Cậu học trò với ước mơ ứng dụng robot vào sản xuất nông nghiệp

09:04, 20/04/2017

Mới học lớp 10 nhưng Nguyễn Công Minh (Trường THPT Bảo Lộc) đã có niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Kết quả của niềm đam mê này là giải nhất tỉnh Lâm Đồng và giải khuyến khích cấp quốc gia đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. 

Mới học lớp 10 nhưng Nguyễn Công Minh (Trường THPT Bảo Lộc) đã có niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Kết quả của niềm đam mê này là giải nhất tỉnh Lâm Đồng và giải khuyến khích cấp quốc gia đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. 
 
Nguyễn Công Minh và Robot nông nghiệp do em thực hiện. Ảnh: Bích Hồng
Nguyễn Công Minh và Robot nông nghiệp do em thực hiện. Ảnh: Bích Hồng
Hiện đang là học sinh lớp 10 nhưng Nguyễn Công Minh đã có 2 đề tài đoạt giải cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và quốc gia. Trước đó, với đề tài “Vườn thông minh”, em cũng đã xuất sắc giành giải nhất Cuộc thi Tin học trẻ và giải nhì Sáng tạo thanh thiếu niên tỉnh Lâm Đồng khi em còn là học sinh bậc THCS. Với đề tài Garden Bot - Robot nông nghiệp, Minh cho biết: “Đề tài này được em triển khai ngay từ đầu năm học lớp 10 với sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Trung Sơn. Ý tưởng của đề tài được nảy sinh sau khi được nhà trường cho đi tham quan một số vườn rau của các nông dân ở Đà Lạt. Lúc này, em nhận thấy những khó khăn của nông dân trong quá trình chăm sóc rau màu. Để thực hiện đề tài này, em phải cập nhật thông tin, học hỏi kiến thức tại một số diễn đàn trên mạng cũng như các thầy cô dạy chuyên ngành”. Robot nông nghiệp là một hệ thống có thể giúp người nông dân thực hiện các công việc trên đồng ruộng, như: Gieo trồng, tưới nước, bón phân tự động. Robot nông nghiệp cũng thay nông dân theo dõi hoạt động của từng khu vực cây trồng trong khu vườn, từ đó đưa ra các chỉ số về nhiệt độ, độ ẩm, độ sáng riêng biệt, đặt lịch hoạt động và điều khiển từ xa thông qua internet, bluetooth từ phần mềm cài đặt trên điện thoại, máy tính. Nhờ đặc tính hoàn toàn tự động, được điều khiển bằng máy tính nên có thể giảm đến 80% thời gian chăm sóc. “Hệ thống Garden Bot - Robot nông nghiệp có thể tích hợp vào các hệ thống nhà vòm, nhà kính có sẵn để hoạt động, hoặc cũng có thể áp dụng tại các gia đình trồng rau quy mô nhỏ tại ban công, gian bếp, sân nhà, hoặc tận dụng các khoảng trống để tạo ra nguồn rau sạch, giúp cho những người nội trợ muốn tự trồng rau sạch để gia đình sử dụng nhưng lại không có thời gian chăm sóc có thể thực hiện mong muốn của mình” - Công Minh chia sẻ.
 
 Là giáo viên hướng dẫn trực tiếp cho Minh trong suốt thời gian thực hiện đề tài, thầy Sơn cho biết: “Đề tài Robot nông nghiệp của Minh có khả năng ứng dụng cao vào thực tế. Trong suốt quá trình thực hiện đề tài, em có tính kiên nhẫn rất cao. Em có thể ngồi cả ngày với các máy móc linh kiện điện tử mà không biết chán. Không chỉ giỏi trong sáng tạo khoa học ứng dụng, Minh còn là một trong những học sinh “sáng giá” về lập trình phần mềm tin học. Song song với quá trình hoàn thiện phần thiết bị, Công Minh cũng tự mình mày mò, thiết lập phần mềm điều khiển Garden Bot qua hệ điều hành Window và Android”. Còn theo cô Nguyễn Thị Thùy Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lộc, nhà trường rất tự hào khi có học sinh như Nguyễn Công Minh. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em luôn có một nghị lực vươn lên. Ngoài kiến thức cơ bản được học, em luôn chủ động học hỏi. Nhà trường và thầy cô chuyên ngành cũng luôn giúp đỡ, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí để Minh hoàn thành đề tài”. 
 
Nghiên cứu khoa học và sáng chế chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với một học sinh mới bước vào lớp 10. Nhưng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, cùng tố chất thông minh và chịu khó, Công Minh luôn đặt ra cho mình lịch học khắt khe, Minh luôn sắp xếp thời gian biểu sau giờ lên lớp để vừa tự học, nghiên cứu, vừa cập nhật thêm kiến thức, vừa thoả niềm đam mê sáng tạo với các mạch điện, con chip và các phần mềm ứng dụng tương thích trên máy tính. Trở về từ cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, Minh vẫn tiếp tục mày mò, nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm của mình. Mong ước lớn nhất của em hiện nay là tìm được doanh nghiệp hoặc đơn vị đỡ đầu tiếp tục giúp em hoàn thiện mô hình và đưa mô hình vào ứng dụng trong sản xuất.
 
BÍCH HỒNG