(LĐ online) - Đó là đề tài tọa đàm khoa học quốc tế giữa Trường Đại học Osaka và ĐH Đà Lạt diễn ra ngày 26/10 tại Đà Lạt.
(LĐ online) - Đó là đề tài tọa đàm khoa học quốc tế giữa Trường Đại học (ĐH) Osaka và ĐH Đà Lạt diễn ra ngày 26/10 tại Đà Lạt. Đến từ ĐH Osaka (trường xếp hạng 75 trong danh sách những đại học chất lượng nhất thế giới năm 2010 theo ARWU, và là top 5 trường ĐH tốt nhất Nhật Bản), các giáo sư đã công bố nhiều thành tựu về công nghệ bức xạ đang ứng dụng tại Nhật Bản, lĩnh vực hiện nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm.
|
Giáo sư đến từ Trường ĐH Osaka Nhật Bản trình bày một quy trình công nghệ chiếu xạ hiện đại tại Nhật Bản |
Công nghệ chiếu xạ thực phẩm sử dụng các tia bức xạ (tia gamma) như các viên đạn bắn vào các "bia" ADN các tế bào của vi khuẩn hay vi sinh vật gây bệnh có trong thực phẩm.
Ứng dụng chiếu xạ nhằm bảo đảm an toàn về mặt vệ sinh thực phẩm và đạt hiệu quả cao về kinh tế thông qua quá trình xử lý, chế biến, bảo quản và xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào các thị trường lớn có các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch nghiêm ngặt.
Không chỉ để tiệt trùng, tiêu diệt các mầm bệnh, nấm mốc, vi khuẩn…, chiếu xạ còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, góp phần tạo ra được nhiều giống mới đột biến gen, từ cây lương thực đến các loại hoa và quả. Công nghệ chiếu xạ do đó còn tạo ra môi trường thân thiện, hiệu quả cao mà không phải dùng đến thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, chiếu xạ trở thành phương pháp hữu hiệu và kinh tế để theo dõi giám sát được ô nhiễm môi trường về không khí, nước và đất.
Nhằm phát triển hiệu quả kinh tế cao và bền vững của một trung tâm sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, việc ứng dụng chiếu xạ vào nông nghiệp ở tỉnh Lâm Đồng là hướng đi cần tích cực triển khai thực hiện. Vì vậy, hi vọng những kết quả đúc kết từ diễn đàn khoa học lần này sẽ tiếp tục phát huy để góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Lâm Đồng cũng như trong khu vực.
MINH ĐẠO