Trà mi và giải pháp bảo tồn hiệu quả

09:10, 17/10/2017

Loài Trà mi (Camellia) rừng của Lâm Đồng là một trong những loài thực vật bản địa có giá trị cao nên đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục bảo tồn đa dạng sinh học. Đã đến lúc bảo tồn các loài Trà đặc hữu ở Lâm Đồng phải thiết lập được chuỗi giá trị của nó, từ điều tra, nhân giống, xây dựng mô hình đến nghiên cứu giá trị sử dụng.

Loài Trà mi (Camellia) rừng của Lâm Đồng là một trong những loài thực vật bản địa có giá trị cao nên đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục bảo tồn đa dạng sinh học. Đã đến lúc bảo tồn các loài Trà đặc hữu ở Lâm Đồng phải thiết lập được chuỗi giá trị của nó, từ điều tra, nhân giống, xây dựng mô hình đến nghiên cứu giá trị sử dụng.   
 
Giống Trà mi Lâm Đồng được nhóm nghiên cứu Lương Văn Dũng nhân theo phương pháp chiết cành. Ảnh: M.Đạo
Giống Trà mi Lâm Đồng được nhóm nghiên cứu Lương Văn Dũng nhân theo phương pháp chiết cành.
Ảnh: M.Đạo
Ưu thế nhân giống bằng phương pháp chiết cành     
 
Mới đây, nghiên cứu sinh (NCS) về loài Trà mi, ThS, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh, Trường Đại học Đà Lạt Lương Văn Dũng cùng các cộng sự đã đưa đến nhiều kết quả xác đáng. PGS, TS Nguyễn Văn Kết nhận xét: Đến nay, qua rất nhiều năm miệt mài và say mê nghiên cứu, tác giả Lương Văn Dũng đã trở thành một trong những chuyên gia về giống Trà mi nói chung và địa bàn Lâm Đồng nói riêng. Vậy ThS Lương Văn Dũng đã đánh giá như thế nào về Trà mi Lâm Đồng? Ông khẳng định với chúng tôi: Về thành phần loài, tần suất công bố rất cao (hơn 10 loài trong khoảng 5 năm) cho thấy tính đa dạng rất cao. Thế nhưng, nghiên cứu để bảo tồn nguồn gen quý này đang “là con số không”, trong lúc đó, tình trạng “chảy máu” các loài Trà mi đặc hữu này ra nước ngoài ngày càng báo động.
 
Với trăn trở đau đáu này, nhà khoa học Lương Văn Dũng và các cộng sự đã công bố phương pháp chiết cành Trà mi nhằm hướng đến giúp những giải pháp hữu hiệu nhất để bảo tồn một số loài Trà mi đặc hữu của Lâm Đồng. Thời gian chiết cành vào đầu mùa mưa (tháng 5). Cách chọn cành để chiết, là trên cây non, khỏe; cành đứng hoặc xiên phía trên tán cây, đường kính 1-2 cm. Về giá bầu gồm dớn, chất kích thích sinh trưởng (100ng IBA hoặc NAA/1kg giá thể dớn). ThS Dũng cho biết: Kết quả nhân giống bằng phương pháp chiết cành như sau: Trà cành dẹt thời gian ra rễ 2 tháng, tỉ lệ cành ra rễ 90,42%; Trà Di Linh 3,5 tháng và 85,0%; Trà Đà Lạt 3,5 tháng và 95,0%. So với phương pháp giâm hom các tỉ lệ trên giảm dần theo thứ tự 12%, 30% và 35%. Mặt khác, giâm hom kéo dài thời gian nhân giống hơn, kết quả đậu hoa ra quả chậm hơn. Ông Dũng cũng khẳng định với chúng tôi, nhóm nghiên cứu sẵn sàng đáp ứng cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật nếu có nhà sử dụng hợp tác, đặc biệt là giống bằng phương pháp chiết.
 
Đồng thời bảo tồn nguyên vị và chuyển vị 
 
Trước hết là công tác điều tra, bao gồm các nội dung: vùng phân bố, nơi cư trú, diện tích quần thể; kiểu thảm, cấu trúc tầng tán, tổ thành thành loài; mật độ, số lượng cá thể, kiểu phân bố, mức độ tái sinh; các yếu tố tác động quần thể; đánh giá mức độ nguy cấp (Endangered). Về nhân giống, như đã nêu trên, ngoài phương pháp chiết cành còn có các phương pháp giâm hom, gieo hạt, ủ cây, cấy mô (invitro) và thiết lập vườn giống gốc. 
 
Việc xây dựng mô hình bảo tồn theo nhóm nghiên cứu Lương Văn Dũng, cần tiến hành song song bảo tồn nguyên vị và chuyển vị. Trong đó, bảo tồn nguyên vị đảm bảo vừa tăng số lượng cá thể vừa mở rộng nơi cư trú và vùng phân bố. 
 
Cây Trà mi sẽ phát triển ngoài vùng cư trú nhưng trong vùng phân bố. Phương pháp này là đưa Trà mi từ vị trí cũ chuyển đến vị trí mới nhưng phải có đặc điểm vùng và điều kiện sinh thái tương đồng nhau. Cũng có nhà khoa học đặt ra, liệu khi bảo tồn chuyển vị sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ông Lương Văn Dũng cho rằng, chỉ thời gian đầu sau đó sẽ thiết lập được cân bằng nhờ cùng đặc điểm sinh thái. Không phát triển mô hình mà phát triển mở rộng vùng phân bố là phương pháp đang được nhóm nghiên cứu Lương Văn Dũng triển khai thực hiện đối tượng loài Trà cành dẹt tại tiểu khu 89 Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà. ThS Dũng khẳng định hiện tỉ lệ sống đạt 100%, dĩ nhiên cần chờ cây xuất hiện thế hệ thứ 2 (đã sinh trưởng) thì mới kết luận bảo tồn đã thành công. Vì vậy, sau khi xuống giống, cần theo dõi đo đếm cụ thể sau 1-2 năm. Đồng thời, đẩy mạnh bảo tồn chuyển vị thông qua mô hình trang trại. Hiện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 20 hộ dân đang phát triển Trà hoa vàng. Tuy nhiên, khó khăn là duy trì mô hình bảo tồn, một trong thách thức lớn đối với giải pháp bảo tồn. Một phương pháp khác, mang tính phổ biến trong dân gian và cũng rất thành công là đào cây về ủ. Song, phương pháp này sẽ gây suy thoái tài nguyên rất nghiêm trọng.
 
Với sự hỗ trợ của Quỹ Pro Natura Fund, thông qua đại diện là bà Uematsu Chiyomi đến từ Đại học Osaka, Nhật Bản, các nhà khoa học nghiên cứu loài Trà mi Lâm Đồng đặc biệt quan tâm đến việc giá trị sử dụng của loài thảo dược quý này. Hạn chế từ trước tới nay là người ta chỉ dừng lại ở bảo tồn mà không nghiên cứu sâu hơn về mối quan hệ hữu cơ là bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn. Vì vậy, chủ yếu đưa Trà mi vào cuộc sống bằng hình thức chơi cây cảnh, còn hướng đến đặc điểm thực phẩm chức năng và dược liệu. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm ThS Lương Văn Dũng, hàm lượng Polyphenol tổng số trong Trà cành dẹt là 6,00%; Trà Di Linh là 8,04% và đặc biệt là Trà Đà Lạt đạt 23,96% (lớn hơn cả trà xanh thường dùng). Nhóm của ông Lương Văn Dũng đã công bố sản phẩm trà túi lọc từ nguyên liệu Trà hoa vàng Lâm Đồng. Cảm nhận của chúng tôi là khi thưởng thức là Trà có màu xanh như Trà Ôlong, hương thơm dịu và dư vị ngọt về sau. Ông Dũng cho biết, hiện đã có nhiều nơi đăng ký được cung cấp nhưng chưa thể đáp ứng được. 
 
Khẩn trương triển khai Quyết định của tỉnh
 
Ngày 23/1/2017, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 169/QĐ-UBND “Phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” là một bước chuyển về hành lang pháp lý rất quan trọng và cấp thiết. Mục tiêu cụ thể là: “Nghiên cứu, đề xuất các định hướng, mục tiêu, giải pháp và cơ chế chính sách bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu”. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là “nâng cao độ che phủ rừng tối thiểu đạt 55%; hạn chế các tác động xâm hại đến rừng (...). Triển khai đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả các giải pháp thực hiện quy hoạch và các dự án ưu tiên bảo tồn, các dự án lồng ghép đã được xác định trong quy hoạch”. Quyết định cũng định hướng đến việc quy hoạch chuyển chỗ nhằm bảo tồn các loài bản địa có giá trị cao, trong đó có các loài trà rừng như Trà mi Đà Lạt, Trà hoa vàng các địa bàn huyện Lạc Dương, Cát Tiên, Đức Trọng, Đơn Dương và thành phố Đà Lạt. Theo Quyết định 169 này, tổng kinh phí thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án ưu tiên là 1.329,2 tỷ đồng; trong đó phân kỳ đầu tư giai đoạn 2016-2020 là 510,2 tỷ; giai đoạn 2021-2025 là 716,5 tỷ và giai đoạn 2026-2030 là 102,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương và địa phương 486,3 tỷ đồng; vốn xã hội hóa 680,7 tỷ đồng và vốn nước ngoài 162,2 tỷ đồng. 
 
Hành lang pháp lý và phương pháp khoa học về bảo tồn Trà mi đã có, đã đến lúc cần triển khai rốt ráo để loài thực vật bản địa không ngày thêm vắng bóng trên địa bàn tỉnh. Bảo tồn cũng góp phần ngăn chặn tình trạng “chảy máu” Trà mi ra nước ngoài đã diễn ra cả chục năm nay. Thực tế thiếu chiến lược bảo tồn, môi trường sinh thái bị phá hủy bởi nạn phá rừng, cùng nạn mua bán, Trà mi Lâm Đồng đã và đang ngày càng suy giảm mạnh số lượng cá thể. “Trà mi ở một số địa bàn trong tỉnh giảm nhiều và nhanh vì việc đào bới đã xảy ra ở mức độ rất lớn. Bởi vì Trà mi của Lâm Đồng quá đặc biệt, là độc nhất vô nhị. Bây giờ, vấn đề không phải là loài mới mà quan trọng bậc nhất là phát triển nó trong chiến lược bảo tồn”, ThS Lương Văn Dũng khẳng định.          
 
 MINH ĐẠO