Cần chuyên gia hạt nhân từ "lò" Đại học Đà Lạt

08:03, 01/03/2017

Chính phủ mới đây tuyên bố ngưng dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận, nhiều phụ huynh cho rằng các trường đào tạo kỹ sư, chuyên gia hạt nhân sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở mức thấp nhất trong năm nay. 

Chính phủ mới đây tuyên bố ngưng dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận, nhiều phụ huynh cho rằng các trường đào tạo kỹ sư, chuyên gia hạt nhân sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở mức thấp nhất trong năm nay. 
 
Sinh viên Đại học Đà Lạt thực hành trên hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân cùng chuyên gia Hàn Quốc. Ảnh: Gia Thịnh
Sinh viên Đại học Đà Lạt thực hành trên hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân cùng chuyên gia Hàn Quốc. Ảnh: Gia Thịnh
Tuy nhiên, tại Đại học Đà Lạt, ngành Kỹ thuật hạt nhân tuyển sinh tiếp tục tăng 10 chỉ tiêu so với năm 2016 (40 chỉ tiêu). PGS.TS Nguyễn Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Đà Lạt đánh giá: “ĐH Đà Lạt định hướng đào tạo chuyên gia hạt nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có y học, công nghiệp thép, dầu khí, nông nghiệp công nghệ cao, sinh học… Điện hạt nhân là một phần nhỏ trong mục tiêu đào tạo chuyên gia hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực. Do đó, việc đóng dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận không ảnh hưởng lớn đến hoạt động tuyển sinh chuyên ngành hạt nhân của trường”.
 
Theo định hướng của Chính phủ đến năm 2020, các tỉnh, thành trên cả nước đều phải có trung tâm y học hạt nhân cho nên nhu cầu nhân lực sẽ tăng dần qua từng năm. Ước tính đến năm 2020 có hơn 2.000 sinh viên được đào tạo chuyên ngành năng lượng nguyên tử, nhưng cũng chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu của cả nước. Tại Trường ĐH Đà Lạt, theo thống kê số lượng cử nhân ngành hạt nhân có việc làm ngay khi ra trường chiếm trên 60%.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Hòa, lực lượng kỹ sư ngành hạt nhân được đào tạo trình độ đại học không chỉ làm việc trong ngành điện hạt nhân, mà còn đủ trình độ làm việc tại các ngành có ứng dụng công nghệ hạt nhân, đặc biệt là các bệnh viện ứng dụng y học hạt điều trị các bệnh hiểm nghèo; các cơ sở nông nghiệp bảo quản sau thu hoạch và gây đột biến gen giống cây trồng… 

 
Lợi thế lớn đối với sinh viên học ngành kỹ thuật hạt nhân là Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), nằm gần Trường ĐH Đà Lạt, là cơ sở hạt nhân duy nhất tại Việt Nam có lò phản ứng hạt nhân. Và Viện đã hợp tác với Trường Đại học Đà Lạt trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo sinh viên ngay từ những năm đầu viện đi vào hoạt động. Trong đó, đa số các bộ, nhà khoa học của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt được đào tạo từ Trường ĐH Đà Lạt. Do đó, khi học ngành hạt nhân tại Trường ĐH Đà Lạt, sinh viên sẽ được tiếp xúc, thực tập tại nơi chạy lò phản ứng, sản xuất đồng vị phóng xạ nhằm điều chế biệt dược phục vụ y học, nghiên cứu các ứng dụng công nghệ hạt nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau và được tham gia các hoạt động đào tạo chuyên gia năng lượng nguyên tử của viện. 
 
Hiện cả nước có khoảng 30 cơ sở y tế có khoa y học hạt nhân chuyên tầm soát và điều trị các bệnh hiểm nghèo. Mỗi cơ sở nhỏ mỗi năm cần 5-7 người, ở những trung tâm lớn tại TP Hồ Chí Minh như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu thì mỗi năm cần hơn 30 người và có xu hướng tăng trong những năm tới. Theo đánh giá chung của các nhà khoa học, sinh viên ngành Công nghệ hạt nhân thời gian gần đây có xu hướng làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ chiếu xạ để tạo giống hoặc nghiên cứu các phương thức kích thích cây trồng cho năng suất, chất lượng cao hơn ngày một nhiều.
 
PGS.TS Nguyễn Đức Hòa cho biết thêm, hiện Trường ĐH Đà Lạt đã áp dụng Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật hạt nhân mới trong năm 2017. Chương trình mới chú trọng đào tạo người học các kiến thức như kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bằng X-quang, các vấn đề về ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp, chiếu xạ để lưu giữa hoa quả, vô trùng… Đặc biệt, tại Việt Nam chỉ Trường ĐH Đà Lạt có hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân thời gian thực OPR1000 Core Simulator (CoSi) từ Hàn Quốc để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu của sinh viên. 
 
C.THÀNH