Bò tót rừng có hậu duệ đời F2

09:04, 19/04/2017

Từ 10 con bò tót dòng F1 nghiên cứu tại Rừng quốc gia (RQG) Phước Bình (Ninh Thuận), các nhà khoa học đang thắp lên hy vọng lần đầu tiên tại Việt Nam lai tạo thành công giống bò tót có thể khai thác kinh doanh thương phẩm trên diện rộng.

Từ 10 con bò tót dòng F1 nghiên cứu tại Rừng quốc gia (RQG) Phước Bình (Ninh Thuận), các nhà khoa học đang thắp lên hy vọng lần đầu tiên tại Việt Nam lai tạo thành công giống bò tót có thể khai thác kinh doanh thương phẩm trên diện rộng.
 
Bò tót lai F1 hiện đang được nuôi tại vùng đệm VQG Phước Bình đã phối giống thành công với bò nhà. Ảnh: C.THÀNH
Bò tót lai F1 hiện đang được nuôi tại vùng đệm VQG Phước Bình đã phối giống thành công với bò nhà. Ảnh: C.THÀNH
Vào giữa tháng 4/2017, chúng tôi được nhóm nghiên cứu Đề tài cấp nhà nước về “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Khánh Hòa” do PGS.TS Lê Xuân Thám làm chủ nhiệm loan báo tin vui con đực hậu duệ bò tót tại RQG Phước Bình đã sinh sản ra hai con bê cái đời F2. Đây là thành công được đánh giá rất đáng khích lệ, bởi từ năm 2015 tới cuối năm 2016 việc lai tạo bò F1 đã gần như “dậm chân tại chỗ”.
 
PGS.TS Lê Xuân Thám cho hay, kết quả giám định nhiễm sắc thể (NST) hai con bê cái sinh trong tháng 3/2017 tại thôn Bạc Rây 2 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận) là con F2 lai lui (backcross) giữa bò mẹ F1 với bò đực nhà và con còn lại lai theo chiều ngược lại (Bố F1 lai với bò cái nhà). “Đây là con bê cái có bộ NST cân bằng 2n=60 được Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt giám định vào đầu tháng 4/2017. Điều này có nghĩa là mặc dù con đực F1 có NST “cọc cạch” 2n=58 về lý thuyết lẽ ra khi “cặp” với bò cái nhà (luôn luôn NST 2n=60) thì con sinh ra phải là 2n=59 (gọi là lệch bội). Song thực tế kỳ lạ là bò lai F2 có NST 2n=60, nghĩa là con cái này sẽ tiếp tục sinh ra các đời sau F3, F4...” - TS. Thám vui mừng cho biết và nhấn mạnh thêm “việc lai tạo thành công bước đầu bò tót dòng F2 bằng hai phép lai lui tại RQG Phước Bình rất khác biệt khi so sánh với các nghiên cứu lai tạo bò tót trên thế giới”. 
 
Như vậy, cho tới thời điểm này, các nhà khoa học tạm kết luận những con F1 bất thụ khi giao phối với nhau. Các con cái (F1) khi giao phối với bò đực nhà thì sinh sản bình thường. 
 
Kết quả phân tích nhiễm sắc thể cho thấy, bê con F2 là con lai giữa bò tót lai F1 với bò cái nhà có khả năng tiếp tục sinh sản. 
 
Thêm một bằng chứng thuyết phục cho nhận định này (mặc dù chưa được kiểm chứng về mặt khoa học) là việc ngoài hai bê con F2 lai lui hai chiều đã được phân tích NST, tại vùng đệm RQG Phước Bình còn có hộ ông Nguyễn Văn Chuẩn (thôn Bạc Rây, xã Bác Ái) sở hữu một con đực F1 phối giống với bò nhà sinh ra được một con cái F2 từ năm 2015. 
 
Cuối năm 2016 chúng tôi có dịp tiếp xúc với chú bò cái F2 của ông Chuẩn khi đàn bò nhà ông được chăn thả tự do giáp bìa rừng VQG Phước Bình. Con F2 nhà ông Chuẩn nặng khoảng 500 kg, có vóc dáng lớn hơn bò nhà khá nhiều và đặc biệt khá hung dữ khi gặp người lạ. Đặc điểm nhận dạng con bò này lai bò rừng đời F2 do bốn khuỷu chân trở xuống có màu trắng, yếm lớn trước ngực… Ông Chuẩn cho biết, từ con cái dòng F2 trên, cuối tháng 10/2016 ông cho phối giống tự do với bò đực nhà và sinh ra một con cái F3 và dần xuất hiện các đặc điểm nhận dạng giống với bò tót. Anh Hồ Bá Quân, cán bộ trực tiếp ghi nhận các thông số phát triển của 10 con bò F1 tại khu Trại nghiên cứu bò tót lai tại RQG Phước Bình cho biết, các nhà khoa học đã tính tới việc lấy mẫu máu nghi con F3 đi xét nghiệm nhưng khó khăn là bê con thường đi theo bò mẹ tìm kiếm thức ăn giáp rừng nên chưa thể lấy mẫu như dự định. TS. Thám cho biết thêm, ngoài 2 con lai F2 kể trên, một con lai dự đoán là dòng F3 chưa được kiểm chứng chính xác của ông Chuẩn thì theo ghi nhận của cán bộ Trại nghiên cứu, hiện một bò đực F1 trong trại đã phối với một bò cái nhà dân gần đó có thai khoảng 5 tháng. Điều này thêm chứng tỏ việc lai lui 2 chiều liên tục cho kết quả khả quan, bò đực và bò cái F1 đều có thể sinh con khi giao phối với bò nhà.
 
Theo các nhà khoa học, hiện tại ở Việt Nam số lượng bò tót còn khoảng 30 - 50 con ở Sơn La (Xuân Nha, Sốp Cộp), Lai Châu (Mường Tè, Mường Lay). Riêng vùng Tây Nguyên còn khoảng trên dưới 300 con, các vùng khác còn những quần thể nhỏ dưới 10 con.
 
Trong khi đó, diện tích rừng đã và đang bị suy giảm khiến vùng sống, vùng phân bố của bò tót bị chia cắt, cộng với hiện tượng săn bắn bò tót vẫn xảy ra ở một số nơi chưa kiểm soát được khiến việc bảo tồn nguồn gen quý của bò tót rừng trở nên ngày một cấp bách. Với việc lai tạo thành công cá thể bò tót dòng F2 tại RQG Phước Bình, hy vọng bảo tồn và phát triển nguồn gen bò tót quý hiếm đã ngày một có thêm cơ sở. “Việc giám định NST bò lai F2 tạo ra hướng đi mới cho quá trình nghiên cứu nhưng đây mới là bước khởi đầu quan trọng của đề tài cấp nhà nước, việc tiếp theo là chúng tôi đang đợi các chuyên gia Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam sẽ giám định DNA-genes mới khẳng định được các thông số di truyền phức tạp, tính ổn định NST thế hệ bò tót F2, mở ra việc lai tạo bò tót hướng thịt trong tương lai” - TS. Thám nhận định.
 
C.THÀNH