Khoa học công nghệ là động lực thúc đẩy sự phát triển

08:11, 27/11/2017

5 năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Ðồng không ngừng củng cố, phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động; tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; tăng cường các hoạt động tư vấn...

5 năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Ðồng không ngừng củng cố, phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động; tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; tăng cường các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh phong trào quần chúng tham gia hoạt động sáng tạo khoa học - công nghệ, tôn vinh những trí thức tiêu biểu... Báo Lâm Ðồng đã có cuộc trò chuyện cùng ông Ngụy Xứng Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Ðồng về những kết quả mà Liên hiệp Hội đã làm được trong thời gian qua và định hướng hoạt động trong những năm tiếp theo.
 
Phóng viên: Xin ông cho biết, những thành quả nổi bật của Liên hiệp Hội trong nhiệm kỳ qua?
 
Ông Ngụy Xứng Hùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Đồng.
Ông Ngụy Xứng Hùng - Chủ tịch
Liên hiệp các Hội Khoa học
và Kỹ thuật Lâm Đồng
Ông Ngụy Xứng Hùng: Nhiệm kỳ qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lâm Đồng tiếp tục khẳng định vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức, đưa các hoạt động phát triển đi vào chiều sâu. Đến nay, Liên hiệp Hội đã tập hợp được 42 tổ chức thành viên với gần 15.000 người, chiếm 26,4% đội ngũ trí thức của tỉnh. Nhiều kết quả nổi bật đã đạt được trên cả 4 mặt hoạt động: tập hợp, tôn vinh trí thức; thông tin và phổ biến kiến thức khoa học - công nghệ; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tư vấn, phản biện và giám định xã hội. 
 
Cụ thể, Liên hiệp Hội đã tổ chức nhiều hội nghị tập hợp ý kiến đóng góp xây dựng các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng, hiệp thương bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Nhiều ý kiến tâm huyết thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ trí thức được ghi nhận, đánh giá cao. Đã chủ trì phối hợp tổ chức Giải thưởng Khoa học - Công nghệ Lâm Đồng lần thứ I - 2015 tôn vinh các nhà khoa học với 19 công trình, cụm công trình nghiên cứu xuất sắc mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đóng góp lớn cho sự phát triển. Liên hiệp Hội thường xuyên phối hợp cùng các đơn vị thành viên tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học, thực hiện đề tài nghiên cứu có giá trị như: tọa đàm “Công nghệ sinh học thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020” đã tạo diễn đàn mở để các nhà khoa học, nhà quản lý thẳng thắn trao đổi, đề xuất một số giải pháp về vai trò của khoa học - công nghệ với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất các loại cây giống và kỹ thuật canh tác, liên kết 4 nhà: nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và thị trường... Liên hiệp Hội đã thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Lâm Đồng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” được Hội đồng khoa học của tỉnh đánh giá cao. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực định hướng nghề nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số, nâng cao nhận thức về giới và sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, 42 tổ chức thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều hội thảo tọa đàm khoa học và có hàng trăm công bố khoa học có giá trị ứng dụng thực tiễn trong suốt 5 năm qua. 
 
Đưa hoạt động sáng tạo kỹ thuật thành phong trào phát triển mạnh mẽ rộng rãi trong quần chúng nhân dân, hàng năm Liên hiệp Hội tổ chức thành công Hội thi sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, đã thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp, lứa tuổi. Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng trong 5 năm trở lại đây đã có 383 giải pháp của 573 tác giả dự thi, đã trao giải thưởng cấp tỉnh cho 128 giải pháp, trong đó 8 giải pháp đoạt giải quốc gia. Hội thi sáng tạo kỹ thuật đã có 195 giải pháp của 259 tác giả dự thi, trao 51 giải thưởng cấp tỉnh, 4 giải pháp đoạt giải cấp quốc gia, nhiều giải pháp có giá trị ứng dụng thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực trong lao động, sản xuất, học tập. Với số lượng và chất lượng các giải pháp không ngừng tăng lên qua từng năm, Lâm Đồng là tỉnh có phong trào sáng tạo mạnh của cả nước. 
 
Bên cạnh những việc đã làm được và làm rất tốt, chúng tôi còn một số việc chưa được như mong muốn.
 
PV: Ông đang nói đến những trăn trở, có phải công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội? 
 
Ông Ngụy Xứng Hùng: Đúng thế. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TV, PB & GĐXH) là nhiệm vụ quan trọng, đây là một công việc khó, không chỉ mang tính khoa học mà còn mang tính xã hội, độc lập, khách quan, phi lợi nhuận; là một hoạt động phức tạp cần nhiều điều kiện mới thực hiện đạt kết quả tốt. Liên hiệp Hội Lâm Đồng đang hướng đến hình thành diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động TV, PB & GĐXH các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Liên hiệp Hội đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên gia tư vấn, phản biện; đã lập danh sách hơn 100 chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ trong tỉnh có trình độ chuyên môn sâu thuộc các chuyên ngành cụ thể để chủ động tham gia vào hoạt động TV, PB & GĐXH của Liên hiệp Hội khi có yêu cầu. 
 
Trong thời gian qua, Liên hiệp Hội đã tổ chức nhiều hội nghị tư vấn góp ý dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp, tham gia TV, PB các quy hoạch của tỉnh như: Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh khí hóa lỏng trên địa bàn tỉnh, Quy hoạch phát triển khoa học công nghệ. Tham gia góp ý kiến các dự thảo các luật: Luật Lưu trữ, Phòng chống rửa tiền, Bảo vệ bí mật nhà nước, Tài nguyên nước, Đo lường, Báo chí, Khoa học - công nghệ... Nhiều hội thành viên cũng có các hoạt động phù hợp để thực hiện nhiệm vụ tư vấn như: Hội Luật gia có Trung tâm tư vấn pháp lý hoạt động khá hiệu quả, hỗ trợ kiến thức pháp luật cho mọi đối tượng có nhu cầu; Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có văn phòng giải quyết khiếu nại người tiêu dùng, thực hiện tư vấn hướng dẫn và hỗ trợ việc xử lý những khiếu nại về chất lượng hàng hóa; Hội Đông y, Hội Y học, Hội Dược liệu thực hiện tư vấn về quản lý hành nghề y, dược tư nhân; Hội KHH-GĐ tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bệnh truyền nhiễm.
 
Tuy nhiên, các hoạt động chỉ mới dừng lại ở tư vấn, đóng góp ý kiến, chưa có cơ chế thích hợp để Liên hiệp Hội tham gia phản biện, giám định các công trình, dự án lớn mang tính bền vững, có tầm chiến lược ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Để đẩy mạnh công tác này, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt các nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội của Liên hiệp Hội trên cơ sở Quyết định 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/2/2014 của Chính phủ. Đây sẽ tạo cho Liên hiệp Hội một bước tiến mới trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ TV, PB & GĐXH trong thời gian tới. 
 
Các nhà khoa học tham dự hội thảo tư vấn điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch khoa học công nghệ Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn 2030
Các nhà khoa học tham dự hội thảo tư vấn điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch khoa học công nghệ Lâm Đồng
đến năm 2020, tầm nhìn 2030

PV: Nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp Hội trong thời gian tới là gì, thưa ông?
 
Ông Ngụy Xứng Hùng: Phát huy những kết quả đạt được, nhiệm kỳ mới, Liên hiệp Hội tiếp tục đoàn kết, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội và các hội thành viên, tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ trí thức phát huy trí tuệ, sức sáng tạo, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào thực tiễn cuộc sống để nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất; đẩy mạnh hoạt động phổ biến kiến thức khoa học - công nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động TV, PB & GĐXH thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong thực hiện các đề án kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng Liên hiệp Hội Lâm Đồng vững mạnh toàn diện, kiện toàn bộ máy tổ chức, phân công phân nhiệm nhân sự chặt chẽ, tuyển chọn những nhà khoa học có tâm huyết, có năng lực thực hiện và hoàn thành tốt chức trách được giao, góp phần đưa khoa học công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
PV: Xin cảm ơn ông.
 
QUỲNH UYỂN thực hiện