Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước

09:10, 31/10/2017

Thời gian qua, Lâm Đồng không ngừng nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính công hiện đại, vì dân phục vụ. 

Thời gian qua, Lâm Đồng không ngừng nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính công hiện đại, vì dân phục vụ. 
 
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính một cửa. Ảnh: Q.U
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính một cửa. Ảnh: Q.U
Từ năm 2010 đến nay, việc sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước đã được Đảng bộ và chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm và không ngừng cải thiện, coi đó là chìa khóa đầu tiên để mở ra sự phát triển. Lâm Đồng được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước. Phần mềm văn phòng điện tử eOffice được triển khai sử dụng đồng bộ tại các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Hiện nay việc liên thông gửi nhận văn bản điện tử trên phần mềm eOffice đã được thực hiện giữa 59 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thông qua trục liên thông do Sở Thông tin - Truyền thông quản lý.
 
Hệ thống thư điện tử công vụ đã được thực hiện đến các đơn vị cấp tỉnh, huyện, thành phố. Tính đến thời điểm này đã triển khai được 6.041 tài khoản thư điện tử công vụ cho tổ chức, cá nhân từ cấp tỉnh tới cấp xã, phường, thị trấn, bao gồm cả khối Đảng, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó, 100% đơn vị thuộc khối Đảng và khối các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện được cấp hộp thư điện tử công vụ; 80% huyện - thành phố đã triển khai hộp thư điện tử đến cấp xã - phường - thị trấn. Mỗi địa chỉ thư cá nhân có dung lượng 4Gb, thư điện tử của tổ chức, đơn vị có dung lượng 10 Gb. Hệ thống thư điện tử đã không ngừng phát huy tác dụng và hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí chuyển - nhận văn bản trong cơ các cơ quan nhà nước của tỉnh.
 
Hệ thống một cửa điện tử hiện đại và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã kết nối liên thông, tích hợp hệ thống dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 của tỉnh với cổng thông tin điện tử của Chính phủ tại chuyên trang “Công khai tiến độ giải quyết hồ sơ của địa phương”, qua đó đã đẩy nhanh công cuộc cải cách hành chính. Tính đến thời điểm hiện nay, cả tỉnh có 18 cơ quan cấp tỉnh, 12/12 UBND huyện và thành phố, 19 UBND cấp xã đã được trang bị hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến. Các đơn vị cấp tỉnh đã cung cấp được 235 thủ tục đạt mức độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ, các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; và 46 thủ tục đạt mức độ 4 cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến, việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện. 
 
Hệ thống phục vụ hội nghị truyền hình trực tuyến sử dụng đường truyền cáp quang đã được triển khai lắp đặt tại 28 điểm cầu trên địa bàn toàn tỉnh, và không ngừng được nâng cấp với phần mềm mới “Giải pháp VMEET” của tập đoàn VNPT đạt chuẩn truyền hình HD, đảm bảo điều kiện kỹ thuật cho tất cả các cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các đơn vị. Đã đảm bảo chỉ đạo thông suốt từ đơn vị cấp trên xuống cơ sở, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Hệ thống camera giám sát công cộng (Trung tâm thông tin chỉ huy - Công an tỉnh) góp phần phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Đà Lạt. Hệ thống mạng Campus và hệ thống thiết bị công nghệ thông tin của tất cả các cơ quan, đơn vị có trụ sở tại Trung tâm Hành chính tỉnh, với trên 1.500 người dùng, 51 máy chủ tập trung của các đơn vị, 2 đường truyền chuyên dụng, 37 đường kết nối Internet. Hệ thống đảm bảo hoạt động liên tục, không có sự cố gây gián đoạn, tắc nghẽn. Hệ thống cổng thông tin điện tử và thư điện tử công vụ hoạt động liên tục 24/7 phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của tất cả các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của tỉnh. 
 
Toàn tỉnh đã triển khai 51/83 phần mềm, hệ thống thông tin có quy mô và phạm vi triển khai thống nhất từ TW đến địa phương, đặc biệt đối với các hệ thống thông tin chuyên ngành do các bộ, ngành chủ trì. Đến nay nhiều phần mềm, cơ sở dữ liệu đã được các đơn vị đưa vào khai thác sử dụng phục vụ công tác điều hành tác nghiệp của các đơn vị như: phần mềm quản lý giấy phép lái xe, phần mềm quản lý hệ thống đăng kiểm xe cơ giới, hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc, phần mềm quản lý giá cả, phần mềm xử lý đơn thư, phần mềm dạy học dùng chung cho các môn cơ bản của các cấp học, phần mềm quản lý phổ cập giáo dục các cấp...
 
“Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước đã thực sự làm công khai, minh bạch nền hành chính công, góp phần xây dựng chính quyền điện tử hiện đại, dân chủ, vì dân phục vụ, làm cho mọi người dân đều hài lòng, tin cậy”, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhận định về những thành tựu ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý nhà nước của tỉnh trong thời gian qua.
 
THÁI AN