Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn thành phố, Đà Lạt đã tập trung vào đầu tư thiết bị, hạ tầng và đào tạo con người, thiết lập hai bộ phần mềm Văn phòng điện tử và Một cửa điện tử phục vụ cải cách hành chính. Chính vì thế, chỉ trong vòng hơn một năm, từ một địa phương đứng thứ 4 vươn lên đứng đầu trong hoạt động ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn thành phố, Đà Lạt đã tập trung vào đầu tư thiết bị, hạ tầng và đào tạo con người, thiết lập hai bộ phần mềm Văn phòng điện tử và Một cửa điện tử phục vụ cải cách hành chính. Chính vì thế, chỉ trong vòng hơn một năm, từ một địa phương đứng thứ 4 vươn lên đứng đầu trong hoạt động ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Tuy mang danh thành phố lớn nhất tỉnh, nhưng từ nhiều năm nay, việc ứng dụng CNTT của Đà Lạt luôn xếp sau các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Điều đó dẫn tới công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho công dân chưa thực sự hiệu quả. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ lĩnh vực này, thành phố đã tập trung vào phát triển và ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước một cách toàn diện từ cơ sở đến các phòng, ban trực thuộc. Qua đó, chú trọng “đột phá” vào phát triển hạ tầng, trang thiết bị và đào tạo con người phục vụ cải cách hành chính, đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT tại các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể, chính quyền các xã, phường. Và chỉ trong vòng hơn năm nay, thành phố Đà Lạt đã đầu tư gần 6 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị bao gồm: máy tính, máy in, scan hai mặt, bảng LED điện tử… và nâng cấp mạng LAN; cài đặt hệ thống phần mềm Một cửa điện tử và Văn phòng điện tử cho các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại thành phố, các xã, phường và cơ quan chuyên môn thực hiện TTHC. Nếu có hạ tầng, thiết bị CNTT tốt, các ứng dụng tiện lợi nhưng con người sử dụng không thành thạo cũng gây khó khăn cho toàn hệ thống. Vì vậy, bên cạnh nâng cao trình độ tin học, thành phố đã mở nhiều lớp đào tạo, tập huấn tin học nâng cao cho gần 200 cán bộ, công chức thông qua các lớp quản trị mạng, văn phòng điện tử, thư điện tử… góp phần vào quá trình vận hành từ cơ sở đến cấp thành phố một cách trơn tru.
Theo UBND thành phố Đà Lạt, đến nay, hệ thống một cửa liên thông, một cửa hiện đại của thành phố đã được cài đặt phần mềm Một cửa điện tử và Văn phòng điện tử cho bộ phận tiếp nhận, trả kết quả tại 16 xã, phường, 8 cơ quan chuyên môn và văn phòng thành phố có thực hiện TTHC. Tiến hành đưa tổng cộng 358 bộ thủ tục đã được cập nhật vào sử dụng trên hệ thống; trong đó, cấp thành phố 196 thủ tục, cấp xã 162 thủ tục. Tất cả các thủ tục hành chính này đều được công bố, công khai tại các văn phòng Một cửa điện tử và trên cổng thông tin điện tử của thành phố. Đồng thời, tiến hành nâng cấp các quy trình giải quyết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các văn phòng HĐND, UBND để áp dụng 1 bộ thủ tục ở mức độ 3, 28 bộ thủ tục ở mức độ 4 và 329 bộ thủ tục ở mức độ 2, song song đó tiếp tục rà soát các quy trình để nâng cấp cấp độ giải quyết các TTHC. Dễ nhận thấy, khi công dân đến các văn phòng Một cửa điện tử có thể tra cứu danh mục TTHC, bảng hướng dẫn lập hồ sơ và tra cứu hồ sơ đã nộp được giải quyết hay chưa trên các bảng hướng dẫn điện tử rất nhanh chóng, thuận tiện. Trên hết, đó là tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt các loại hồ sơ liên quan đến công việc cần giải quyết cũng như quản lý tình hình hồ sơ của mình. Với việc ứng dụng CNTT nêu trên, hiệu quả trong giải quyết TTHC của thành phố thấy rõ. Qua thống kê, đến tháng 6 năm 2016, nếu như trong tổng số hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 8.114 hồ sơ, thì trên toàn thành phố đã xử lý, giải quyết trước hạn khoảng 66,8%, đúng hạn 33,15% và giảm số hồ sơ trễ hạn xuống tỷ lệ còn 0,05%, nguyên nhân do người dân rút hồ sơ hay bổ sung các thủ tục liên quan.
Không chỉ dừng lại ở việc giải quyết TTHC đối với công dân, quá trình chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành thành phố cũng gia tăng tính hiệu quả thông qua Văn phòng điện tử và chữ ký số. Hiện có 13 phòng và 16 xã phường và các đơn vị hành chính sự nghiệp thường xuyên sử dụng hệ thống Văn phòng điện tử trong công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị, góp phần phát huy hiệu quả việc ứng dụng CNTT của cả hệ thống. Và có 24 đơn vị trực thuộc UBND thành phố đã được cấp chứng thư số, ứng dụng chữ ký số trong việc gửi, nhận công văn thông qua hệ thống thư điện tử, tạo thuận lợi trong luân chuyển công văn trên địa bàn. Ông Nguyễn Quang Hải - Trưởng phòng Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt cho biết: Từ việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị đến đào tạo, kiện toàn con người thực hiện các ứng dụng CNTT trên địa bàn thành phố đã làm chuyển biến trong quá trình chỉ đạo, điều hành đến giải quyết các TTHC trên hệ thống, góp phần cải cách hành chính một cách sâu rộng. Chính những kết quả này, chỉ sau gần hai năm triển phai kế hoạch phát triển, ứng dụng CNTT trên địa bàn thành phố đã đưa Đà Lạt từ thứ 4 lên vị trí dẫn đầu trong tỉnh về chỉ số ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính.
KHẢI NHIÊN