Triển khai 2 dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình nông thôn, miền núi

03:01, 11/01/2018

Năm 2018, Lâm Đồng  triển khai  2 dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nằm trong danh mục tổng số 27 dự án của Chương trình Nông thôn miền núi trên  cả nước vừa được Bộ Khoa học và công nghệ phê duyệt. 

Năm 2018, Lâm Đồng triển khai 2 dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nằm trong danh mục tổng số 27 dự án của Chương trình Nông thôn miền núi trên cả nước vừa được Bộ Khoa học và công nghệ phê duyệt. Cụ thể, các dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng và vận hành chuỗi rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh 2018 - 2020” và “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng cây Magic - S tại vùng đệm Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang”.  
 
Với mục tiêu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển cây cà chua thân gỗ Magic-S thành cây trồng cho hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái tại vùng đệm Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang; Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà sẽ phối hợp Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp (Sở NN-PTNT) tiến hành chuyển giao và tiếp nhận quy trình kỹ thuật trồng cây Magic-S: kỹ thuật nhân giống, trồng thuần, trồng xen, chăm sóc và thu hoạch trái cây. Xây dựng mô hình sản xuất giống quy mô 0,1 ha (1.000 m 2) tại Ban quản lý Khu DTSQTG có hệ thống nhà lưới và các thiết bị tưới tiêu tiên tiến, cung cấp khoảng 50 ngàn cây giống/năm. Xây dựng mô hình trồng Magic-S gắn với quản lý tài nguyên thiên nhiên Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang quy mô 2,5 ha tại vùng đệm Khu DTSQTG. Tiến hành đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân. Thực hiện liên kết, hợp tác, chia sẻ lợi ích giữa Ban Quản lý Khu DTSQTG, chính quyền địa phương và người dân trong vùng dự án trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng cây Magic-S gắn với bảo vệ, quản lý tài nguyên thiên nhiên...
 
Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng và vận hành chuỗi rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh 2018 - 2020” với mục tiêu áp dụng thành công nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm rau, củ, quả có thế mạnh của tỉnh; hình thành chuỗi sản phẩm, nâng cao khả năng tiêu thụ rau, quả an toàn, nâng cao uy tín thương hiệu rau, quả của Lâm Đồng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Trên cơ sở đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản cùng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp tỉnh sẽ tiến hành chuyển giao kỹ thuật sản xuất và quản lý sản xuất rau an toàn theo VietGAP; xây dựng mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất rau, củ, quả an toàn đạt chứng nhận VietGAP; xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản sau thu hoạch đạt chuẩn HACCP; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm rau, củ, quả an toàn. 
 
QUỲNH UYỂN