Chính thức công bố loài Sồi đặc hữu Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà

11:02, 09/02/2018

(LĐ online) - Ngày 9/2, từ Nhật Bản, các nhà khoa học thông tin với PV Báo Lâm Đồng biết: Các nhà khoa học thuộc khoa Sinh học, Trường ĐH Đà Lạt và Trung tâm bảo tồn Sinh thái Châu Á, Trường ĐH Kyushu Nhật Bản đã phát hiện 3 loài Sồi (Quercus), thuộc họ dẻ Fagaceae mới từ Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Lâm Đồng và khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Khánh Hoà. 

(LĐ online) - Ngày 9/2, từ Nhật Bản, các nhà khoa học thông tin với PV Báo Lâm Đồng biết: Các nhà khoa học thuộc khoa Sinh học, Trường ĐH Đà Lạt và Trung tâm bảo tồn Sinh thái Châu Á, Trường ĐH Kyushu Nhật Bản đã phát hiện 3 loài Sồi (Quercus), thuộc họ dẻ Fagaceae mới từ Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Lâm Đồng và khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Khánh Hoà. Đây là kết quả khảo sát điều tra, thu mẫu và phân tích bằng việc sử dụng cả marker phân tử truyền thống và thế hệ mới, kết hợp phương pháp hình thái học, tiến hành từ năm 2011 đến nay. 
 
Sồi Langbian mới được phát hiện
Sồi Langbian mới được phát hiện
Với kết quả này, các nhà khoa học đã có đủ những bằng chứng để kết luận: Sồi Langbian không phải là một loài đa hình phân bố rộng như các tài liệu trước đó đề cập, mà là loài đặc hữu tại khu vực cao nguyên Langbian, các mẫu thu từ các địa phương khác của Việt Nam và các nước lân cận là những loài riêng biệt. 
 
Theo đó, tên của loài được định danh là: Sồi Bidoup (Quercus bidoupensis Binh & Ngoc), phát hiện tại Bidoup-Núi Bà và Sồi Hòn Bà (Quercus honbaensis Binh, Tagane & Yahara), phát hiện tại khu vực Hòn Bà và Sồi Bảo Lâm (Quercus baolamensis Binh & Ngoc), phát hiện tại Bảo Lâm. 
 
Công bố đặc biệt này đã phủ nhận những nhận định trước đây của các nhà khoa học nước ngoài và Việt Nam từ những năm 1920-1954 cho rằng Sồi LangBiang (Quercus langbianensis Hickel & A.Camus) có phân bố rộng, bao gồm tại quốc gia Campuchia và các tỉnh, thành khác của Việt Nam như Lào Cai, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Đồng Nai và Lâm Đồng. Mặt khác, kết quả phát hiện mới của nhóm tác giả được công bố trên tạp chí chuyên ngành Phytokeys, thuộc danh mục Scopus lần này tiếp tục khẳng định mức độ đa dạng của hệ thực vật tại khu vực Bidoup – Núi Bà và các vùng lân cận rất cao, và là một trong những điểm nóng về đa dạng sinh học ở Việt Nam, nơi có khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbian. 
 
MINH ĐẠO