Đa tử trà Hương trên đỉnh Hòn Giao

08:01, 29/01/2017

Cách đây chưa lâu, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loài cây mới đặc hữu ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Đó là cây họ trà thuộc chi đa tử và được đặt tên là Đa tử trà Hương.

Cách đây chưa lâu, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loài cây mới đặc hữu ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Đó là cây họ trà thuộc chi đa tử và được đặt tên là Đa tử trà Hương.
 
Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà bên cây Đa tử trà Hương đặc hữu mới được phát hiện. Ảnh: D.Danh
Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà bên cây Đa tử trà Hương đặc hữu
mới được phát hiện. Ảnh: D.Danh

Vào rừng tìm Ða tử trà Hương
 
Một ngày cuối năm, theo chân các cán bộ kiểm lâm, chúng tôi đã vượt núi, trèo đèo để vào rừng tìm Đa tử trà Hương. Khu vực mà chúng tôi đi tìm loài cây mới này là vùng rừng già của đỉnh Hòn Giao thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Nơi đây có độ cao khoảng 1.800 m so với mực nước biển. 
 
Những cánh rừng già trên đỉnh Hòn Giao được bao phủ một làn sương mờ ảo với những bông hoa rừng treo mình trên cây cao đua nhau khoe sắc chào đón ánh nắng. Quả không sai khi nơi đây được mệnh danh là “Vương quốc của các loài lan rừng Việt Nam”. 
 
Chỉ sau khoảng 10 phút đi bộ xuyên rừng, chúng tôi đã tiếp cận được những cây Đa tử trà Hương đầu tiên. Đây là những cây đã nhiều năm tuổi, cao quá đầu người mọc xen lẫn với các cây tầng thấp dưới tán đại thụ rừng già. Quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy đây là cây thân gỗ, một gốc có nhiều nhánh, lá xanh, dày, mềm mượt. Các cán bộ kiểm lâm nơi đây cho biết, cây này bình thường hòa lẫn với các cây rừng khác khó phân biệt, nhưng vào mùa nở hoa thì rất dễ phát hiện vì hoa to, màu sắc sặc sỡ, ít có loài hoa rừng nào sánh bằng. 
 
Đa tử trà Hương là cây thân gỗ, cao không quá 10 m, có lá hình elip hẹp, đỉnh lá nhọn, đáy lá hình nêm, hoa mọc đơn ở nách lá và có màu hồng sẫm đến đỏ, cuống hoa dài từ 8 đến 10 mm, lá đài không rụng, bầu thượng với 3 - 5 buồng, vòi nhụy chia 3 - 5 thùy cạn, chỉ nhị dài 25 - 30 mm.
 
Trước đây, khi chưa được các nhà khoa học phát hiện định danh, thì những cán bộ kiểm lâm, trên đường tuần tra cũng đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cây họ trà này trong mùa khai nụ, nhưng mọi người vẫn gọi là một loài hoa rừng đẹp. Với “con mắt nhà nghề”, các cán bộ kiểm lâm đã chỉ cho chúng tôi thấy rất nhiều cây con mọc bên bìa rừng. Chứng tỏ loài cây này đã bám rễ ở rừng núi này từ lâu và đang được bảo tồn phát tán, sinh sôi phát triển.
 
Một loài cây đặc hữu
 
Cận cảnh bông Đa tử trà Hương. Ảnh: D.Danh
Cận cảnh bông Đa tử trà Hương. Ảnh: D.Danh
Theo Thạc sĩ Lê Văn Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Rừng Nhiệt đới Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Đa tử trà Hương có tên khoa học đầy đủ là Polyspora huongiana Orel, Curry & Luu. Loài cây này được nhóm nghiên cứu thực vật đến từ Vườn thực vật Hoàng gia Úc (Royal Botanic Garden) và Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển (CBD) thuộc Viện Sinh thái học miền Nam thu mẫu lần đầu tiên tại khu vực Hòn Giao và công bố loài mới cho khoa học năm 2012. Tên của loài cây này được đặt theo tên của ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà - người đã cùng phát hiện ra loài này, đồng thời ghi nhận và vinh danh những đóng góp của cá nhân ông cho công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây.
 
Đa tử trà Hương là loại cây đặc hữu đã từng được công bố trên tạp chí phân loại thực vật uy tín của Thụy Điển - Nordic Journal of Botany. Đây là một loài thực vật thuộc chi đa tử (nhiều nhị) - Polyspora của họ chè (Theaceae). Các nhà khoa học cũng đã xác định, loại cây này mọc ở độ cao khoảng 1.800 m, chỉ phân bố trong phạm vi hẹp ở khu vực Hòn Giao thuộc Vườn Quốc gia Biduop - Núi Bà và chưa từng được phát hiện và ghi nhận trên thế giới cũng như nơi khác ở Việt Nam. 
 
Ngoài giá trị đặc biệt cho khoa học, Đa tử trà Hương là cây cảnh có giá trị thẩm mỹ hết sức độc đáo. Sau khi được công bố, nhiều nghệ nhân cây cảnh đã say đắm trước vẻ đẹp của loài cây này và đã di thực, chăm sóc thành công trong môi trường nhân tạo. 
 
Một số nghệ nhân chơi cây cảnh ở Đà Lạt đã nhân giống thành công loài cây mới này bằng phương pháp giâm cành, chiết hom. Tiêu biểu như anh Trần Hoàng Thân, một người chơi cây cảnh ở phường 10, TP Đà Lạt. Và, chính cây Đa tử trà Hương đã mang về cho anh giải Vàng ở thể loại cây quý tại Hội hoa Xuân thành phố Hồ Chí Minh và nhiều giải thưởng tại các hội thi hoa, cây cảnh khác.  
 
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Orel, Curry & Luu, Đa tử trà Hương chỉ phân bố rải rác theo các nhóm nhỏ hoặc cá thể riêng biệt trên điều kiện tự nhiên khá đặc thù ở độ cao từ 1.800 - 2.000 m trong những khu rừng nhiệt đới thuộc khu vực giáp ranh giữa Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà với tỉnh Khánh Hòa. Số lượng loài ghi nhận trong tự nhiên tương đối ít, khả năng tái sinh tự nhiên hạn chế. Nhóm tác giả khuyến nghị đưa loài Đa tử trà Hương vào danh lục đỏ của IUCN ở cấp Vu (Vulnerable). Và, việc có những giải pháp để bảo vệ loài là hết sức cần thiết.
 
Nói về cây Đa tử trà Hương, những cán bộ kiểm lâm ở Trạm Kiểm lâm Hòn Giao vui vẻ chia sẻ, trước đây, mỗi lần đi tuần tra gặp mùa hoa nở, chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp mê hồn của nó, ngày nay biết được đây là giống cây quý, đặc hữu của vùng này nên càng trân quý loài cây này hơn và cố gắng để chung tay bảo tồn giống cây quý này. 
 
Ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà không giấu nổi niềm vui và tự hào khi có một cây đặc hữu mới được phát hiện trên đỉnh Hòn Giao, trong vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbian. “Đa tử trà Hương là niềm tự hào của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà cũng như Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbian. Việc phát hiện ra loài cây đặc hữu này đã minh chứng cho sự thành công trong chiến lược hợp tác quốc tế của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học với hy vọng sẽ có nhiều giống loài mới, quý hiếm nữa được phát hiện để bảo tồn nơi đây”, ông Hương chia sẻ. 
 
DUY DANH