Như tin đã đưa, tỉnh Lâm Đồng đã chính thức công bố Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nhằm phát triển và kết hợp các hình thức bảo tồn khác nhau; hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật, chú trọng dịch vụ sinh thái…
Như tin đã đưa, tỉnh Lâm Đồng đã chính thức công bố Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nhằm phát triển và kết hợp các hình thức bảo tồn khác nhau; hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật, chú trọng dịch vụ sinh thái…
Hiện trạng đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng
|
Loài Thông đỏ được quy hoạch thành Khu bảo tồn cấp tỉnh với diện tích 1.645 ha. Ảnh: M.Đạo |
Lâm Đồng là tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, giáp ranh với 7 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa nên sự giao thoa cao về ĐDSH động, thực vật. Nhưng đây cũng là thử thách đối với công tác bảo tồn ĐDSH của tỉnh. Theo Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên Nguyễn Thành Mến, trên địa bàn Lâm Đồng hiện đã thống kê được 3.526 loài thực vật rừng, 133 loài nấm cộng sinh, 86 loài thú, 301 loài chim, 102 loài bò sát, lưỡng cư, 686 loài côn trùng và 11 loài cá. Trong đó, 201 loài bị đe dọa cấp quốc gia nêu trong Sách đỏ Việt Nam (2007), 98 loài bị đe dọa toàn cầu được liệt kê trong Danh lục đỏ IUCN và 106 loài được bảo vệ theo Nghị định số 32/NĐ - CP của Chính phủ. Đặc biệt, qua điều tra, đã bổ sung 36 loài mới được công bố. Thực vật có mặt ở Lâm Đồng có sự đa dạng loài hết sức lớn, với khoảng 3.526 loài (trước đây là 3.490 loài). Thống kê đến năm 2015 cho thấy, hệ thực vật Lâm Đồng chiếm khoảng 27,6% so với hệ thực vật cả nước; trong khi nhiều khu vực khác dưới 20%.
Lâm Đồng cũng có tài nguyên về sinh khí hậu phong phú, bao gồm 16 loại với 20 khoanh vi. Đây là điều kiện dẫn đến sự phong phú và đa dạng về các kiểu thảm thực vật, đặc biệt thảm thực vật rừng cây lá kim đặc trưng cho kiểu khí hậu á đới núi cao. Hiện trạng hệ sinh thái (HST) của Lâm Đồng có 6 HST tự nhiên điển hình, trong đó đặc trưng nhất là rừng lá rộng thường xanh, với 206, 819 ha. Ngoài ra, các HST khác như: rừng hỗn giao lá rộng lá kim, rừng lá kim, rừng lá rộng rụng lá, rừng tre nứa hỗn giao với cây gỗ và rừng tre nứa thuần loài. Đối với HST đất ngập nước, gồm có dòng chảy nhanh và dòng chảy chậm, tổng diện tích hơn 13.181 ha; chiếm 1,34% tổng diện tích tự nhiên.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Mến, tính cấp thiết là cần phải bảo tồn bằng những quy hoạch và những giải pháp. Bởi, có 161 loài được xếp vào danh mục thực vật quý hiếm, nguy cấp; trong số 123 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007) có 4 loài được phân hạng rất nguy cấp, 61 loài nguy cấp và 58 loài sẽ nguy cấp. Nếu căn cứ Nghị định 32/2006 của Chính phủ thì có 43 loài; trong đó 71,6% thuộc nhóm IA và IIA. Qua điều tra, đánh giá thực trạng bảo tồn, các nhà xây dựng Đề án cũng đã đề nghị 25 loài thực vật đặc biệt quan tâm vì đang bị đe dọa nghiêm trọng (bổ sung 12 loài so năm 2014). Mặt khác, cũng đã xác định 6 loài thực vật ngoại lai và 3 loài có nguy cơ xâm hại…
Mục tiêu, định hướng bảo tồn đa dạng sinh học
Trên cơ sở mục tiêu bảo tồn ĐDSH đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, các nhà tư vấn cho rằng, các đối tượng quy hoạch theo Luật ĐDSH gồm: các HST, hệ thống các khu bảo tồn, hành lang ĐDSH, các cơ sở bảo tồn và bảo tồn chuyển chỗ.
Về quy hoạch bảo vệ và phát triển HST rừng tự nhiên đặc thù, biện pháp bảo tồn là xác định phạm vi, ranh giới, điều tra đầy đủ tính ĐDSH về động thực vật và các giá trị môi trường. Nghiêm cấm các tác động bất lợi, chuyển đổi mục đích sử dụng; tích cực phục hồi diện tích thông qua biện pháp trồng lại rừng; nâng cao chất lượng rừng bằng các biện pháp nuôi dưỡng thích hợp… Về biện pháp bảo tồn các HST ngập nước, có dòng chảy nhanh, cần tập trung bảo tồn các HST rừng đầu nguồn và các lưu vực, là nguồn sinh thủy và điều tiết dòng chảy. Với dòng chảy chậm và vùng đất ngập nước, cần kết hợp giữa công tác quản lý, bảo vệ của các đơn vị quản lý công trình và bảo tồn các HST rừng tự nhiên đầu nguồn và lưu vực… Đối với quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn cấp quốc gia, bao gồm: Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Vườn Quốc gia Cát Tiên, chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH kết hợp công tác cải thiện sinh kế cho cộng đồng trong khu vực quản lý. Đối với khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh, cụ thể là khu bảo tồn thiên nhiên Đơn Dương thuộc địa bàn 6 xã, thị trấn, với tổng diện tích hơn 22.456 ha. Khu dự trữ này thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đơn Dương, thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý rừng đặc dụng, các khu bảo tồn.
Đề án cũng xây dựng 3 khu bảo tồn loài, sinh cảnh cấp tỉnh với tổng diện tích 4.172 ha; gồm Núi Voi (Đức Trọng) bảo tồn loài Thông đỏ; Phát Chi (Đà Lạt) bảo tồn loài Trà mi, Đảng sâm và Madaguoi (Đạ Huoai) bảo tồn loài Trà mi, Hoàng đằng, Quế rừng. Ở cấp tỉnh, đó còn là khu bảo vệ cảnh quan (Rừng phòng hộ môi trường cảnh quan thành phố Đà Lạt, với 22.320 ha); Khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học do Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên được giao quản lý: ở thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng, với 454 ha.
Các nhà tư vấn đồng thời đặt ra vấn đề quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ. Bao gồm: hệ thống vườn thực vật; hệ thống vườn động vật; trung tâm cứu hộ; bảo tàng thiên nhiên; hệ thống vườn sưu tập cây thuốc; hệ thống ngân hàng gen; bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi bản địa.
Với những mục tiêu, định hướng, chức năng và nhiệm vụ được nêu ở trên, Dự án bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng có tổng kinh phí dự kiến 1.329,2 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2017 - 2020 là 510,2 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 là 716,5 tỷ đồng và từ 2026 - 2030 là 102,5 tỷ đồng. Trong tổng nguồn kinh phí này, dự kiến vốn địa phương 46 tỷ đồng (chiếm 3,46%); vốn Trung ương 440,3 tỷ đồng (33,13%); vốn xã hội hóa 680,7 tỷ đồng (51,21%) và vốn nước ngoài 162,2 tỷ đồng (12,20%). Theo đó, có 6 nhiệm vụ, dự án cụ thể là: Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn ĐDSH; Nâng cao năng lực quản lý bảo tồn ĐDSH; Quy hoạch chi tiết và thành lập các khu bảo tồn; Xây dựng, phát triển các cơ sở bảo tồn; Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các khu vực bảo tồn và các dự án có liên quan được lồng ghép.
Theo Viện trưởng Nguyễn Thành Mến, đại diện đơn vị lập dự án tư vấn: “Các giải pháp để triển khai Quy hoạch dựa trên thực trạng, nhu cầu bảo tồn và điều kiện thực tế của tỉnh Lâm Đồng có tính hệ thống và mang tính khả thi cao. Hiệu quả của quy hoạch đã được đánh giá trên 2 mặt kinh tế - xã hội và môi trường”. Còn đại diện lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S nhấn mạnh: Nhiệm vụ mang tầm quan trọng và có ý nghĩa lớn không chỉ bảo tồn ĐDSH, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng mà còn là bảo vệ môi trường sinh thái cho toàn vùng Đông Nam Bộ. Ông Phạm S cũng đề nghị các đơn vị và địa phương liên quan tiếp tục phát huy các dự án về bảo tồn và phát triển động thực vật; làm tốt công tác truyền thông trong cộng đồng; tích cực phát huy giá trị của ĐDSH; kiềm chế sự xâm nhập ngoại lai; lồng ghép các nguồn vốn… “Tích cực phát triển ngành, lĩnh vực của mình nhưng luôn trong sự hài hòa của nhiệm vụ bảo tồn bền vững”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
MINH ĐẠO