Công nghệ thực tế ảo, tương tác ảo, Live Stream và sự đổ bộ của các game kinh điển lên nền tảng di động hứa hẹn sẽ là những làn sóng mới của ngành công nghiệp game năm nay.
Bùng nổ game thực tế ảo (Virtual Reality)
2016 được mệnh danh là "năm của VR" và 2017 sẽ tiếp tục là quãng thời gian chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong trào lưu công nghệ thực tế ảo. Tuy nhiên, khác với các thiết bị ngoại vi di động, sự chuyển biến tiếp theo được cho là sẽ phụ thuộc nhiều vào mức giá và các nội dung hỗ trợ.
Nghiên cứu của Superdata cho thấy một phần ba game thủ sở hữu máy console muốn mua một thiết bị thực tế ảo. Tuy nhiên, mức giá khá cao của các sản phẩm đang có trên thị trường là rào cản lớn khiến họ chưa thể tiếp cận.
Các hãng công nghệ đã sớm nhận ra điều này và đang có chiến lược mới cho riêng mình. Ngày càng nhiều hãng công nghệ tham gia vào lĩnh vực phát triển thiết bị VR như Google, Facebook, Samsung, Sony, HTC, Microsoft... nên sẽ tăng độ cạnh tranh, khiến giá thành sản phẩm ngày càng thấp. Việc tích hợp với công nghệ di động như Daydream của Google hay Galaxy VR của Samsung cũng hứa hẹn khiến cho thị trường game thực tế ảo thêm sống động. Quan trọng hơn, sự rắc rối và phức tạp của hệ thống dây cáp, dây nối trong các thiết bị VR hiện tại sẽ không còn là chuyện đáng ngại trong tương lai.
Live stream - công nghệ thay đổi cuộc sống game thủ
Mặc dù đã có những tiến bộ về không gian streaming với FaceBook Live, YouTube Live, Instagram Stories..., trên thực tế lĩnh vực này vẫn đang còn trong giai đoạn sơ khai và đầy tiềm năng phát triển. Game thủ giờ đây không còn bị bó buộc vào YouTube hay hệ thống stream game trên Twitch như trước. Không chỉ thế giới mà ngay cả ở Việt Nam, nhiều game thủ trẻ đã có được mức thu nhập đáng mơ ước chỉ từ việc chơi game trực tuyến trên mạng.
Một nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Focus Vision cho thấy khoảng 41% thuê bao truyền hình trả tiền (cáp, vệ tinh...) đang có kế hoạch cắt giảm hoặc cắt đăng ký hoàn toàn để chuyển từ TV sang mạng xã hội và kỹ thuật số. Theo sát các trào lưu công nghệ, tận dụng triệt để Facebook, Twitter hay Instagram cho chiến dịch truyền thông của mình, game thủ hay streamer sẽ nhanh chóng có cơ hội đổi đời từ việc khai thác "mỏ vàng" này.
Game bom tấn trên PC, console được đưa lên di động
Bên cạnh những game di động thuần túy đạt được doanh thu vang đội trong năm 2016 như Clash Royale, Mobile Strike hay Dawn of War, ngành công nghiệp game mobile cũng chứng kiến sự thành công của những cái tên như Pokemon Go, Super Mario Run hay trước đó là Fallout Shelter hay Deus Ex Go. Điểm chung là đều được tạo ra trên nền tảng các trò chơi đã là "tượng đài" trên hệ thống PC hay Console.
Khi thị phần game truyền thống đang ngày một khó tính, sân chơi di động thể hiện rõ tiềm năng và sự thoải mái trong việc chấp nhận các sản phẩm mới. Mặc dù khó có thể đạt được trải nghiệm như trong trò chơi gốc, cảm giác được gợi lại những cảm giác xưa cũ khi chơi game trên PC hay console cũng đủ để khiến người dùng chấp nhận việc móc hầu bao. Nintendo đang đi đầu trong xu hướng này với việc đưa các bom tấn trên Nintendo DS lên thiết bị di động, ban đầu là Pokemon Go, Super Mario Run và trong năm 2017 hứa hẹn sẽ là Animal Crossing, Fire Emblem hay thậm chí cả một phiên bản của The Legend of Zelda.
Tăng cường các trò chơi kết hợp vận động thể chất
Nói một cách đơn giản hơn, đó chính là các trò chơi thực tế tăng cường (AR- Augmented Reality) đòi hỏi người chơi phải di chuyển, vận động để trải nghiệm game mà điển hình là Pokemon Go.
Đi ngược lại xu hướng, Pokemon Go thành công vang dội bởi đã đưa game thủ bước ra khỏi thế giới cô độc quen thuộc, buộc họ phải ra ngoài và tương tác, làm quen với môi trường sống một cách gần gũi hơn. So với game truyền thống, loại trò chơi này nhận được cái nhìn thiện cảm hơn từ cộng đồng và xóa bỏ đi giới hạn về độ tuổi bởi ai cũng có thể tham gia chỉ với một chiếc điện thoại. Nó cũng mang lại ý nghĩa về mặt tâm lý, khuyến khích người chơi chủ động hơn bởi kết quả giờ đây phụ thuộc vào khả năng, các cử chỉ điều khiển của người dùng.
Ngoài nội dung Pokemon, còn rất nhiều đề tài khác có thể được khai thác tốt bởi công nghệ AR như bắn súng, chiến đấu, nhập vai... Tuy nhiên, thử thách đặt ra cho các nhà phát triển là nền tảng cung cấp và cách tiếp cận phải hợp lý.
eSport là môn thể thao mới
Thể thao điện tử đang tiếp tục khẳng định vị thế và quy mô của mình và năm 2016 chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ với sự xuất hiện của các trò chơi như CS:GO, Overwatch và Street Fighter V trên sóng truyền hình; bản hợp đồng bản quyền phát sóng Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) cho công ty truyền thông của giải bóng chày Major League Baseball (MBL) trị giá 300 triệu USD hay tổng tiền thưởng trong giải đấu game DOTA 2 tăng lên con số 11 triệu USD.
Các nhà phân tích dự đoán rằng toàn bộ doanh thu từ eSport trong năm 2017 sẽ tăng gấp đôi, ước tính khoảng 1 tỷ USD đến từ trên 500 triệu khán giả. Nhiều hãng phim, công ty giải trí, các đại gia công nghệ cũng đang muốn đầu tư vào lĩnh vực game đầy mới mẻ và tiềm năng này.
Overwatch, game bắn súng của hãng Blizzard được hứa hẹn sẽ là "ngựa ô" mới của năm 2017, với đà phát triển mạnh về lượng người chơi cũng như số lượng các giải đấu. Các đội game chuyên nghiệp đã được thành lập nhiều trong năm qua và một giải đấu lớn, có quy mô quốc gia những như thế giới được nhà phát hành hứa hẹn tổ chức trong thời gian tới, nhằm đưa game lên ngang tầm với các bom tấn khác như DOTA 2 hay LMHT.
Tin nhắn, mạng xã hội kết nối game thủ
Sự phát triển của các mạng xã hội tiếp tục gây ảnh hưởng tới việc phân phối, truyền thông cho các trò chơi và năm 2017 được dự đoán sẽ trở nên sôi động hơn với nhiều cách thực tiếp cận mới. Không để các game thủ trở nên đơn lẻ và cô độc trong thế giới riêng của mình, các nhà phát triển đang ngày càng muốn kết nối mọi người lại với nhau để tạo nên một cộng đồng game thủ đông đảo, thông qua các tin nhắn và giao tiếp mạng xã hội.
Thông báo, tin nhắn, bao gồm cả dạng văn bản và hình ảnh, video sẽ là một phần nội dung trong các game của năm 2017. Gắn kết, kích thích chuyện trò không còn là lựa chọn mà sẽ trở thành tính năng chính trong tất cả các thể loại từ PC, console cho tới di động.
Cuộc chơi thiết bị đeo có thể bắt đầu
Theo nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại, thiết bị đeo đang ngày càng trở nên phổ biến. Apple, Samsung, Sony, Xiaomi hay thậm chỉ cả các công ty nhỏ cũng đang để mắt tới thị trường vẫn còn bỏ ngỏ này. Không chỉ là một thiết bị báo tin, hỗ trợ gọi điện hay đo chỉ số sức khỏe, những thiết bị đeo tay có thể trở thành một công cụ chơi game mới đầy tiềm năng nếu được kết hợp với trò chơi phù hợp. Pokemon Go Plus là một trong những minh chứng tốt nhất của năm 2016 vừa qua.
Trong thời gian tới, hệ điều hành OS hay Android sẽ phát triển hơn nữa, mở rộng khả năng tùy biến của các thiết bị đeo và tạo ra sân chơi cho các nhà phát triển game giàu ý tưởng.
(Theo vnexpress)