Học trò trường huyện say mê nghiên cứu khoa học

08:03, 07/03/2017

Đây là năm thứ ba Trường THPT Lang Biang (Lạc Dương) có học sinh tham gia nghiên cứu khoa học và lần đầu tiên đoạt giải ở cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016 - 2017. 

Đây là năm thứ ba Trường THPT Lang Biang (Lạc Dương) có học sinh tham gia nghiên cứu khoa học và lần đầu tiên đoạt giải ở cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016 - 2017. 
 
Ở ngôi trường vùng xa còn nhiều khó khăn này, phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh đã thực sự được “nảy mầm”. Tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ học sinh tham gia nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, những học trò nơi đây đã thực sự “cháy” với niềm đam mê ở lĩnh vực còn khá mới mẻ tại ngôi trường huyện này, trong đó, có nhiều học sinh người DTTS. 
 
Vũ Nguyên và mẹ cùng Na Tơ với cô giáo vui mừng khi đoạt giải. Ảnh: T.Hương
Vũ Nguyên và mẹ cùng Na Tơ với cô giáo vui mừng khi đoạt giải. Ảnh: T.Hương
Đam mê trải nghiệm
 
Niềm vui khi đoạt giải Ba tại cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học trong năm học này vẫn còn nguyên vẹn trên gương mặt thầy trò Trường THPT Lang Biang. Vui vì sự nỗ lực, cố gắng đã được đền đáp xứng đáng. Nhưng đối với Đào Vũ Nguyên và Da Guot Na Tơ, có lẽ niềm vui lớn nhất là được trải nghiệm thực tế và được làm quen với công việc của những nhà khoa học thực thụ.
 
“Xuất phát từ thực tế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra nhiều tại địa bàn mình sinh sống, em rủ bạn cùng khối Đào Vũ Nguyên đăng ký tham gia cuộc thi KHKT dành cho học sinh phổ thông với đề tài “Biện pháp hạn chế hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở người đồng bào K’Ho tại xã Lát, Lạc Dương, Lâm Đồng” để góp phần hạn chế hủ tục này tại địa phương”, Da Guot Na Tơ - học sinh lớp 11 Trường THPT Lang Biang chia sẻ.
 
Thuận lợi lớn nhất của đôi bạn là Na Tơ vốn người ở xã Lát nên việc trao đổi với người dân bằng ngôn từ địa phương dễ dàng, từ đó, thu thập được nhiều tư liệu cho đề tài. Bên cạnh đó, được nhà trường tạo điều kiện tối đa và gia đình ủng hộ nhiệt tình góp phần không nhỏ vào thành công của đề tài mà Na Tơ và Vũ Nguyên thực hiện. Không chỉ vậy, các đề tài của học sinh Trường THPT Lang Biang luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của Phó Ban Dân vận Huyện ủy Lạc Dương - chị Kơ Să K’Nga, người rất tâm đắc và ủng hộ việc học sinh nghiên cứu khoa học. Đề tài của Na Tơ và Vũ Nguyên cũng nằm trong số đó. 
 
Như vậy không có nghĩa khi thực hiện đề tài này đôi bạn không gặp khó khăn. Nói như Vũ Nguyên: “Vất vả nhất là những chuyến thực tế vào tận địa bàn khi đường sá xa xôi mà phải chở theo máy móc, loa đài cồng kềnh giữa mùa mưa Tây Nguyên kéo dài, chỉ sợ hư hỏng không có tiền mà đền vì toàn đồ mượn”. Gần 5 tháng ăn, ngủ cùng đề tài là sự không quản ngại khó khăn của đôi bạn với quãng đường cả đi và về hơn 40 cây số đường rừng cùng chở nhau trên chiếc xe máy phân khối nhỏ.
 
Góp phần tuyên truyền phổ biến pháp luật
 
Ngoài việc điều tra, phát phiếu khảo sát, Nguyên và Na Tơ còn nhờ các anh chị lớp 12 hỗ trợ trong việc dựng tiểu phẩm nói về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để tuyên truyền. Ở trường, sau giờ chào cờ và sau giờ ăn của học sinh bán trú, thông qua tiểu phẩm được dàn dựng dí dỏm, Vũ Nguyên và Na Tơ tuyên truyền đến các bạn học sinh về hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ở xã Lát, tranh thủ ngày chủ nhật sau khi bà con tang lễ, cũng bằng tiểu phẩm và các hình ảnh, phóng sự, câu hỏi vấn đáp có quà… Vũ Nguyên và Na Tơ tuyên truyền đến bà con các nội dung liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 
 
Bà Liêng Hót K’Hiền - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lát cho hay: “Chưa khi nào thấy một buổi tuyên truyền mà bà con có mặt đông như vậy. Nghe nói có cô giáo và chính học sinh của thôn tổ chức nên tuy đang trong mùa thu hoạch cà phê bận rộn nhưng bà con đều muốn tham gia. Qua buổi tuyên truyền đó, bà con hiểu thêm phần nào về hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhất là chị em phụ nữ đã hiểu được việc này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tương lai của họ cũng như con cái sau này”.
 
“Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Lát có giảm hay không thì phải có thời gian. Nhưng kết quả lớn nhất mà đề tài của Nguyên và Na Tơ thực hiện đó là các em đã phần nào ý thức được đây là một hủ tục ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, nhất là Na Tơ là học sinh DTTS nhưng em không đồng tình với hủ tục ngay tại địa bàn mình sinh sống. Đặc biệt, việc tuyên truyền trong học sinh bán trú là người DTTS - đối tượng dễ bị vướng vào hủ tục này cũng góp phần nâng cao nhận thức cho các em để về tuyên truyền lại với gia đình, từ đó, hạn chế được tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ngay từ học sinh”, cô Bùi Thị Tươi - giáo viên hướng dẫn cho Na Tơ và Vũ Nguyên tâm đắc với đề tài của đôi bạn. 
 
TUẤN HƯƠNG