý về chính sách nhập khẩu điện thoại tân trang để bán tại nước này. Một số tờ báo đăng tin rằng Ấn Độ đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Apple bởi cho rằng nếu đồng ý Ấn Độ sẽ trở thành một bãi rác điện tử. Một số báo khác thì cho rằng hai bên vẫn đang trong quá trình bàn thảo, thương thuyết và Apple đang nỗ lực thuyết phục chính phủ Ấn Độ rằng các sản phẩm tân trang của họ thậm chí còn có tuổi đời cao hơn so với những mẫu điện thoại mới của nhiều hãng khác.
Không chỉ riêng đối với Apple, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Ấn Độ, Nirmala Sitharaman còn cho biết “Chúng tôi không ủng hộ ý tưởng cho phép bất cứ công ty nào bán điện thoại đã qua sử dụng tại Ấn Độ mặc cho chúng có được chứng nhận đảm bảo như thế nào chăng nữa". Động thái của Ấn Độ chắc chắn sẽ làm không ít thị trường khác phải suy nghĩ lại về việc có cho phép các hãng điện thoại bán sản phẩm tân trang tại nước mình hay không? Cho tới nay, trường hợp của Apple tại Ấn Độ vẫn chưa có câu trả lời chính thức và nó sẽ gây không ít khó khăn cho những người đi sau như Samsung.
Ngoài thách thức về việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, Samsung có vẻ sẽ còn khó khăn hơn Apple khi họ không chỉ có những sản phẩm smartphone cao cấp. Một số chuyên gia cho rằng việc bán điện thoại tân trang sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức tiêu thụ các sản phẩm smartphone tầm trung của chính Samsung.
Nguồn tin của Reuters cho biết kế hoạch của Samsung có thể hoàn tất vào đầu năm 2017, và có thể, chiếc điện thoại tân trang đầu tiên ra mắt thị trường sẽ là chiếc Samsung là Galaxy S7 hoặc thậm chí là chiếc Note 7 vừa ra mắt được vài tuần. Cả hai chiếc smartphone này đều nhận được những đánh giá khá tích cực của người dùng.
(Theo Reuters)